Ngày 13/06/2019, tại bài viết “Quận Hà Đông (Hà Nội): Nhiều phòng khám không phép hoạt động”, báo Thương hiệu và Công luận đã phản ánh thực trạng tại địa bàn quận này có nhiều phòng khám có dấu hiệu không phép, trên biển hiệu không ghi rõ đầy đủ nội dung theo quy định pháp luật.
Theo đó, ngày 7/8/2019, PV tiếp tục có những ghi nhận thực tế tại một số phòng khám trên địa bàn quận này như sau: Nha khoa thẩm mỹ Charm Smile (216 Vạn Phúc) vẫn rôm rả mở cửa đón khách. Nhìn qua, chẳng ai biết phòng khám này đã được UBND quận Hà Đông từng báo cáo là “sắp gỡ biển, đóng cửa”.
Phòng khám Charm Smile vẫn đang hoạt động?
Tiếp đến, khi PV có mặt tại Phòng khám nha khoa Việt Nhật (Lô A20 Tô Hiệu) biển thì đã dỡ một nửa, nhưng hoạt động thì vẫn bình thường. PV trong vai khách hàng vào khám vẫn được nhân viên tại phòng khám tiếp đón và hẹn làm việc tận 5h tối.
Thậm chí, phòng khám nha khoa thẩm mỹ New Stars (6A-Nguyễn Văn Lộc - KĐT Mỗ Lao), sau khi bị phản ánh, nay đã được thay tên đổi biển bằng Royal Smile. Tuy nhiên, trên biển hiệu thì phòng khám này cũng không thấy có số giấy phép hoạt động.
Phòng khám New Stars nay được thay bằng Royal Smile nằm trên địa chỉ A17- 6A - Nguyễn Văn Lộc- KĐT Mỗ Lao- Hà Đông.
Trước thực trạng trên, dư luận đang đặt ra câu hỏi: Vì sao những phòng khám không phép này vẫn tiếp tục vô tư hoạt động trái phép ngoài vòng pháp luật, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe, tính mạng của những người dân tới đây khám, chữa bệnh? Không hiểu vì sao, cơ quan chức năng quận Hà Đông lại không xử lý nghiêm những phòng khám “chui” đó? Phải chăng, các ngành chức năng đang dung túng, bao che cho những sai phạm này?
Phòng khám “chui”, hệ lụy khó lường…
Để tìm hiểu rõ về những thông tin trên, PV đã đặt lịch làm việc với UBND quận Hà Đông, nhưng sau hơn 1 tháng, phía quận vẫn “im lặng”.
Để rộng đường dư luận, ngày 6/8, PV đã có buổi làm việc với ông Nguyễn Quang Trung- Trưởng phòng Quản lý hành nghề y dược tư nhân Sở Y tế Hà Nội: Ông Trung cho biết, nhiều phòng khám trên địa bàn quận Hà Đông đang hoạt động mà không có giấy phép như: Phòng khám nha khoa Việt Nhật Lô A20- Tô Hiệu, Phòng khám nha khoa Vũ Diệp- 150 Tô Hiệu, Phòng khám nha khoa thẩm mỹ New Stars - A17 liền kề 6A Nguyễn Văn Lộc- KĐT Mỗ Lao, Phòng khám chuyên khoa răng- 83 Thanh Bình, Nha khoa thẩm mỹ Charm Smile- 216 Vạn Phúc. Còn các phòng khám khác có giấy phép, tuy nhiên lại không dán số giấy phép cũng như công khai giờ làm việc là vi phạm vào Điều 41 Nghị định số 109/2016/NĐ-CP.
Những phòng khám tại mặt đường lớn… nhưng không có giấy phép hoạt động
Theo thông tin mà ông Trung cung cấp cho phía báo, thì UBND quận Hà Đông đã gửi băn bản báo cáo lên cho Sở Y tế Hà Nội, về việc thanh kiểm tra các cơ sở hoạt động không phép trên địa bàn. Trong danh sách gửi lên Sở Y tế, UBND quận Hà Đông trình bày rằng đã thực hiện xử lý và yêu cầu gỡ biển cũng buộc dừng hoạt động đóng cửa với các phòng khám trên. Đồng thời, giao cho chính quyền công an các phường quản lý về vấn đề này.
Trao đổi với ông Trung, việc nhiều phòng khám chui tồn tại trên địa bàn đồng nghĩa phải đối mặt với việc rác thải y tế nguy hiểm có thể không được xử lý theo đúng quy trình dễ gây ra những hệ lụy khó lường: “Nó là rác thải nguy hại, từ Luật Khám bệnh chữa bệnh cho đến chỉ thị của thành phố các UBND quận huyện không để tình trạng hành nghề không phép xảy ra trên địa bàn… Còn nếu như để xảy ra tình trạng hành nghề không phép thì tức là sẽ có rác thải y tế nguy hại… Cơ bản ở quận, huyện người ta có làm quyết liệt và đến nơi hay không…”
UBND TP. Hà Nội đã phê duyệt đề án “Xử lý chất thải y tế nguy hại TP. Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2025” về việc kiểm soát chất thải y tế. Bởi, việc kiểm soát chất thải y tế không chỉ là vấn đề “nóng” đối với ngành y tế mà là của toàn xã hội. Nếu không được xử lý tốt, hàng trăm tấn rác thải y tế từ các phòng khám này sẽ “đẩy” vào môi trường mỗi ngày, sẽ là nguồn gây bệnh, đe dọa trực tiếp đến sức khỏe con người.
Được biết, hàng năm, Bộ trưởng Bộ Y tế đã liên tục có chỉ thị về việc tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát nhưng sai phạm tại các địa phương vẫn tràn lan. Công tác quản lý dưới cấp cơ sở trong những những năm qua đang là vấn đề rất nóng và được rất nhiều người dân quan tâm; những rủi ro trong công tác khám chữa bệnh đặc biệt tại các cơ sở y tế hành nghề tư nhân gây nhiều bức xúc trong dư luận.
Trước thực trạng trên, câu hỏi đang được dư luận đặt ra: Do nhân lực còn thiếu hay do sự thờ ơ của Phòng Y tế quận Hà Đông nên tình trạng các phòng khám "chui" vẫn hoạt động. Đề nghị UBND TP. Hà Nội, Sở Y tế Hà Nội kiểm tra, chỉ đạo xử lý.
Theo Điều 41 Nghị định số 109/2016/NĐ-CP, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh sau khi được cấp giấy phép hoạt động phải có biển hiệu theo quy định của pháp luật về biển hiệu, không sử dụng biểu tượng chữ thập đỏ trên biển hiệu và có đủ các thông tin cơ bản sau đây:
1. Tên đầy đủ của cơ sở, số giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh.
2. Địa chỉ của cơ sở ghi trong giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh; số điện thoại.
3. Thời gian làm việc hằng ngày.
Nếu vi phạm có thể bị phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 29 Nghị định số 176/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.
Trang Nguyễn