Thị trường bán lẻ Việt Nam được đánh giá là phát triển khá mạnh trong những năm gần đây khi tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ xã hội có mức tăng trưởng nhanh. Giai đoạn từ 2015 đến 2017, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ xã hội tăng so với năm trước từ 10,5-10,9%.
Trong khi đó, năm 2018, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tính đạt gần 4,4 triệu tỷ đồng, tăng 11,7% so với năm 2017, đây là mức tăng đột phá và cao nhất trong 05 năm trở lại đây.
Đồng thời, việc kết thúc đàm phán và ký các hiệp định như Đối tác tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), hiệp định thương mại với EU (EVFTA), hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), cam kết mở cửa thị trường dịch vụ, đầu tư, phân phối cũng là nguyên nhân khiến các doanh nghiệp nước ngoài lớn đẩy mạnh đầu tư vào ngành bán lẻ Việt Nam.
Theo bà Lê Viết Nga: “Thông qua việc triển khai Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Bộ Chính trị phát động từ năm 2009, hàng Việt Nam vẫn giữ được chỗ đứng tại các kênh phân phối bán lẻ truyền thống và hiện đại. Theo báo cáo của các Sở Công Thương các địa phương, tỷ lệ hàng Việt tại các siêu thị vẫn được duy trì ở mức cao (trên 80%): Co.opmart (90-93%), Satra (90-95%), Vinmart (96%), Vissan (95%), Hapro (95%)…); Tỷ lệ hàng Việt tại các hệ siêu thị nước ngoài chiếm từ 65% đến 95%, cụ thể: Lotte, Big C (90%), AEON - Citimart (82-85%), Auchan (65%), TTTM Emart (96%), TTTM Saigon Centre (68%)…; Tỷ lệ hàng Việt tại các chợ truyền thống, cửa hàng tiện lợi chiếm tỷ lệ từ 60% trở lên”.
Tham gia các FTA thế hệ mới, đặc biệt là FTA tiêu chuẩn cao như CPTPP chính là cơ hội để Việt Nam gia nhập vào các chuỗi cung ứng của nhiều tập đoàn lớn trên thế giới, nhất là chuỗi cung ứng hàng điện tử, công nghệ cao (Hiệp định CPTPP tạo nên một khu vực kinh tế tự do khổng lồ, có phạm vi thị trường khoảng 500 triệu dân, chiếm khoảng 6,8% dân số thế giới và 13% tổng GDP toàn cầu); cơ cấu lại thị trường xuất nhập khẩu theo hướng cân bằng hơn, không quá dựa vào thị trường Trung Quốc và Đông Á.
Còn theo nhận định của ông Nguyễn Tiến Vượng – phó Tổng giám đốc thường trực Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro): “Để các chuỗi cửa hàng bán lẻ đạt hiệu quả, Hapro tìm hướng đi riêng cho chuỗi Hapromart, Haprofood bằng việc quan tâm chú trọng xây dựng bộ sản phẩm là hàng nông sản thực phẩm, đặc sản vùng miền của Việt Nam, phối hợp với một số tỉnh thành phố tổ chức các tuần lễ giới thiệu các loại hoa quả đặc sản vùng miền tới người tiêu dùng Hà Nội như: Tuần lễ cam Cao Phong – Hòa Bình tại Hà Nội, Tuần lễ giới thiệu hoa quả đặc sản và nhan Sơn La tại Hà Nội, Tuần lễ giới thiệu vải thiều Thanh Hà tại HN,… Chú trọng đưa bộ sản phẩm như miến dong Bắc Kan, bưởi Diễn, gà đồi Yên Thế,… vào tiêu thụ tại hệ thống. Hiện nay chiến lược mới của Hapro đang hướng tới xuất khẩu gạo ra thế giới”.
Hapro đang trên đà vươn ra thế giới
Ngoài ra, ông Vượng cũng đề xuất một số ý kiến để phát triển thị trường bán lẻ Việt Nam như Nhà nước nên xây dựng các chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước để phát triển thương hiệu, hỗ trợ đào tạo nhân lực, cung cấp thông tin thị trường, xúc tiến thương mại. Không những thế các Doanh nghiệp Việt Nam cũng cần tăng cường tính liên kết, kết nối từ sản xuất đến phân phối để hỗ trợ nhau cùng phát triển thị trường.
Trang Nguyễn