Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, đơn vị thuộc tỉnh và UBND các huyện, thành phố căn cứ chức năng nhiệm vụ của ngành và địa phương khẩn trương, tiếp tục chỉ đạo việc tăng cường công tác quản lý đường dây nóng theo phạm vi quản lý.
Đồng thời, tiếp tục thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của UBND tỉnh tại Văn bản số 1571/UBND-NCXDPL ngày 24/6/2019 về việc tăng cường các biện pháp phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động công vụ trên địa bàn tỉnh và Kế hoạch số 4331/KH-UBND ngày 19/11/2020 về tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 22/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc.
Đặc biệt, khẩn trương ban hành Quy chế hoạt động đường dây nóng, hộp thư điện tử gửi Thanh tra tỉnh trước ngày 20/11/2021 để theo dõi, tổng hợp (đối với cơ quan, đơn vị, địa phương chưa ban hành).
Tiếp tục duy trì hiệu quả hoạt động của đường dây nóng tại các cơ quan, đơn vị, địa phương. Công khai chính xác, đầy đủ, kịp thời thông tin về đường dây nóng trên Trang thông tin điện tử để nhân dân và doanh nghiệp biết, thực hiện theo quy định.
Bên cạnh đó, mở sổ theo dõi, ghi chép đầy đủ nội dung thông tin và kết quả xử lý thông tin của đường dây nóng, hộp thư điện tử tại cơ quan, đơn vị, địa phương mình. Báo cáo kết quả hoạt động đường dây nóng, hộp thư điện tử bằng hình thức lồng ghép nội dung vào báo cáo định kỳ về lĩnh vực phòng, chống tham nhũng.
Trong quá trình triển khai thực hiện, trường hợp có khó khăn vướng mắc, chủ động phối hợp Thanh tra tỉnh để được hướng dẫn triển khai thực hiện đảm bảo theo đúng các quy định hiện hành.
Ngoài ra, UBND tỉnh giao Thanh tra tỉnh theo dõi, kiểm tra, đôn đốc và giám sát việc tổ chức thực hiện các nội dung trên; định kỳ 6 tháng, năm hoặc đột xuất: tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện về UBND tỉnh (lồng ghép trong báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng) biết, chỉ đạo.
PV