Một góc vịnh Lăng CôMột góc vịnh Lăng Cô

Hoàn thiện hạ tầng

Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô hiện thu hút đầu tư được 47 dự án, với vốn đầu tư đăng ký khoảng trên 79.300 tỷ đồng; trong đó, có 22 dự án đang hoạt động chiếm 46,8% tổng số dự án, 14 dự án đang triển khai thực hiện và 11 dự án đang thực hiện các thủ tục đầu tư dự án.

Phó Ban quản lý Khu kinh tế - Công nghiệp tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Công Bình cho biết, với những lợi thế riêng có, cùng với sự đầu tư hạ tầng hoàn chỉnh trong thời gian gần đây, Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô đã sẵn sàng đón nhận làn sóng chuyển dịch đầu tư thời kỳ hậu dịch COVID-19.

Dự kiến cuối tháng 7/2020, tỉnh Thừa Thiên - Huế sẽ tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư vào Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô; trong đó, tập trung vào các lĩnh vực chính như: du lịch, đô thị, logistics, công nghiệp công nghệ cao, phi thuế quan. Hy vọng trong dịp này, tỉnh sẽ tìm được những nhà đầu tư chiến lược, có công nghệ cao, ít tác động xâm hại đến môi trường đến đầu tư.

Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô có vị trí địa lý đắc địa, kết nối thuận lợi với mạch máu giao thông của đất nước, nằm cách Quốc lộ 1A và tuyến đường sắt Bắc Nam khoảng 6-7 km; đồng thời, nằm giữa sân bay Phú Bài và sân bay Đà Nẵng. Hiện nay, tuyến cao tốc La Sơn - Túy Loan từ Thừa Thiên - Huế đi Đà Nẵng và dự án hầm Hải Vân 2 đã cơ bản hoàn thành, chuẩn bị đưa vào khai thác sẽ tạo ra thêm nhiều lợi thế cạnh tranh cho khu kinh tế này.

Đặc biệt, Cảng Chân Mây, trước đây có một cầu cảng với công suất thiết kế ban đầu bốc dỡ 1 triệu tấn hàng hóa/năm nhưng hiện nay đã quá tải, có lúc cao điểm công suất bốc dỡ đạt 2,7 triệu tấn hàng hóa/ năm. Trước thực tế trên, tỉnh Thừa Thiên - Huế đang đầu tư xây dựng thêm 2 cầu cảng mới cũng như hệ thống kho bãi, nâng tổng công suất khả năng bốc dỡ qua Cảng Chân Mây đạt 6 triệu tấn/năm vào năm 2021.

Bên cạnh đó, cuối năm 2020, tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng sẽ hoàn thành hệ thống đê chắn sóng giai đoạn 1 dài 450m/750m ở khu vực Cảng Chân Mây, quá đó tăng thời gian khai thác của cảng nước sâu này trong năm mà không phải phụ thuộc vào những yếu tố bất lợi của thời tiết như mưa bão… Hiện nay, tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng vừa hoàn thiện nâng cấp hế thống điện lưới, nước sạch và hoàn thành các khu tái định cư để có thể sẵn sàng đền bù, di dời dân cư, nhường đất để triển khai các dự án theo quy hoạch. Huyện Phú Lộc hiện đã hình thành được 4 khu tái định cư rộng khoảng 120 ha để sẵn sàng cho công tác giải phóng mặt bằng.

Ngoài ra, Vịnh Lăng Cô với chiều dài 42,5 km, nằm dưới chân đèo Hải Vân hùng vĩ, đã được vinh danh là một trong những vịnh đẹp nhất thế giới chứa đựng nhiều tiềm năng để phát triển lĩnh vực du lịch nghỉ dưỡng. Cảng Chân Mây là một trong những cảng nước sâu của Việt Nam có thể đón được tàu du lịch lớn nhất thế giới lên tới 50 vạn tấn ra vào.

Trước thời điểm xảy ra dịch bệnh COVID-19, trung bình mỗi tháng cảng Chân Mây đón từ 5 - 6 chuyến tàu du lịch cỡ lớn của thế giới cập cảng, trở theo hàng ngàn du khách đến thăm quan các điểm du lịch ở tỉnh Thừa Thiên - Huế, thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam.

Thu hút nhà đầu tư lớn

Khu kinh tế Chân Mây- Lăng Cô nằm trên địa bàn huyện Phú Lộc, có diện tích quy hoạch xây dựng khoảng 9.980 ha, được thành lập từ năm 2006, đến nay đã thu hút được nhiều dự án lớn đang và sẽ hoạt động. Tiêu biểu như dự án Laguna Lăng Cô, dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng quốc tế Minh Viễn Lăng Cô, các dự án sản xuất, lắp ráp ô tô, dự án sản xuất đồ chơi trẻ em, dự án sản xuất găng tay y tế và sợi polyethylen…

Dự án Laguna Lăng Cô đã hoàn thành đưa vào hoạt động giai đoạn 1 vào đầu tháng 4/2013 với vốn giải ngân là 210 triệu USD. Hiện nay, nhà đầu tư đang triển khai xây dựng giai đoạn 2 của dự án với vốn lũy kế thực hiện hơn 50 triệu USD.

Bên cạnh đó, Dự án Laguna Lăng Cô đã được Thủ tướng Chính phủ chấp nhận chủ trương tăng vốn đầu tư lên 2 tỷ đô la Mỹ và bổ sung hoạt động kinh doanh casino. Hiện tại nhà đầu tư đang tích cực tìm kiếm, đàm phán với các đối tác có năng lực, kinh nghiệm trong việc đầu tư, quản lý kinh doanh casino trên thế giới và thực hiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư. Dự kiến trong quý III/2020, nhà đầu tư sẽ triển khai thi công xây dựng khối khách sạn và khu biệt thự với vốn đầu tư khoảng 300 triệu USD.

Tỉnh Thừa Thiên - Huế hiện có nhiều chính sách nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư đến nghiên cứu, tìm hiểu và triển khai dự án tại những khu công nghiệp và Khu kinh tế Chân Mây- Lăng Cô. Chẳng hạn, tỉnh có chính sách bàn giao mặt bằng sạch cho những dự án mang tính ưu tiên, trọng điểm; chính sách hỗ trợ kinh phí cho các nhà đầu tư hạ tầng ở một số lĩnh vực như lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, rà phá bom mìn, kinh phí đền bù giải phóng mặt bằng, hỗ trợ chi phí đào tạo lao động…Đồng thời, đơn giản và tối đa hóa các thủ tục hành chính về đầu tư, xây dựng, đất đai, môi trường.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế Phan Ngọc Thọ bày tỏ, những tháng còn lại của năm 2020 tỉnh sẽ tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh để tạo đà tăng trưởng, coi đây là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, tạo bản lề để địa phương bước vào giai đoạn phát triển mới 2021- 2025.

Tỉnh sẽ tạo những điệu kiện thuận lợi nhất về cơ sở hạ tầng, thủ tục hành chính để đón làn sóng chuyển dịch đầu tư từ nước ngoài vào Việt Nam; trong đó, có Thừa Thiên - Huế trong thời gian tới. Từ nay đến cuối năm 2020, tỉnh sẽ tập trung đẩy nhanh tiến độ khởi công những dự án trọng điểm, phấn đấu sẽ khởi công 6 dự án với quy mô mỗi dự án trên 100 tỷ đồng.

Theo Ban quản lý Khu kinh tế - Công nghiệp tỉnh Thừa Thiên - Huế, 6 tháng đầu năm 2020, đơn vị đã cấp Quyết định chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 4 dự án đầu tư sản xuất công nghiệp với tổng vốn đầu tư đăng ký mới khoảng 3.048 tỷ đồng.

Tính đến nay, trên địa bàn khu kinh tế, khu công nghiệp của tỉnh Thừa Thiên - Huế có 150 dự án đầu tư còn hiệu lực, với tổng số vốn đăng ký là 103.035 tỷ đồng. Trong số đó có 94 dự án đang hoạt động, chiếm 63% tổng số dự án; 31 dự án đang triển khai thực hiện và 25 dự án đang thực hiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư.

PV (Theo TTXVN)