Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, nửa đầu tháng Hai (01 - 15/02), kim ngạch xuất khẩu đạt 13,44 tỷ USD.

4 nhóm hàng xuất khẩu "tỷ đô" trong kỳ này là: điện thoại và linh kiện; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng; dệt may.

a
Tính đến 15/02, cả nước xuất siêu gần 1,7 tỷ USD. Ảnh internet.

Với kết quả trên, tổng kim ngạch xuất khẩu tính từ đầu năm đến 15/02 đạt 37 tỷ USD, giảm 3,75 tỷ USD so với cùng kỳ năm ngoái.

Ở chiều ngược lại, nhập khẩu đạt 12,38 tỷ USD, trong đó, 02 nhóm hàng lớn nhất với kim ngạch "tỷ đô" là: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng. Tính chung từ đầu năm đến 15/02, kim ngạch nhập khẩu đạt 35,32 tỷ USD.

Như vậy, từ đầu năm đến 15/02, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đạt 72,32 tỷ USD. Cán cân thương mại thặng dư với con số xuất siêu 1,68 tỷ USD.

Riêng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản tháng 01 sụt giảm tới 23% so với năm ngoái. Đáng chú ý, theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam, tháng 01 năm nay, xuất khẩu cá tra và tôm đều giảm hơn một nửa so với cùng kỳ năm 2022.

Năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đạt con số kỷ lục 730,2 tỷ USD, tính bình quân đạt gần 61 tỷ USD/tháng. Trong đó, xuất khẩu 371,5 tỷ USD, tăng 10,5%, nhập khẩu 360,5 tỷ USD, tăng 8,5% so với 2021, kiểm soát tốt các mặt hàng hạn chế nhập khẩu. Cán cân thương mại duy trì xuất siêu năm thứ bảy liên tiếp với 09 mặt hàng xuất khẩu trên chục tỷ USD, đưa Việt Nam vào nhóm các nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế.

Trong năm 2023, ngành Công Thương đặt mục tiêu xuất khẩu hàng hóa tăng khoảng 6%, kim ngạch xuất khẩu dự kiến đạt 393 - 394 tỷ USD, tăng thêm khoảng 22 tỷ USD giá trị xuất khẩu hàng hóa so với năm 2022, cán cân thương mại tiếp tục duy trì trạng thái thặng dư.

Đây là những con số đầy thách thức cho mục tiêu tăng trưởng trong năm này, nhất là bối cảnh khởi đầu năm mới hoạt động này diễn ra khá trầm lắng.

Lê Pháp (T/h)