Đại diện VinaCapital Foundation và đại diện Thành Đoàn ký kết hợp tác thực hiện chương trình “Yêu thương Nâng bước”
Đại diện VinaCapital Foundation và đại diện Thành Đoàn ký kết hợp tác thực hiện chương trình “Yêu thương Nâng bước”.

Đợt bùng phát lần thứ 4 của đại dịch Covid-19 diễn ra trên địa bàn TP. HCM từ ngày 27/4/2021, đến nay đã hơn sáu tháng. Đây là đại dịch chưa từng có tiền lệ, đã lây nhiễm bệnh trên 450.000 người và gần 16.000 người tử vong, ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế, xã hội, đời sống người dân Thành phố. Theo thống kê đến 18/10/2021 của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, có 48 trẻ em mồ côi cả cha lẫn mẹ, người nuôi dưỡng và 1.805 trẻ mồ côi cha hoặc mẹ. Số lượng này có thể tiếp tục gia tăng trước những diễn biến phức tạp, khó lường của dịch Covid-19 trong nước cũng như thế giới. Cùng với những khó khăn về kinh tế gia đình, học tập, việc mất đi người thân đã để lại những sang chấn tâm lý, tinh thần, thiếu vắng người thân quan tâm chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ để trở thành công dân có ích cho xã hội.

Nhằm hỗ trợ trẻ em bị ảnh hưởng bởi Covid-19 ổn định cuộc sống và có cơ hội thực hiện các quyền của trẻ em theo quy định của pháp luật; thu hẹp khoảng cách chênh lệch về mức sống giữa trẻ em mồ côi do Covid-19 với trẻ em bình thường, Thành Đoàn TP. HCM phối hợp cùng tổ chức VinaCapital Foundation (VCF) để triển khai Chương trình “Care to Rise - Yêu thương Nâng bước”, hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, trong đó khởi đầu là việc ký kết biên bản ghi nhớ phối hợp khảo sát tình hình trẻ em mồ côi do dịch Covid-19, cụ thể như sau:

Giới thiệu về Chương trình “Care to Rise - Yêu thương nâng bước” và nội dung phối hợp khảo sát tình hình trẻ mồ côi do Covid-19 trên địa bàn TP. HCM.

Hưởng ứng kế hoạch hỗ trợ trẻ mồ côi bền vững và dài hạn của UBND TP. HCM, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố, Sở Lao động Thương binh và Xã hội, Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành phố, Thành Đoàn TP. HCM và VCF phối hợp thực hiện Chương trình “Care to Rise - Yêu thương Nâng bước” hỗ trợ cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19.

Chương trình là sự phát triển và mở rộng của Chương trình “Chung sức đồng hành” được thực hiện bởi Thành Đoàn TP. HCM và VCF. “Chung sức đồng hành” đã giải quyết các vấn đề phát sinh do Covid-19 tại TP. HCM như hỗ trợ vấn đề dinh dưỡng, nhu cầu thiết yếu cho các gia đình người Việt; hỗ trợ người nước ngoài có hoàn cảnh khó khăn hoặc không thể về nước; cung cấp các dịch vụ cho chuyên gia y tế ở tuyến đầu chống dịch. Chương trình “Yêu thương Nâng bước” được thực hiện với mục đích hỗ trợ, bảo vệ và tiếp thêm sức mạnh cho khoảng 2.000 trẻ mồ côi do đại dịch Covid-19 tới khi các em trưởng thành.

Để thực hiện được các mục tiêu này, chương trình sẽ bắt đầu bằng việc thực hiện khảo sát toàn diện và đánh giá cụ thể từng trường hợp trẻ mồ côi do Covid-19 và trẻ có hoàn cảnh khó khăn để xác định các hỗ trợ phù hợp theo 3 khía cạnh thiết yếu: dinh dưỡng và các nhu cầu cơ bản, vấn đề sức khỏe/thị lực và các rối loạn lo âu có thể có do mất cha mẹ đột ngột và thay đổi nơi ở, và khả năng đáp ứng yêu cầu về thiết bị và mạng Internet để học tập trực tuyến.

Việc đánh giá nhu cầu cá nhân của mỗi trẻ mồ côi hậu Covid-19 là cần thiết để thiết kế những phương án hỗ trợ hiệu quả nhất. Mỗi một em nhỏ sẽ có có mức độ cần trợ giúp khác nhau. Dựa trên kết quả khảo sát, chương trình sẽ thiết kế một kế hoạch phát triển phù hợp và dài hạn cho từng trẻ, hỗ trợ các em cho tới khi trưởng thành cùng với thực hiện đánh giá tiến độ định kỳ và điều chỉnh kế hoạch khi cần thiết. Chương trình được triển khai theo 2 giai đoạn - khắc phục các khó khăn ngắn hạn và hỗ trợ phát triển trong tương lai, cụ thể:

Giai đoạn 1 của “Yêu thương Nâng bước” sẽ kéo dài từ 4 đến 6 tuần với việc đến thăm nhà của trẻ mồ côi để thu thập dữ liệu và thực hiện hỗ trợ theo 3 khía cạnh nêu trên trong giai đoạn 1. Tình nguyện là sinh viên các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn Thành phố, cán bộ Đoàn - Đội tại địa phương sẽ tiếp cận từng trường hợp trẻ mồ côi, trẻ bị ảnh hưởng bởi Covid-19 (hoặc người giám hộ trong trường hợp trẻ còn quá nhỏ hoặc các tình huống khác) để xác định nhu cầu cá nhân và từ đó đưa ra kế hoạch cung cấp các hỗ trợ cần thiết, đo lường, đánh giá và báo cáo kết quả.

Giai đoạn 2: Các kết quả khảo sát sẽ được chuyển cho các chuyên gia y tế cộng đồng và nhân viên xã hội để phân tích và từ đó xây dựng kế hoạch hỗ trợ phù hợp cho từng trẻ. Chương trình cũng sẽ làm việc cùng các bác sĩ và y tá chuyên khoa để tham gia chẩn đoán và/hoặc điều trị cho các trường hợp cần can thiệp y tế. Hiện nay, VCF đã đạt được thỏa thuận với Khoa Y - Đại học Quốc gia TP. HCM, qua đó đơn vị cũng khẳng định sẽ tham gia chương trình thông qua việc gửi các Tiến sĩ y tế cộng đồng và y khoa làm cố vấn chuyên môn và giảng viên đào tạo cho các tình nguyện viên của Thành Đoàn. Các chuyên gia của Đại học Quốc gia sẽ thực hiện khảo sát và đánh giá chuyên sâu tại nhà của trẻ nếu cần thiết.

Bên cạnh đó, dữ liệu khảo sát cũng sẽ được bàn giao cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Thành phố, chia sẻ, kết nối với chương trình “Vòng tay yêu thương” của Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành phố, chương trình “Gia sư áo xanh” của Hội Sinh viên - Hội đồng Đội Thành phố để cùng chung tay, hỗ trợ tốt nhất cho trẻ.

Ngân sách thực hiện chương trình ước tính dao động từ 6,8 đến 11,3 tỷ đồng (300.000 - 500.000 USD) tùy thuộc vào hoạt động đánh giá. 

Vai trò của Thành Đoàn TP. HCM trong chương trình “Yêu thương Nâng bước” bao gồm:

Thông tin, báo cáo đến Thành ủy, UBND Thành phố, các đơn vị liên quan về việc triển khai dự án này của cả hai bên.

Kết nối các nguồn lực để nhận bảo trợ học tập cho trẻ đến hết cấp học Trung học phổ thông; phát huy Hội Thầy thuốc trẻ Thành phố để có các giải pháp hỗ trợ chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng cho trẻ.

Tuyển chọn lực lượng tình nguyện viên tham gia thực hiện chương trình (tình nguyện viên khảo sát, tình nguyện viên hỗ trợ học tập và đồng hành với trẻ mồ côi về tinh thần).

Tổ chức các hoạt động phong trào trong và ngoài trường học và tạo điều kiện cho trẻ mồ côi tham gia để hội nhập tốt.

Vai trò của tổ chức VinaCapital Foundation trong chương trình “Yêu thương Nâng bước” bao gồm:

Thực hiện chiến dịch gây quỹ Yêu thương Nâng bước để kêu gọi đóng góp từ cộng đồng.

Tuyển dụng chuyên gia y tế cộng đồng tình nguyện giảng dạy và đào tạo tình nguyện viên của Thành Đoàn.

Tổ chức tập huấn cho các tình nguyện viên của Thành Đoàn để thực hiện khảo sát hiệu quả.

Tuyển dụng chuyên gia y tế cộng đồng tình nguyện đánh gá khảo sát và thực hiện các hỗ trợ liên quan đến vấn đề về sức khỏe và y tế.

Cung cấp bác sĩ và y tá để thực hiện các dịch vụ y tế cần thiết.

Phát triển cơ sở dữ liệu về trẻ mồ côi và trẻ có hoàn cảnh khó khăn để tiếp tục theo dõi và hỗ trợ trong tương lai.

Đồng quản lý chương trình và đảm bảo các tiêu chuẩn cũng như kiểm soát chất lượng cho dự án.

Thực hiện giám sát và đánh giá dự án.

Cung cấp tư liệu truyền thông và thực hiện truyền thông đại chúng cho chương trình.

Ông Rad Kivette, Tổng Giám đốc VinaCapital Foundation chia sẻ: “VinaCapital Foundation rất vinh dự khi có cơ hội tiếp tục hợp tác cùng Thành Đoàn TP. HCM thực hiện chương trình “Yêu thương Nâng bước” để hỗ trợ cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Nhờ có sự phối hợp của Thành Đoàn, chúng tôi có thể tiếp cận từng trường hợp trẻ mồ côi để đánh giá nhu cầu cá nhân và cung cấp các gói hỗ trợ phù hợp nhất cho từng hoàn cảnh. VinaCapital Foundation cam kết hỗ trợ Chính phủ Việt Nam và các chiến lược phát triển quốc gia, đồng thời ưu tiên cung cấp các nguồn lực thiết yếu cho sự phát triển toàn diện của hàng nghìn trẻ em mồ côi do đại dịch.”

Minh Anh