Người đứng đầu nước Pháp đồng thời cảnh báo kế hoạch trị giá nhiều tỷ Euro của Berlin nhằm hỗ trợ người tiêu dùng Đức có thể dẫn đến “những sự méo mó”.

Tổng thống Macron bày tỏ: “Chúng ta không thể khăng khăng với các chính sách quốc gia, bởi vì chủ trương này gây ra những sự méo mó trong khuôn khổ lục địa Châu Âu. Cũng như cuộc khủng hoảng Covid-19, đây là thời khắc của sự thật đối với Châu Âu… Chúng ta phải hành động một cách thống nhất và đoàn kết”.

Khủng hoảng năng lượng đang tác động mạnh đến kinh tế EU. Thiết bị dự trữ khí thiên nhiên hóa lỏng ở miền Đông Nam nước Anh. Nguồn Getty Images
Khủng hoảng năng lượng đang tác động mạnh đến kinh tế EU. Thiết bị dự trữ khí thiên nhiên hóa lỏng ở miền Đông Nam nước Anh. Nguồn Getty Images.

Thể hiện sự tin tưởng đối với quan hệ Pháp-Đức, ông Macron nhấn mạnh: “Năng lực cùng nhau triển khai một chiến lược đầy tham vọng của chúng ta”.

Việc Nga cắt nguồn cung năng lượng cho Châu Âu nhằm đáp trả các biện pháp trừng phạt của phương Tây đã khiến giá năng lượng đã tăng cao và dẫn đến cuộc khủng hoảng trầm trọng ở Châu Âu, trong đó, Đức phải gánh chịu tác động đặc biệt nặng nề do nước này phụ thuộc rất nhiều vào năng lượng nhập khẩu từ Nga.

Chính phủ của Thủ tướng Olaf Scholz bị cáo buộc “đánh lẻ” với kế hoạch hỗ trợ 200 tỷ Euro cho các hộ gia đình và doanh nghiệp của Đức.

Một số đối tác của Đức trong EU đã gây áp lực buộc nước này chấp nhận sự đoàn kết hơn về tài chính.

Cùng ngày Bộ trưởng Y tế Đức Karl Lauterbach cho hay một số lượng lớn bệnh viện ở nước này có thể đối mặt tình trạng đóng cửa giữa lúc giá năng lượng và lạm phát tăng cao.

Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình ARD, ông Lauterbach nhấn mạnh: "Các bệnh viện đang ở trong tình trạng vô cùng đặc biệt. Nếu chúng ta không hành động nhanh chóng và thực sự quyết liệt thì sẽ xảy ra tình trạng đóng cửa".

Theo Bộ trưởng Lauterbach, ông sẽ thảo luận với Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner liên quan vấn đề hỗ trợ cần thiết cho hệ thống bệnh viện vào ngày hôm nay, 18/10.

Theo Báo Quốc tế