Hội nghị có sự tham dự của Phó Trưởng Ban thường trực Ban Kinh tế Trung ương Cao Đức Phát; Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh; Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng; Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Doãn Toản; cùng đại diện một số Bộ, Ban, ngành Trung ương; các Sở Công Thương; Hiệp hội; doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn...

Luồng gió mới cho công nghiệp nông thôn

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định, từ năm 2014, Chương trình khuyến công quốc gia theo Quyết định số 1288 của Thủ tướng Chính phủ đã được triển khai thực hiện đồng bộ, nghiêm túc, nhận được sự quan tâm của các ngành, các cấp, từ công tác chỉ đạo đến hướng dẫn tổ chức triển khai thực hiện, mang lại luồng sinh khí mới cho phát triển công nghiệp nông thôn trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Bộ trưởng đánh giá, sau 5 năm, hoạt động khuyến công đã huy động được các nguồn lực tham gia đầu tư sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, góp phần vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tạo việc làm, tăng thu nhập, thực hiện phân công lại lao động và góp phần xây dựng nông thôn mới, khuyến khích hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn sản xuất nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu giảm thiểu phát thải và hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm, bảo vệ và cải thiện chất lượng môi trường sức khỏe của con người.

Khuyến công quốc gia giai đoạn 2014 – 2018: Có những bước tiến vượt bậc - Hình 1

Quang cảnh buổi hội nghị

Thông qua hoạt động khuyến công vai trò vị trí của các cơ quan quản lý nhà nước về Công Thương địa phương được nâng cao một bước, tạo sự gắn kết chặt chẽ với cộng đồng doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn.

Hoạt động liên kết phối hợp nhanh giữa các trung tâm Khuyến công với nhau và với các tổ chức dịch vụ khuyến công khác đã hình thành và có hiệu quả. Tính đến nay, 63/63 Sở Công Thương các tỉnh thành phố trên cả nước có đơn vị sự nghiệp trực thuộc triển khai thực hiện hoạt động khuyến công với tổng số cán bộ tại các trung tâm Khuyến công trên cả nước là 1048 người tức là trung bình khoảng 17 người một Trung tâm. Trong đó số biên chế là 875 người tương đương trung bình 14 người một trung tâm.

Phấn đấu thực hiện đạt và vượt một số mục tiêu đề ra

Trong giai đoạn 2014 - 2018, Chương trình KCQG đã tổ chức thành công 15 hội chợ triển lãm hàng CNNT tiêu biểu cấp khu vực. Năm 2016, 2018, tổ chức 02 triển lãm, hội chợ hàng CNNT tiêu biểu cấp quốc gia tại Hà Nội. Gắn liền với các hội chợ triển lãm, có 09 cuộc bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp khu vực và 02 cuộc bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp quốc gia vào năm 2015 và 2017. Thông qua đó, Chương trình đã tôn vinh 610 sản phẩm cấp khu vực và 202 sản phẩm cấp quốc gia có chất lượng, có tiềm năng phát triển sản xuất, mở rộng thị trường. Bên cạnh đó đã hỗ trợ 48 cơ sở CNNT xây dựng, đăng ký thương hiệu sản phẩm nhằm nâng cao giá trị cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. Đồng thời hỗ trợ 4.363 lượt cơ sở CNNT tham gia hội chợ triển lãm trong nước và ngoài nước.

Chương trình đã hỗ trợ lập quy hoạch chi tiết và hỗ trợ đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp (CCN) cho 22 địa phương. Tổng số có 45 CCN được hỗ trợ; trong đó có 26 đề án hỗ trợ lập quy hoạch chi tiết, 19 đề án hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng. Mặc dù hỗ trợ từ Chương trình trong thời gian qua cho các CCN là chưa nhiều nhưng đã động viên kịp thời đối với các chủ đầu tư CCN, thể hiện được sự quan tâm, cố gắng của Chính phủ và của các Bộ, ngành đối với việc phát triển CCN.

Ngoài ra, hàng năm, để hỗ trợ nâng cao năng lực quản lý và tổ chức thực hiện các hoạt động khuyến công, chương trình đã tổ chức 03 Hội nghị khuyến công vùng tại 03 khu vực Bắc - Trung - Nam nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động khuyến công, trao đổi kinh nghiệm trong triển khai thực hiện các đề án khuyến công đảm bảo tính thống nhất chặt chẽ và hiệu quả; tăng cường tính liên kết vùng, liên kết giữa các cơ sở CNNT trên địa bàn các tỉnh, thành phố.

Đề xuất định hướng, mục tiêu thực hiện chương trình giai đoạn tiếp theo 2021 - 2030. Tiếp tục triển khai các hoạt động khuyến công trên cơ sở Nghị định số 45/2012/NĐ-CP, kế thừa có chọn lọc thành tựu của công tác khuyến công trong giai đoạn trước; bám sát Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030 và các Nghị quyết của Chính phủ, quy hoạch quốc gia, vùng, tỉnh và dựa trên những kinh nghiệm về phát triển công nghiệp của các nước trong khu vực và trên thế giới. Tiếp tục hướng đến hỗ trợ đối tượng là các cơ sở CNNT nhằm thúc đẩy phát triển công nghiệp khu vực nông thôn theo cả chiều rộng và chiều sâu, góp phần tạo bước đột phá trong nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ở các địa phương. Tập trung hỗ trợ một số nội dung hoạt động hiệu quả của chương trình và nhân rộng các mô hình trình diễn kỹ thuật chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc tiên tiến trên cơ sở ứng dụng khoa học công nghệ, thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Bên cạnh đó, đẩy mạnh hỗ trợ phát triển sản xuất hàng hóa có quy mô, tập trung theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất nguyên liệu với chế biến và tiêu thụ trên cơ sở phát huy lợi thế sản phẩm và lợi thế vùng, miền, phù hợp với nhu cầu thị trường; giúp các cơ sở CNNT mở rộng sản xuất kinh doanh, gia tăng sức cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước.

T.N