THCL Bên cạnh hàng loạt sai phạm nghiêm trọng trong quá trình đầu tư, xây dựng 3 dự án NLSH được Thanh tra Chính phủ chỉ rõ tại Kết luận số 2634/KL-TTCP ngày 3/10/2016 thì việc đầu tư, phát triển vùng nguyên liệu sắn KM94 phục vụ các Dự án NLSH của PVN, các chủ đầu tư và các đơn vị liên quan, gây lãng phí ngân sách nhà nước, khiến không ít người dân “dở khóc, dở cười” không hề được nhắc tới…

Kỳ 8: “Góc khuất” từ việc đầu tư, phát triển vùng nguyên liệu sắn KM94? - Hình 1

Vì sao việc đầu tư, phát triển vùng nguyên liệu phục vụ các nhà máy sản xuất NLSH không được công khai?

Lãng phí từ việc phát triển vùng nguyên liệu

Để phát triển vùng nhiên liệu phục vụ sản xuất xăng sinh học theo “Đề án phát triển nhiên liệu sinh học đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025” (Quyết định số 177/2007/QĐ-TTg), PVN và chủ đầu tư các cự án NLSH đã triển khai, phát triển vùng nguyên liệu tại các tỉnh để cung cấp nguyên liệu sản xuất cho các nhà máy.

Theo báo cáo của PVN, lượng nguyên liệu cho mỗi nhà máy sản xuất ethanol hoạt động lên tới 34.000 ha. Theo đó, để cung cấp nhiên liệu cho Nhà máy Nhiên liệu sinh học Bio-ethanol Dung Quất, PVN và Công ty CP NLSH Dầu khí miền Trung (BSR-BF) đã phát triển các vùng nhiên liệu tại các tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Nam, Bình Định, Phú Yên, Gia Lai, Kon Tum.

Kỳ 8: “Góc khuất” từ việc đầu tư, phát triển vùng nguyên liệu sắn KM94? - Hình 2

Ngày 19/8/2011, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đã ký kết thỏa thuận hợp tác phát triển NLSH tại Quảng Ngãi

Tháng 8/2011, PVN và tỉnh Quảng Ngãi đã ký thỏa thuận hợp tác đầu tư phát triển vùng nguyên liệu bền vững phục vụ sản xuất NLSH và phát triển thị trường sử dụng xăng sinh học E5, E10 tại tỉnh Quảng Ngãi.

Theo đó, tỉnh Quảng Ngãi đã chỉ đạo quản lý quy hoạch vùng trồng sắn, bảo đảm cung cấp ổn định cho Nhà máy NLSH Bio-ethanol Dung Quất. Trong đó, PVN chỉ đạo triển khai dự án đầu tư phát triển vùng nguyên liệu sắn đúng quy hoạch đã được UBND tỉnh Quảng Ngãi quy hoạch, hỗ trợ đầu vào cho người trồng sắn và bao tiêu sản phẩm, bảo đảm cho nông dân có lợi nhuận tối thiểu 30% so với vốn đầu tư, không phụ thuộc biến động giá cả thị trường.

Tháng 7/2013, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ngãi, tổ chức Diễn đàn chuyên đề “Sản xuất và chế biến sắn bền vững khu vực Miền Trung”. Tại diễn đàn này, có mặt đầy đủ lãnh đạo sở NN&PTNT các tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Nam, Bình Định, Phú Yên, Gia Lai, Kon Tum, các vụ, viện, trường đai học, các công ty, trung tâm, gồm 268 đại biểu, trong đó có 130 nông dân đến từ 13 huyện, thành phố tỉnh Quảng Ngãi (ngoại trừ huyện đảo Lý Sơn).

Theo số liệu từ BSR-BF, năm 2014, sẽ phối hợp với huyện Bình Sơn và Sở NN&PTNT Quảng Ngãi triển khai thí điểm phát triển vùng sắn nguyên liệu giai đoạn 1 khoảng 1.400 ha trên địa bàn 17 xã trong vùng quy hoạch thuộc huyện Bình Sơn để cung cấp cho Nhà máy Bio-Ethanol Dung Quất.

Riêng huyện Bình Sơn - nơi có Nhà máy Bio-Ethanol Dung Quất, đã quy hoạch vùng nguyên liệu sắn 2.200 ha. Với sản lượng sắn như trên, sẽ tạo ra dòng tiền khoảng 1.000 tỷ đồng, tạo ra thị trường tiêu thụ lớn và ổn định đối với cây sắn - là tiền đề quan trọng thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, góp phần thúc đẩy phát triển khu vực nông thôn, miền núi. Bên cạnh đó, BSR-BF sẽ thí điểm thu mua, sơ chế sắn lát khô (sắn C) bằng nhiều hình thức: Thông qua hợp tác xã, tổ hợp tác, đại lý thu mua sơ chế cung cấp cho nhà máy...

Kỳ 8: “Góc khuất” từ việc đầu tư, phát triển vùng nguyên liệu sắn KM94? - Hình 3

Nhiều hộ dân thế chấp tài sản vay ngân hàng để đầu tư trồng sắn cung cấp cho Nhà máy ethanol Phú Thọ

Mặt khác, theo chiến lược phát triển nguồn nguyên liệu cho NM ethanol Tam Nông (Phú Thọ), Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil) đã triển khai mở rộng vùng nguyên liệu trồng sắn cao sản KM94 ở 3 tỉnh: Phú Thọ, Tuyên Quang, Thanh Hóa.

Theo thống kê của Sở NN&PTNT Phú thọ, năm 2012, toàn tỉnh trồng hơn 9.000 ha sắn (tăng gần 2.000 ha so với năm 2011), trong đó, tại huyện Tân Sơn có tới 900 ha, Yên Lập 1.000 nghìn ha, năng suất sắn tăng cao từ 134 - 135 tạ/ha. Thời điểm này, diện tích sắn cao sản KM94 đạt khoảng 3.000 ha, chiếm 40% tổng diện tích sắn của cả tỉnh.

Đầu tư là vậy, tuy nhiên, đến nay các nhà máy sản xuất NLSH đều đồng loạt “đắp chiếu”, đã và đang gây lãng phí vô cùng lớn, làm thất thoát tài sản của quốc gia, gây khó khăn rất lớn cho người dân trong vùng, nhất là các hộ dân đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chuyển sang trồng cây nguyên liệu phục vụ đầu vào cho các nhà máy và gây lãng phí lớn về đầu tư.

Theo những người dân trồng sắn phục vụ nguyên liệu cho nhà máy sản xuất NLSH tại Phú Thọ, với giống sắn KM94, ngoài cây giống, phân bón do Nhà máy Ethanol Tam Nông cung cấp, thì số tiền đầu tư cho 1 ha sắn từ lúc bắt đầu trồng cho đến khi thu hoạch là khoảng 2 triệu đồng.

Người trồng sắn ngắc ngoải đầu ra...

Trước nhu cầu, hứa hẹn và khuyến khích của Nhà máy sản xuất NLSH ethanol Tam Nông (Phú Thọ) nhiều nông dân đã ồ ạt chuyển dịch đất canh tác để trồng sắn cung cấp cho nhà máy. Song, chính những người dân nơi đây lại đang ngắc ngoải về đầu ra cho nguyên liệu này khi nhà máy dừng hoạt động. Trước viễn cảnh “đi tắt, đón đầu” này, hệ lụy đang dồn cả lên vai người nông dân.

Ông Trần Tú Anh, Phó giám đốc Sở NN&PTNT Phú Thọ cho biết: “Năm 2010, Nhà máy ethanol Tam Nông đã phối hợp với Trường Đại học Thái Nguyên và Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư tỉnh đầu tư cây giống và phân bón vi sinh để đưa giống sắn cao sản KM94 vào trồng đại trà. Do được đầu tư cây giống, phân bón và bao tiêu đầu ra nên người dân tại các xã, huyện nghèo miền núi đã đồng loạt trồng sắn, nhiều hộ dân còn thế chấp tài sản vay ngân hàng để đầu tư. Thậm chí, ngoài đất chuyên canh cây sắn, nhiều địa phương đã đưa ra cả phương án dịch chuyển cơ cấu sản xuất, dành đất để trồng… sắn”.

Kỳ 8: “Góc khuất” từ việc đầu tư, phát triển vùng nguyên liệu sắn KM94? - Hình 4

Người dân "khóc ròng" bên diện tích sắn KM94 đã đầu tư

Ông Nguyễn Kim Tích, Trưởng khu 3, xã Văn Lương (Tam Nông, Phú Thọ) cho biết: “Trên địa bàn xã, có tới 90% số hộ dân trồng sắn, trong 237 hộ nghèo thì có tới 182 hộ đầu tư vốn vào trồng sắn với hy vọng thoát nghèo. Tuy nhiên, đến thời điểm cây sắn đã bắt đầu vào vụ thu hoạch thì tại nhiều địa phương vẫn chưa thấy "đầu ra", sắn thu hoạch về được chất thành đống, nhưng Nhà máy ethanol Tam Nông vẫn chỉ là một khối “sắt vụn” - không đi vào hoạt động. Năm 2012, chính quyền và người dân cùng “dở khóc, dở cười” khi nhận được thông tin nhà máy dừng hoạt động”.

Theo những người dân trồng sắn trên địa bàn huyện Tân Sơn (Phú Thọ), giống sắn cao sản KM94 khi triển khai trồng thì phát triển tốt, do củ to nên cho sản lượng rất cao. Tuy nhiên, khác với giống sắn bình thường là loại sắn này ăn không ngon nên khi không tìm được đầu ra, người dân buộc phải sấy khô bán cho các nhà máy chế biến thức ăn gia súc, bán cho thương lái Trung Quốc để gỡ vốn, phần còn lại, đóng bao dự trữ để làm thức ăn cho trâu, bò.

Kỳ 8: “Góc khuất” từ việc đầu tư, phát triển vùng nguyên liệu sắn KM94? - Hình 5

Không tìm được đầu ra, người dân buộc phải sấy khô sắn, bán cho các nhà máy chế biến thức ăn gia súc, bán cho thương lái Trung Quốc để gỡ vốn

Thậm chí, nhiều gia đình còn mạnh dạn mua máy sấy sắn với số tiền hàng chục triệu đồng để sấy sắn nhập cho nhà máy- đến nỗi mất nhà, mất đất vì phải thế chấp vay vốn ngân hàng để đầu tư vào cây sắn, cung cấp nguyên liệu cho NM ethanol.

Trước đó, tại Kỳ họp Quốc hội Khóa XIII (2014), đại diện cử tri tỉnh Phú Thọ đã có ý kiến đề nghị: “Sớm hoàn thành dự án NM sản xuất NLSH Ethanol Phú Thọ vào năm 2015. Hiện nay, việc chậm trễ triển khai dự án đã gây khó khăn rất lớn cho người dân trong vùng, nhất là các hộ dân đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chuyển sang trồng cây nguyên liệu phục vụ đầu vào cho nhà máy và gây lãng phí lớn về đầu tư”.

Có thể nói, các nhà máy sản xuất NLSH dừng sản xuất - “cái xác” vẫn còn. Tuy nhiên, số tiền mà PVN và chủ đầu tư các dự án NLSH đầu tư để phát triển vùng nguyên liệu sắn KM94 thì đến nay đã hoàn toàn mất trắng… Song ở đây, vấn đề đặt ra là: Vì sao việc gây thất thoát số tiền vô cùng lớn trong đầu tư, phát triển vùng nguyên liệu phục vụ các dự án NLSH không được PVN công khai và Thanh tra Chính phủ cũng không hề nhắc tới trong Kết luận thanh tra?

Được biết, ngoài việc phát triển vùng nguyên liệu tại các tỉnh trong nước, Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil); Công ty CP Hóa dầu và NLSH Dầu khí (PVB) còn phối hợp với tỉnh Hủa Phăn (Lào) để phát triển vùng nguyên liệu phục vụ các nhà máy NLSH tại 8 huyện của tỉnh Hủa Phăn.

Thương hiệu & Công luận sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.

Tuấn Ngọc