Ông
Ông  Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương.

Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương cho biết: Bất cứ chương trình xúc tiến thương mại nào chúng tôi cũng sẽ tiếp cận theo hướng cung cấp thông tin thị trường, kết nối, hỗ trợ kỹ thuật nâng cao năng lực để thực hiện được hoạt động xúc tiến thương mại một cách hiệu quả nhất.

Đối với sản phẩm OCOP và những chủ thể tham gia chương trình OCOP, ngay từ năm 2018, Bộ Công Thương đã tiếp cận và hợp tác với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cụ thể là Văn phòng Điều phối Nông thôn mới chủ trì, triển khai Chương trình OCOP để có những hoạt động hiệu quả, phù hợp, hỗ trợ cho xúc tiến thương mại các sản phẩm OCOP.

Với thị trường trong nước, trong năm 2022, Cục đã tiếp cận theo vùng miền. Ở mỗi vùng miền Bắc, Trung, Nam chúng tôi đều có “Ngày hội kết nối” nhà sản xuất, mà ở đây có thể nhắc đến những chủ thể OCOP, để có thể tiếp cận trực tiếp với hệ thống phân phối, nhà xuất khẩu, nhà thương mại… Qua đó giúp cho sản phẩm OCOP có thể tiếp cận thị trường bài bản, theo hướng quy mô thương mại chứ không chỉ mang tính làng xã, tự cung tự cấp như trước đây.

Song song với đó, riêng trong năm 2022, chúng tôi đã tổ chức nhiều phiên tư vấn thông tin thị trường; tập trung vào cung cấp thông tin thị trường xuất khẩu làm sao cho những sản phẩm OCOP có thể bắt nhịp được với nhu cầu của thị trường; sản xuất ra sản phẩm thị trường cần chứ không phải những sản phẩm mà làng xã đó có, bắt nhịp được xu hướng thị trường một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất, có như vậy thì sản phẩm mới tiếp cận được thị trường và xuất khẩu được.

Cùng với đó, tổ chức nhiều hoạt động huấn luyện, đào tạo kỹ năng xúc tiến thương mại, đặc biệt xúc tiến thương mại qua môi trường điện tử. Chúng tôi đã tổ chức hàng trăm khóa đào tạo trên cả nước cho các chủ thể, tập trung vào hợp tác xã để cung cấp kỹ năng bán hàng cho các chủ thể OCOP nói riêng và nhà sản xuất nói chung thông qua môi trường mạng như facebook, zalo… thậm chí qua những môi trường thương mại điện tử như Lazada, Amazon, taobao… Những hoạt động này được thực hiện tổng thể, đồng bộ, giúp cho sản phẩm OCOP tiếp cận được với thị trường nhanh và rộng nhất, cũng như tiết kiệm chi phí nhất.

Theo ông Phú, trong thời gian qua sản phẩm OCOP có 03 vấn đề cản trở cho hoạt động xúc tiến thương mại. Thứ nhất, đối tượng chủ thể của chương trình OCOP kinh tế quy mô nhỏ và rất nhỏ chứ không phải nhỏ và vừa. Chính vì đối tượng hay chủ thể của chương trình như vậy nên tạo ra khối lượng hay quy mô sản phẩm không mang tính thương mại, không đạt được quy mô thương mại quốc tế.

Ví dụ, để 1 sản phẩm OCOP nào đó vào được hệ thống siêu thị của nước ngoài, nếu đã nhập khẩu thì yêu cầu 1 tháng phải vài container, trong khi 1 hộ gia đình hay 1 hợp tác xã ở tận trên vùng núi Hà Giang hay Tuyên Quang… thì làm sao 1 tháng có sức sản xuất vài container hồng khô, hay táo khô…

Thứ hai, là tính ổn định trong chất lượng sản phẩm. Bởi đây là những sản phẩm sản xuất ở quy mô hộ gia đình hay quy mô doanh nghiệp tư nhân; hệ thống kiểm soát chất lượng hầu hết ở mức sơ khai nên tính ổn định sản phẩm có thể khẳng định chưa thực sự đồng đều giữa lô trước và lô sau. Trong khi, để xuất khẩu được vào hệ thống siêu thị nước ngoài đòi hỏi hệ thống chất lượng phải đồng đều, qua đó đảm bảo uy tín cho sản phẩm của mình.

Thứ ba, năng lực xúc tiến thương mại, năng lực tổ chức của các chủ thể OCOP mặc dù có tiến bộ trong thời gian qua nhưng trên thị trường quốc tế những yêu cầu về bao bì, thiết kế, kiểu dáng sản phẩm ra làm sao… ở các chủ thể OCOP còn thiếu, đặc biệt tại các chủ thể OCOP ở miền núi, vùng cao thì còn nhiều hạn chế so với yêu cầu thực tế.

Ảnh minh họa, nguồn internet
Ảnh minh họa, nguồn internet.

Trong hoạt động xúc tiến thương mại luôn luôn đề ra những nguyên tắc, đó là phải thiết kế ra được những hoạt động, chương trình xúc tiến thương mại phù hợp với từng đối tượng, cho từng nhóm sản phẩm, cho từng thị trường và từng giai đoạn nhất định. Không phải sản phẩm nào cũng có chương trình xúc tiến thương mại như nhau, đối với mỗi nhóm sản phẩm cần có chương trình xúc tiến thương mại đặc thù.

Chính vì vậy, thông qua hoạt động thương mại điện tử thì chủ thể OCOP có thể đưa sản phẩm của mình đi xa và đi rộng; đồng thời tiết kiệm được chi phí. Đặc biệt quan trọng, thông qua thương mại điện tử các sản phẩm OCOP được bán dưới dạng chính thương hiệu của mình, thương hiệu của gia đình, hợp tác xã. Còn như nếu đưa vào hệ thống siêu thị thì phải bán dưới thương hiệu của nhà phân phối.

Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại nhấn mạnh, công tác thông tin thị trường rất quan trọng. Trong thời gian tới cần đẩy mạnh để cung cấp cho các chủ thể OCOP tiếp cận được thị trường và đáp ứng nhu cầu thị trường một cách tốt nhất.

Lê Pháp (t/h)