Trong báo cáo mới nhất gửi Quốc hội, báo cáo của Kiểm toán Nhà nước cho thấy ngoài các hạn chế sai sót trong quá trình đầu tư, công tác quản lý các dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT, BT và các dự án sử dụng nguồn vốn ODA, nguồn vốn khác còn bộc lộ nhược điểm, sai phạm, tùy tiện, lãng phí, gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp.
Đồng thời, nhiều dự án BOT vẫn còn sai sót trong việc xác định tổng mức đầu tư hay không thực tế trong việc xác định lưu lượng phương tiện giao thông không phù hợp với thực tế. Nhiều đơn vị dựa trên số liệu thống kê của tư vấn khảo sát chỉ trong 02 đến 03 ngày để nội suy ra lưu lượng phương tiện 365 ngày, hoặc căn cứ kết quả khảo sát lưu lượng phương tiện của Tổng cục đường bộ Việt Nam đã cũ để nội suy.
Ảnh minh họa
Việc góp vốn chủ sở hữu chưa đúng tỷ lệ cam kết; tiến độ thi công chưa đảm bảo; chưa có cơ chế kiểm tra, kiểm soát quá trình thu phí để xác định lưu lượng phương tiện giao thông thực tế qua trạm thu phí; khoảng cách một số trạm thu phí không đảm bảo quy định tối thiểu 70 km.
Qua kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị giảm thời gian thu phí hoàn vốn của 27 dự án được kiểm toán (năm 2016 là 21 dự án) so với phương án tài chính ban đầu 107,4 năm, trong đó giảm nhiều nhất là 13 năm 1 tháng, 12 ngày đối với Dự án mở rộng QL1 đoạn Km 1488-Km1525, tỉnh Khánh Hòa.
Kiểm toán Nhà nước cũng chỉ ra việc xác định giá trị hợp đồng còn sai sót như Dự án xây dựng công trình đường Hồ Chí Minh đoạn La Sơn - Túy Loan tỉnh Thừa Thiên - Huế và TP Đà Nẵng giảm 64,7 tỷ đồng; có dự án không lập phương án tài chính như Dự án xây dựng cầu Sài Gòn 2; Dự án đầu tư xây dựng Nhà máy xử lý nước thải Yên Sở, nhà đầu tư tính chi phí lãi vay không phù hợp với quy định 24,4 triệu USD (534,6 tỷ đồng).
Kiểm toán nhà nước kính đề nghị Chính phủ, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải (GTVT) bổ sung tiêu chí đánh giá năng lực quản lý đầu tư các dự án ngành GTVT vào các quy định đánh giá lựa chọn nhà đầu tư dự án BOT giao thông và đưa thêm chủ thể đại diện cơ quan Nhà nước có thẩm quyền vào hợp đồng BOT và nêu rõ trách nhiệm, quyền hạn, cơ chế phối hợp, chế tài xử lý trong quá trình triển khai thực hiện dự án;
Chính phủ nghiên cứu và đưa ra cơ chế kiểm soát lưu lượng phương tiện qua trạm, kiểm soát doanh thu thực tế của dự án để đảm bảo tính công khai, minh bạch trong thực hiện dự án BOT giao thông, đồng thời khẩn trương chỉ đạo các nhà đầu tư hoàn chỉnh hệ thống thu phí không dừng.
Cơ quan kiểm toán cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, cơ quan trung ương, địa phương xử lý các vấn đề về cơ chế, chính sách đã nêu trong từng báo cáo kiểm toán của kiểm toán Nhà nước thực hiện trong năm 2016. Đặc biệt hoàn thiện cơ chế quản lý các dự án theo hình thức BT, BOT; quy định về quản lý, sử dụng nguồn thu từ sắp xếp lại nhà, đất đảm bảo chặt chẽ, hiệu quả.
Ngọc Linh