Vị thần bảo trợ cho nghề thêu ?

Bảo tàng nghệ thuật thêu XQ nằm tại phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu giáp với sông Hương và đường Lê Lợi. Nhiều ngày qua những du khách khi tới tham quan tại bảo tàng này đã không khỏi bất ngờ khi ngay gian chính giữa là bức thêu chân dung “Nữ thần công lý và sự thật” vốn là chân dung của Nam Phương Hoàng Hậu.

Bức tranh thêu Hoàng Hậu Nam Phương được thêu bằng song ngữ Anh-Việt, cùng với các ảnh chụp vị cố hoàng hậu cuối cùng của triều đình nhà Nguyễn lúc còn trẻ và đi kèm một khung thuyết minh chữ “Nữ thần sự thật và công lý (Hoàng Hậu Nam Phương)” nói trên.

Kỳ cục câu chuyện Nam Phương Hoàng hậu được “phong thần” - Hình 1

Bức tranh thêu Hoàng Hậu Nam Phương với dòng chữ "Nữ thần sự thật và công lý"

Theo như giải thích trên bức tranh thêu thì Nam Phương Hoàng Hậu là vị thần “bảo trợ cho nghề thêu”. Tiếp tục lời giải thích, bảo tàng cho rằng: “Từ khi có căn phòng này nó đã khích lệ những con người bình thường như phụ nữ làm nghề thêu chúng tôi, làm bốc lên trí tưởng tượng và nâng chúng tôi lên khỏi những trầm luân của cuộc đời, và cũng chính căn phòng này sẽ rọi ánh sáng để giúp con người vượt qua những sầu tủi của kiếp sống hàng ngày.

Mỗi lần đến thăm, ngắm nhìn chân dung bà, đọc sách lịch sử của bà, và nhất là lá thư kêu gọi hòa bình cho Việt Nam của bà, những người phụ nữ làm nghề thêu chúng tôi có một cột sống vững vàng để đứng thẳng dậy và tuyên bố rằng “Tôi Là Người Phụ Nữ Việt Nam”. Phải chăng vì điều đó mà bà chính là nữ thần bảo trợ cho người phụ nữ làm nghề thêu”.

Danh xưng là do bảo tàng tự ý...nghĩ ra

Tiến sĩ Trần Đình Hằng-Phân viện trưởng Phân viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam tại Huế thì việc “phong thần” cho Hoàng Hậu Nam Phương là hỗn xược, từ trước đến nay trong các tài liệu lịch sử, theo ông Hằng chưa thấy ai nói Hoàng Hậu Nam Phương là “nữ thần sự thật và công lý”.

Cũng theo ông Hằng việc tán dương công lao của Nam Phương Hoàng Hậu là có thể được nhưng chưa đến mức để có thể hiển thánh như vậy. Ông Hằng dẫn chứng, thời Nguyễn bà Từ Dũ và Từ Cung là hai người phụ nữ  có nhiều công trạng nhưng vẫn chưa được hiển thánh. Ngay cả Huyền Trân Công Chúa là một nhân vật lịch sử từ xa xưa, chúng ta cũng không dám hiển thánh. Chỉ có những nữ thần như Thiên - Y - A - Na ở Huế hay Thánh Mẫu ở các vùng khác mới có thể là thần thánh.

“Ai làm gì thì làm nhưng cần có một cái gốc để tham chiếu. Đã đặt dòng chữ lên đó thì phải có tính chính thống, phải được công nhận một cách chính danh chứ không đùa được. Còn nếu tự nhiên hiển thánh, hiển thần Hoàng hậu Nam Phương thì sẽ để lại những hệ lụy không được hay” - ông Hằng cho biết.

Cũng theo ông Hằng, hiện nay chưa có luật nào quy định cụ thể về việc trên chế tài trong việc đặt thêm các danh hiệu cho người lịch sử ở các tác phẩm nghệ thuật như trên. Tuy nhiên, việc tác phẩm thêu trên có được hay không ghi chữ “Nữ thần sự thật và công lý” cần phải được Hội đồng Trị sự Nguyễn Phước Tộc, đồng ý và thông qua.

Trong khi đó ông Tôn Thất Viễn Bào, Chủ tịch Hội đồng Trị sự Nguyễn Phước Tộc tại Huế cho hay ông chưa hề biết thông tin Hoàng Hậu Nam Phương được gán ghép với vị nữ thần như trên. Ông và một số thành viên trong hội đồng sẽ đến đây xem xét, có ý kiến.

Kỳ cục câu chuyện Nam Phương Hoàng hậu được “phong thần” - Hình 2

Ông Võ Văn Quân, người sáng lập XQ Việt Nam (ảnh Internet)

Trao đổi với báo chí, đại diện Bảo tàng Nghệ thuật thêu XQ, ông Võ Văn Quân, người sáng lập XQ Việt Nam cho biết: XQ không căn cứ vào tài liệu nào để đặt chữ nữ thần này, là ý tưởng của tôi nghĩ ra (?!...).

Ông Quân cũng cho biết là chưa thông qua ý kiến dòng chữ trên đối với Hội đồng Trị sự Nguyễn Phước Tộc cũng như các chuyên gia, cơ quan văn hóa tại Huế. Tuy nhiên do Bảo tàng Nghệ thuật thêu XQ tại Huế đang trong quá trình hoàn thiện, chưa khai trương và đơn vị đang mời Sở Văn hóa & Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế về kiểm nghiệm. Qua đây đơn vị sẽ lắng nghe ý kiến các bên, nếu nhiều phía không đồng ý với dòng chữ “Nữ thần sự thật và công lý” đối với Nam Phương Hoàng Hậu thì XQ sẵn sàng bỏ dòng chữ.

Đình Duy