Nhập khẩu xăng dầu tăng 111,4%
Thống kê sơ bộ cho thấy, tính đến ngày 31/7, số thu ngân sách nhà nước (NSNN) từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 261.062 tỷ đồng, bằng 74,2% dự toán, tăng 12,7% (so với cùng kỳ năm 2021).
Theo Cục Thuế xuất nhập khẩu - Tổng cục Hải quan, nguyên nhân khiến số thu của toàn ngành tăng (so với cùng kỳ năm trước) là do kim ngạch nhập khẩu có thuế của một số nhóm hàng chính tăng. Cụ thể, mặt hàng than các loại tăng 121,6%; dầu thô tăng 29,2%; xăng dầu các loại tăng 111,4%; sắt thép các loại tăng 16,6%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 30,6%.
Tương tự ở phía xuất khẩu, mặt hàng hóa chất tăng 99,2%; than các loại tăng 101,4%.
Ngoài ra, số thu NSNN của 10 cục hải quan tỉnh, thành phố lớn của cả nước chiếm 86,26% tổng dự toán toàn ngành cũng là một trong những nguyên nhân kéo số thu tăng. Thống kê cũng cho thấy, tính đến ngày 31/7, số thu NSNN của 10 cục hải quan tỉnh, thành phố: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Thanh Hóa, Bắc Ninh, Quảng Ninh và Hà Tĩnh đạt 221.448 tỷ đồng, bằng 72,93% dự toán được giao, bằng 69,66% chỉ tiêu phấn đấu được giao, tăng 15,87%.
Thúc đẩy xuất nhập khẩu
Qua ghi nhận từ một số địa phương trong 10 đơn vị trên, số thu tăng chủ yếu là xăng dầu, than các loại, sắt thép các loại và sản phẩm từ sắt thép, máy vi tính, sản phẩm điện tử, máy móc thiết bị phục vụ dự án công trình tại địa bàn quản lý. Song, đó cũng là kết quả của những nỗ lực hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp.
Đơn cử như Thanh Hóa, thu ngân sách của đơn vị hải quan đã đạt 104% chỉ tiêu được giao, đạt 95% chỉ tiêu phấn đấu, tăng 55,9%.
Hải quan Thanh Hóa đã nỗ lực cải cách trong hoạt động. 7 tháng năm 2022, đơn vị đã xử lý 66.962 lượt thủ tục hành chính. Trong đó, 60.359 thủ tục hành chính xử lý trên phần mềm dịch vụ công trực tuyến (HQ36a), 6.603 thủ tục được tiếp nhận trực tiếp và qua dịch vụ bưu chính. Đơn vị đã nỗ lực trả kết quả 66.891 hồ sơ (số lượng hồ sơ giải quyết trước hạn là 1.090 và số hồ sơ giải quyết đúng hạn là 65.801; hồ sơ đang xử lý trong thời hạn là 71). Số lượng thủ tục được giải quyết qua dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đạt 90,1%/tổng số thủ tục phát sinh tại đơn vị.
Bên cạnh đó, cơ chế đối thoại hải quan - doanh nghiệp tiếp tục được đơn vị duy trì phát triển, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình làm thủ tục hải quan; đồng hành và chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp thông qua việc nắm bắt và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong hoạt động xuất nhập khẩu, duy trì “Tổ giải quyết vướng mắc” ở cấp cục và chi cục.
Tạo thuận lợi thương mại trong thông quan hàng hóa
Từ nay đến cuối năm 2022, ngành Hải quan tiếp tục triển khai Chỉ thị số 439/CT-TCHQ về việc thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp tạo thuận lợi thương mại, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, chống thất thu trong triển khai nhiệm vụ thu ngân sách năm 2022. Đồng thời, Tổng cục Hải quan yêu cầu các đơn vị theo dõi, đánh giá thu ngân sách năm 2022, xây dựng phương án thu ngân sách năm 2023, giai đoạn 2023 - 2025.
Tại Cục Hải quan Hà Nội, 1 trong 3 đơn vị được giao chỉ tiêu cao nhất cả nước, số thu ngân sách nhà nước 7 tháng đã đạt 18.672 tỷ đồng, đạt 68,1% chỉ tiêu được giao, đạt 66,45% chỉ tiêu phấn đấu, tăng 19%. Kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa có thuế tăng khoảng 28,9%, tập trung vào một số nhóm mặt hàng chính, có thuế suất cao như: nguyên liệu thuốc lá tăng 57%; hóa chất và các sản phẩm hóa chất tăng 134%; máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 125%; hàng điện gia dụng và linh kiện tăng 88%.
Bên cạnh đó, trong nửa đầu năm 2022, Cục Hải quan Hà Nội đã giải quyết thủ tục đối với 514.136 tờ khai, bằng 102% cùng kỳ năm số thu.
Bắc Ninh cũng ghi nhận số thu tích cực. Lũy kế đến hết ngày 27/7, Cục Hải quan Bắc Ninh thu ngân sách đạt 70,38% chỉ tiêu giao và đạt 64,67% chỉ tiêu phấn đấu. Nguyên nhân chủ yếu do hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu của một số doanh nghiệp lớn tăng, kéo theo số thu ngân sách qua Cục Hải quan Bắc Ninh tăng đáng kể.
Qua thống kê của Cục Hải quan Bắc Ninh, trung bình mỗi tháng, số thu ngân sách phát sinh qua đơn vị này đạt trên 1.000 tỷ đồng. Một số mặt hàng đóng góp lớn vào số thu ngân sách của đơn vị gồm máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện nhập khẩu, mặt hàng điện thoại các loại và linh kiện nhập khẩu, kim loại thường và sản phẩm…
So với cùng kỳ năm trước, số thu ngân sách qua các địa bàn do Cục Hải quan Bắc Ninh quản lý tăng đáng kể. Nguyên nhân thu ngân sách tăng là do hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu của một số doanh nghiệp lớn trên địa bàn tăng.
Theo TBTCVN