Theo ông Nguyễn Tấn Hưng, Phó Chủ tịch UBND Huyện Long Thành (Đồng Nai) cho biết, qua kiểm tra rà soát, lãnh đạo huyện Long Thành nhận thấy Địa ốc Alibaba liên kết với Công ty CP Địa ốc Tia Chớp (Xã Long Phước, huyện Long Thành, Đồng Nai) do bà Trương Thị Hồng Ngọc làm giám đốc để thực hiện bán khống những dự án không có thật trên địa bàn huyện. Hai công ty nói trên đã bắt tay nhau bán đất nền ở 21 dự án thuộc các xã Phước Bình, Long Phước, An Phước… thông qua các website như: diaocalibaba.vn, diaocalibaba.com.vn, các trang mạng về bất động sản và mạng xã hội khác như Zalo, facebook… Đã có rất nhiều người dân trong và ngoài tỉnh đặt mua đất nền của hai công ty này.
Công ty địa ốc Alibaba rao bán hàng loạt dự án 'vịt trời'
Trong đó, tại xã Phước Bình, Công ty cổ phần Alibaba rao bán 3 vị trí là: Dự án Alibaba Central Park, Alibaba Central Park II, Alibaba Central Park III; xã An Phước có 1 dự án Alibaba An Phước ở ấp 5; xã Long Phước có 17 dự án là: Alibaba 1,2... đến Alibaba 16 và dự án Khu dân cư Quốc tế Lilama.
Những vị trí mà Công ty cổ phần địa ốc Alibaba và Công ty cổ phần địa ốc Tia Chớp rao bán phần lớn đều là đất quy hoạch sản xuất nông nghiệp, làm giao thông của các cá nhân. Hai công ty trên đã tự thiết kế giao thông ngang dọc khu đất kết nối ra Quốc lộ 51 và chia đất ra những lô nhỏ không đúng thực tế rồi rao bán.
Theo chính quyền địa phương, việc xử lý vi phạm của các công ty nói trên là rất khó khăn, vì việc quảng cáo, giới thiệu mua bán đất nền tại các thửa đất và việc ký hợp đồng, thỏa thuận đặt cọc được thực hiện ở nơi khác, rất khó thu thập thông tin để xử lý.
UBND huyện Long Thành kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo công an tỉnh điều tra, xác minh giao dịch, mua bán đất nền của 2 công ty nói trên để có biện pháp xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
Lãnh đạo huyện Long Thành cũng đề nghị Sở Tư pháp, Sở Tài Nguyên - Môi trường tỉnh Đồng Nai có ý kiến hướng dẫn để huyện ra văn bản đề nghị tạm ngưng không giải quyết tất cả các thủ tục về đất đai với thửa đất khi phát hiện trường hợp làm đường trên đất nông nghiệp trái phép và trường hợp Địa ốc Alibaba tổ chức sự kiện mua bán đất nền tại các khu vực đất do các cá nhân đứng tên với hiện trạng đất đồng cây, chưa thay đổi mục đích sử dụng….
Bên cạnh đó, UBND huyện Long Thành còn kiến nghị tỉnh cho ý kiến về việc xử lý đối với các trường hợp cố tình không phối hợp làm việc và trường hợp không xác định được đối tượng vi phạm.
Trước đó, liên quan đến hoạt đông lập dự án bán hàng của công ty này, Bộ Công an vào cuộc ở 3 địa phương TPHCM, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu vì nơi đây có các dự án mà các công ty trực thuộc địa ốc Alibaba đang rao bán cho khách hàng. Việc "đặt chỗ dự kiến" mà công ty Alibaba đang thực hiện với khách hàng tại những các khu đất chưa giải toả, chưa có chủ đầu tư được nhận định là trái với quy định.
Cụ thể, tháng 11/2017, công ty Alibaba rao bán hàng loạt “dự án” mang tên Alibaba Long Phước 1 đến Alibaba Long Phước 14 tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai. Lãnh đạo huyện Long Thành cho biết không hề cấp phép dự án nào cho doanh nghiệp này.
Công ty Alibaba cũng "tấn công" phân khúc đất nền ở khu vực Tây Bắc Củ Chi, TPHCM. Với việc Alibaba tự xưng là chủ đầu tư của Dự án Khu đô thị Tây Bắc Củ Chi Khu vực VIII - 3, có diện tích 97,58 ha thuộc Khu đô thị Tây Bắc, huyện Củ Chi, TPHCM để mở bán và nhận đặt chỗ của khách hàng.
Sau đó, công ty này tuyên bố triển khai dự án ở Bà Rịa - Vũng Tàu có tên Dự án khu đô thị Alibaba Tân Thành". Dự án này được quảng cáo là có diện tích 13 ha (860 nền).
Hải Đăng