GS.TS Trần Thọ Đạt, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết: “Năm 2018, kinh tế Việt Nam tăng trưởng 7,08%, cao nhất trong vòng hơn một thập niên vừa qua, đồng thời chất lượng tăng trưởng đã có cải thiện. Những động lực đóng góp chính vào tăng trưởng, về phía sản xuất là khu vực FDI với ngành công ngiệp chế biến chế tạo, về phía chi tiêu là tiêu dùng nội địa và thặng dư thương mại. Tuy nhiên, cải thiện môi trường kinh doanh có dấu hiệu chững lại, khu vực kinh tế tư nhân tiếp tục gặp nhiều khó khăn và rào cản trong phát triển. Lạm phát và tỷ giá mặc dù nằm trong phạm vi điều chỉnh dự kiến, nhưng đã đương đầu nhiều sức ép. Dư địa chính sách tiền tệ bị thu hẹp, và đặc biệt là rủi ro tài khóa ngày càng gia tăng”.
“Trong giai đoạn khoảng 10 năm gần đây, Việt Nam luôn duy trì quy mô chi tiêu công ở mức cao, trong khi nguồn thu ngân sách không đủ để bù đắp, do vậy thâm hụt ngân sách nhà nước thường xuyên ở mức cao và hiện đang ở mức cao nhất trong khu vực. Việt Nam không có lựa chọn nào khác ngoài việc tiếp tục vay nợ để bù đắp bội chi và hệ quả là mức nợ công tăng lên nhanh chóng. Thực trạng này ảnh hưởng tới tăng trưởng dài hạn, ổn định kinh tế vĩ mô, và khả năng chống chọi với các cú sốc của nền kinh tế. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng không còn nhiều không gian tài khóa cho việc thực hiện các biện pháp kích cầu cần thiết khi nền kinh tế gặp khó khăn. Có thể nói, thâm hụt ngân sách cao và nợ công tăng nhanh hiện nay là một trong những rủi ro vĩ mô lớn nhất của nền kinh tế, đồng thời làm hạn chế các lựa chọn của Chính phủ trong việc đưa nền kinh tế thoát khỏi vùng trũng suy giảm và tiến vào “quỹ đạo tăng trưởng” mới”, GS. TS Đạt cho hay.
Tại Hội thảo, PGS. TS Tô Trung Thành đã trình bày nội dung ấn phẩm “Đánh giá kinh tế thường niên năm 2018: Hướng tới chính sách tài khoá và hỗ trợ tăng trưởng”. Bên cạnh việc đánh giá diễn biến kinh tế năm 2018 (thành tựu và những tồn tại, đánh giá nguyên nhân, phân tích cơ hội và thách thức) và triển vọng năm 2019, sẽ phân tích đặc điểm và thực trạng chính sách tài khóa Việt Nam (bao gồm thực trạng thu chi ngân sách, phân cấp ngân sách, và nợ công); đánh giá tác động của chính sách tài khóa đến nền kinh tế; đánh giá mức độ bền vững của chính sách tài khóa trong trung và dài hạn; đồng thời đề xuất các giải pháp hướng tới chính sách tài khóa bền vững nhưng vẫn hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế.
PGS. TS Tô Trung Thành trình bày nội dung ấn phẩm “Đánh giá kinh tế thường niên năm 2018: Hướng tới chính sách tài khoá và hỗ trợ tăng trưởng”
PGS. TS Tô Trung Thành phân tích: “Năm 2018, năng suất lao động (NSLĐ) không đủ cao để giảm nhanh sự khác biệt lớn về NSLĐ hiện nay. Theo dõi trong 2 thập kỷ vừa qua, chênh lệch NSLĐ giữa Việt Nam và các quốc gia khác ngày càng cách ra lớn”.
Bên cạnh đó, ông Thành cho rằng, khu vực kinh tế tư nhân dù được coi là động lực của tăng trưởng kinh tế nhưng đóng góp nhỏ lẻ.
Tuy kinh tế Việt Nam năm 2018 tăng trưởng tốt hơn năm 2017 nhưng tỷ lệ thâm hụt ngân sách đạt 3,67% GDP, cao hơn 2017, phản ánh chi tiêu tài khoá chưa được thực hiện. Ông Thành đánh giá: “Việt Nam đang ở mức mất cân bằng cao so với các quốc gia trong khu vực, luôn cao hơn trung bình các quốc gia có thu nhập thấp trên thế giới”.
Ông Thành chỉ ra: “Quy mô thu tương đối giảm rõ rệt, chỉ chiếm 20-23% GDP. Việc giảm quy mô này có thể gây ra những rủi ro như ảnh hưởng đến động lực sản xuất của khu vực kinh tế tư nhân, gia tăng hành vi gian lận trốn thuế, Chính phủ còn ít không gian về tài khoá, khó gia tăng thêm vì quy mô đang cao, không đủ ngân sách cho các mục xây dựng công...”.
Ấn phẩm “Đánh giá kinh tế thường niên năm 2018: Hướng tới chính sách tài khoá và hỗ trợ tăng trưởng” công bố sáng ngày 25/3/2019
Về chi ngân sách, tỷ trọng tổng chi trên GDP là 30%, chi cân đối NSNN/GDP là 28,34%, mức này cao hơn nhiều 2015. Mức độ tăng chi NSNN giai đoạn 2016-2018 là 21%, so sách với các quốc gia khác thì rất cao, cao hơn trung bình với các nước cùng trình độ và lớn nhất trong các nước ASEAN, mục chi tiêu cao nhất chính là đầu tư công.
Thực trạng nợ công của Việt Nam cuối năm 2017 là 61,4%, trong đó nợ công nước ngoài là 65%, trong nước là 35% GDP. Nợ công của Việt Nam đang ở mức cao hơn nhiều so với Trung Quốc và các nước trong khu vực ASEAN. Tuy trong ngưỡng chp phép nhưng nợ công Việt Nam chưa gánh đủ nợ “tiềm tàng” từ các khu vực ngoài ngân sách bởi khoản nợ xấu của nhiều doanh nghiệp có thể phải dùng NSNN để chi trả.
Cũng trong ấn phẩm, ông Thành đã đưa ra một số triển vọng cho nền kinh tế Việt Nam. Theo đó, kinh tế Việt Nam sẽ được tạo đà từ chất lượng tăng trưởng năm 2018. Thêm nữa, kinh tế Việt Nam được hưởng lợi từ tác động từ các yếu tố thuận lợi của Kinh tế thế giới như Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, các hiệp định thương mại thế hệ mới, cơ hội thu hút đầu tư nước ngoài...Động lực tăng trưởng kinh tế đến chủ yếu từ khu vực FDI, đi kèm là cán cân thương mại cải thiện. Trưởng trưởng tiếp tục dựa vào đầu tư và thương mại quốc tế.
Xét từ các ngành sản xuất, kinh tế năm 2019 được thúc đẩy chủ yếu từ khu vực dịch vụ và sản xuất công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế tạo...
Về lạm phát, ông Thành cho rằng: “Sản lượng đang ở mức cao hơn sản lượng tiềm năng, nên việc cố gắng duy trì mức tăng trưởng cao trong năm 2019 có thể gây thêm sức ép đến lạm phát. Lạm phát cơ bản ổn định và thấp do tốc độ tăng trưởng tín dụng thấp, nhưng các mặt hàng do Nhà nước quản lý sẽ được điều chỉnh tăng như giá điện, giá dịch vụ y tế, giá xăng....”.
Bên cạnh đó, ông Thành cũng chỉ ra thách thức với nền kinh tế Việt Nam 2019. Đó là những tác động bất lợi từ kinh tế thế giới, là những rào cản thể chế kinh tế và môi trường kinh doanh như kết quả cải thiện môi trường kinh doanh đang chững lại, chưa được thực thi một cách quyết liệt và thực chất, kết quả sản xuất khu vực tư nhân còn rất yếu và còn nhiều rào cản. Dư địa tác động của các chính sách tiếp tục bị thu hẹp cũng là thách thức với nền kinh tế Việt Nam 2019. Đó là việc gia tăng cung tiền và tín dụng phục vụ tăng trưởng có thể gây áp lực đến rủi ro lạm phát, đặc biệt là khi mức tăng trưởng thực tế đang cao hơn sản lượng tiềm năng, trong khi hệ thống chưa xử lý dứt điểm vấn đề nợ xấu và tỷ lệ an toàn vốn còn chưa được cải thiện. Thậm hụt ngân sách và nợ công gia tăng khiến dư địa cho chính sách tài khoá ngày càng thu hẹp, khiến DN luôn đối diện với rủi ro tăng thuế phí, cản trợ sự cải thiện của môi trường kinh doanh.
Đồng thời, ông Thành đưa ra một số kiến nghị về tăng cường chính sách trọng cung, cải thiện môi trường kinh doanh cho sự phát triển kinh tế tư nhân quyết liệt và thực chất; Đổi mới chính sách thu hút FDI và xây dựng công nghiệp hỗ trợ; Xây dựng hệ thống tài chính – tiền tệ lành lạnh; tăng cường khả năng chống đỡ tốt hơn những cú sốc bên ngoài.
TS. Sebastian Eckardt, chuyên gia KT trưởng WB tại Việt Nam cho rằng: “Dù tình hình tài khoá đang được củng cố nhưng mức nợ tăng làm tăng thêm rủi ro đối với tăng tưorng và ổn định trong tương lai. Nỗ lực tăng thu nhưng đã xuất hiện thách thức bởi một số yếu tố ảnh hưởng đến công tác thu thuế như giá dầu thấp làm giảm doanh số bán dầu, tự do hoá thương mại làm giảm thuế xuất nhập khẩu, thay đổi chính sách thuế nhằm đẩy mạnh đầu tư tăng trưởng...”
“Củng cố tài khoá gây áp lựuc lên các khoản đầu tư của Chính phủ. Hiện các khoản chi của Chính phủ chiếm tỷ lệ lớn so với GDP, nếu tiếp tục cắt giảm đầu tư mà không cải cách sẽ ảnh hưởng xấu lên tăng trưởng”. TS. Sebastian Eckardt cho hay.
TS. Sebastian Eckardt dự báo tài chính vẫn sẽ eo hẹp trong thời gian tới bởi chi lương tăng mạnh. Tổng chi lương của Chính phủ cao hơn trung bình khu vực, tỷ lệ này so với GDP gấp 2 lần Hàn Quốc, gấp 3 lần Singapore...
TS. Sebastian Eckardt cũng cho rằng: “Mức độ phi tập trung hoá chi đầu tư cơ bản tại Việt Nam thuộc nhóm cao nhất thế giới. hiện, trung ương chỉ còn quản lý một khoản chi đầu tư cơ bản không lớn, do đó dẫn đến lo ngại về đầu tư cho các công trình quốc gia và tiết kiệm chi nhất là trong bối cảnh điều phối giữa các cùng còn kém. Các dự án quá dàn trải, phối hợp kém giữa ngân sách và kế hoạch cả nước và kế hoạch phát triển ngành, dẫn đến chậm trễ, cắt giảm quy mô, chậm thanh toán.
TS. Sebastian Eckardt cho biết: “VN dù đạt kết quả chi tốt nhưng vẫn chưa triệt để tiết kiệm tại nhiều ngành”.
Cũng tại Hội thảo, các chuyên gia đã cùng thảo luận về kinh tế Việt Nam 2019, thực trạng thâm hụt ngân sách, thu chi ngân sách, phân cấp ngân sách...
Trúc Mai