Tại Hội thảo, PGS.TS Trần Đình Thiên đưa ra 10 điểm nhấn về thị trường bất động sản Việt Nam 2018, mà theo ông, là mang ý nghĩa như bài học và gợi ý cho năm tới.

Đó là:

1. Vụ sốt đất tại các vùng dự kiến "đặc khu": Vân Đồn, Văn Phong, Phú Quốc.

2. Vụ cháy chung cư Carina tại Tp.HCM dẫn đến thay đổi hàng loạt chính sách.

3. Đất nền ven đô Tp.HCM, Đà Nẵng sôi sục khá mạnh.

4. Phân khúc văn phòng lên ngôi trong tài sản bất động sản.

5. 28 địa phương cam kết xây dựng đô thị thông minh.

6. Hội nghị quốc tế về bất động sản đầu tiên tại Việt Nam được tổ chức.

7. Trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước siết chặt tín dụng bất động sản, thì luồng vốn FDI vào bất động sản vẫn tăng mạnh, hệ quả là tồn kho bất động sản xuống thấp nhất sau nhiều năm. Cụ thể, tính đến tháng 11/2018, tổng giá trị tồn kho bất động sản tại Việt Nam chỉ còn tương đương gần 1 tỷ USD, và so với lúc đỉnh điểm tồn kho ở quý 1/2013 thì đã giảm mạnh tới 105.572 tỷ đồng.

8. Nhiều chính sách về luật cho loại hình condotel, offictel tiếp tục được tranh luận.

9. Nghị định 20 áp trần chi phí lãi vay cho các doanh nghiệp.

10. Hà Nội, Tp.HCM hạn chế việc đầu tư xây dựng nhà ở cao tầng ở các khu vực trung tâm.

Đánh giá về thị trường bất động sản 2018, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM nhận định, năm 2018 thị trường bất động sản giữ được sự phát triển ổn định và còn nằm trong chu kỳ phục hồi tăng trưởng. 

Theo ông Châu, trong tình hình kinh tế như hiện nay, thị trường bất động sản giữ được như thế là thành công rất lớn.

Cùng quan điểm, Ts. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế cho rằng, năm 2018 thị trường bất động sản đi vào ổn định, lành mạnh hơn và đi vào cá biệt hóa hơn. Theo ông, trong năm qua, các chủ đầu tư đã ứng biến rất nhanh với chính sách, bằng việc tung ra một số sản phẩm mới giúp thúc đẩy thị trường. Chính phủ đã rất quan tâm câu chuyện quản lý chung cư. Hướng tới phát triển đô thị thông minh. Và đây là những dấu hiệu tốt về mặt chính sách.

Buổi hội thảo với nhiều thông tin BĐS năm 2018 và nhìn nhận thị trường năm 2019 được đưa ra thảo luận

Ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) đại diện cơ quan quản lý nhà nước đánh giá năm 2018, chúng ta kiểm soát được thị trường bất động sản, dòng vốn đầu tư rõ hơn, làm thay đổi cơ cấu đầu tư sản phẩm trên thị trường.

Sự ổn định chính sách cũng tốt hơn, điển hình là việc Chính phủ đã quan tâm và đưa ra chỉ thị về quản lý, vận hành nhà chung cư. Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, đầu tư vào bất động sản vẫn tăng trưởng cao, khoảng 85.000 tỷ đồng. Thứ 2 là cho vay tiêu dùng vẫn cao chiếm khoảng 68.000 tỷ đồng. Thứ 3 đầu tư đất nền dư nợ tín dụng gần 42.000 tỷ đồng.

Cũng theo nhận định của các chuyên gia một trong những thách thức của thị trường bất động sản năm 2019 do năm 2018 thị trường sụt giảm nguồn cung nên nó sẽ tiếp tục xảy ra trong năm 2019.

Ngoài ra, việc mất cân đối giữa cung cầu cũng dẫn đến sự lệch pha sản phẩm trên thị trường giữa căn hộ bình dân, cao cấp và trung cấp, nên thị trường thiếu bền vững; trong đó, sản phẩm nhà ở cao cấp vẫn chiếm tỷ lệ lớn nhất..

Phân khúc nhà ở xã hội năm vừa rồi chưa triển khai được, đang rất yếu do vướng mắc nguồn vốn chính sách. Quản lý tài sản công thiếu mảnh ghép cuối cùng, do đó, năm 2019 thị trường bất động sản tiếp tục có nhiều thách thức. Đối với phân khúc nhà ở cao cấp đang có hiện tượng thừa cung trên thị trường. Tỷ trọng nhà đầu tư trên thị trường thứ cấp và cao cấp chiếm tỷ lệ rất cao.

Đặc biệt từ ngày 1/1/2019, ngân hàng thương mại chỉ được sử dụng 45% nguồn vốn huy động ngắn hạn để cho vay trung hạn, dài hạn, trong đó có bất động sản, do đó, các dự án bất động sản tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngày càng khó.

 Thuấn Nguyễn