Tiến sỹ Nguyễn Sĩ Dũng: Kỷ nguyên mới mà dân tộc ta bước vào là "kỷ nguyên vươn mình"

Kỷ nguyên là một giai đoạn lịch sử có tính chất mới, đánh dấu bằng sự khác biệt so với trước, bắt đầu với đặc điểm là chuyển từ lượng sang chất. Hiện chúng ta đang sống trong kỷ nguyên số, với tính chất của kỷ nguyên là công nghệ mới, tạo nên sự khác biệt. Kỷ nguyên mới mà dân tộc ta bước vào là "kỷ nguyên vươn mình".

Tiến sỹ Nguyễn Sĩ Dũng.
Tiến sỹ Nguyễn Sĩ Dũng. Ảnh báo Lạng Sơn.

Dân tộc này trải qua bao thử thách, khó khăn, bây giờ có một vị thế mới, vươn lên mạnh mẽ, không chỉ phát triển về kinh tế, phát triển về khoa học, công nghệ mà còn vươn lên một vị thế mới trên trường quốc tế. Vị thế mới ấy không phải chúng ta muốn mà thế giới công nhận, cộng đồng quốc tế đặt chúng ta lên vị trí đó. Đấy là khuôn khổ khái niệm.

Thời gian qua, những thông điệp và định hướng về kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc được Tổng Bí thư Tô Lâm đề cập nhiều lần ở nhiều hội nghị, hội thảo khoa học. Đây là những định hướng chiến lược được hình thành trên những cơ sở khoa học vững chắc, có sức thuyết phục, dẫn dắt cao. 

A
Kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc - kỷ nguyên hành động, truyền cảm hứng. Ảnh internet.

Thứ nhất là nền tảng kinh tế của chúng ta vượt qua nước nghèo rồi phát triển rất nhanh, mạnh. Việt Nam là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới. Nếu tính về thu nhập, trong thời gian đổi mới, thu nhập của người dân Việt Nam tăng lên tới 20 lần. Rất ấn tượng!

Căn cứ thứ hai là chúng ta có một hệ thống chính trị hết sức ổn định. Có lẽ ít nước có được hệ thống chính trị ổn định như vậy. Đó là nền tảng vững chắc để làm kinh tế, làm mọi thứ.

Thứ ba là vị thế quốc tế và chính sách ngoại giao. Bây giờ ít có nước nào có được vị thế quốc tế thuận lợi như Việt Nam Mình gần như hợp tác được với tất cả các nước, mọi tổ chức, có thể làm ăn được với tất cả mọi nơi. Có lẽ chưa bao giờ chúng ta có thể làm ăn với tất cả các nước như bây giờ. Đó là một nền tảng hết sức quan trọng. Bởi vì thực chất chúng ta có thể sản xuất rất nhiều, cái chúng ta cần là thị trường. Bây giờ người nông dân có thể sản xuất bất cứ hoa quả gì, có thể sản xuất số lượng lớn, nhưng vấn đề là có thị trường. Ta có 16 hiệp định thương mại tự do với các nước. Đó là một nền tảng quan trọng.

Vấn đề truyền cảm hứng của cả một dân tộc. Niềm tự hào dân tộc được khơi dậy. Thực chất đó cũng là sức mạnh rất lớn. Dân tộc Việt Nam đang khơi gợi lại niềm tự hào và ý chí vươn lên.

Tiến sỹ Nguyễn Văn Đáng:Kỷ nguyên mới, phát triển và truyền cảm hứng cho cả dân tộc vươn lên

Như PGS.TS. Đào Duy Quát đã chia sẻ, cụm từ kỷ nguyên mới rất hay, truyền cảm hứng. Qua theo dõi của tôi, cụm từ này được Tổng Bí thư Tô Lâm sử dụng lần đầu tiên tại cuộc họp Tiểu ban Văn kiện chuẩn bị cho Đại hội Đảng lần thứ XIV vào ngày 13/8. Sau đó, đến ngày 31/10, Tổng Bí thư có bài trình bày trước lớp đào tạo cán bộ chiến lược tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

Ảnh internet.
Kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc - kỷ nguyên hành động, truyền cảm hứng. Ảnh internet.

Đến thời điểm này, cụm từ "kỷ nguyên mới" rất truyền cảm hứng, được nhân dân đón nhận, tin tưởng. Vấn đề là tại sao cụm từ này, quyết tâm chính trị này được người dân đón nhận hứng khởi như vậy?

Chúng ta nhìn lại lịch sử nhân loại, cụm từ "kỷ nguyên" thường được các nhà nghiên cứu lịch sử và các nhà xã hội học dùng để nhìn lại quá khứ và dùng các đặc điểm vật chất nào đó để xác định một giai đoạn, ví dụ kỷ nguyên đồ đá, kỷ nguyên đồ đồng hay kỷ nguyên công nghiệp, bây giờ là kỷ nguyên công nghệ, kỷ nguyên số. Chúng ta lại dùng "kỷ nguyên" cho tương lai, thể hiện sự khác biệt. Ở đây, chúng ta chủ động xác định khoảng thời gian trong tương lai và ý chí quyết tâm chính trị của lãnh đạo Đảng và Nhà nước thể hiện rằng, trong thời gian tới, chúng ta sẽ có những bước tiến, bước chuyển hết sức rõ rệt về thực tế đời sống kinh tế, xã hội của đất nước.

Khi chúng ta đề ra kỷ nguyên trong tương lai, tại sao lại được cán bộ, đảng viên và cả xã hội hứng khởi tiếp nhận như vậy? Cơ sở nào đem đến sự thuyết phục cho cụm từ này? Vấn đề này đã được các nhà nghiên cứu phân tích rất nhiều trên báo chí, truyền thông và đặc biệt trong các bài trình bày của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, cũng như tại các hội nghị Trung ương, các cuộc họp sau này. Có rất nhiều cơ sở giúp mọi người quan sát được, cảm nhận được, thuyết phục được mọi người.

Về mặt kinh tế chẳng hạn, sau gần 40 năm đổi mới, chúng ta đã thoát ra khỏi vị trí của một nước nghèo để trở thành nước thuộc nhóm thu nhập trung bình từ những năm 2008-2009. Từ chỗ GDP bình quân đầu người chưa đến 200 USD những năm 1990, đến nay GDP bình quân đầu người đã khoảng 4.300 USD. Đó là sự thay đổi rất rõ rệt, thuyết phục.

Thứ hai, thương mại quốc tế từ chỗ gần như bị cô lập trên trường quốc tế, đến nay chúng ta đã có được các hiệp định thương mại tự do với gần 20 nước và tham gia tất cả tổ chức quốc tế trên thế giới và có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với các siêu cường trên thế giới. Điều đó thể hiện sự hội nhập thế giới rất sâu rộng, chủ động, thành công của Việt Nam.

TS Nguyễn Văn Đáng:
Tiến sỹ Nguyễn Văn Đáng. Ảnh chinhphu.vn

Về mặt xã hội, đến nay chúng ta đã xóa đói, giảm nghèo rất thành công, được các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới coi là một câu chuyện thành công, đưa tỉ lệ nghèo đói của Việt Nam xuống rất thấp.

Về mặt chính trị, từ cuối những năm 1980 cho đến những năm 1990, hệ thống XHCN ở Đông Âu và Liên Xô sụp đổ. Bất chấp những biến động chính trị rất mạnh mẽ như vậy và thế giới có những cuộc cạnh tranh đa dạng, phức tạp trên bình diện khu vực và toàn cầu, Việt Nam vẫn giữ vững được sự ổn định chính trị trong gần 40 năm vừa qua.

Như vậy, có thể nói, trên mọi phương diện: kinh tế, chính trị, xã hội, đối ngoại, thương mại quốc tế…, chúng ta đều có những bước tiến rất rõ rệt. Không chỉ nhân dân trong nước được thụ hưởng thành quả ấy mà cộng đồng quốc tế cũng thừa nhận. Tất cả chuyển hóa thành trạng thái, tâm thế để người Việt Nam cảm thấy cần có sự bứt phá để vị thế quốc gia lên một tầm cao mới. Chính tâm thế đó của toàn bộ nhân dân Việt Nam khiến cho khi Tổng Bí thư Tô Lâm nêu ra cụm từ "kỷ nguyên mới", sau đó phân tích, bình luận và hướng người dân về tương lai, được người dân đón nhận rất nồng nhiệt, ủng hộ quyết tâm chính trị của Đảng và Nhà nước trong việc thay đổi vị thế quốc gia trong hơn 2 thập kỷ tới, cụ thể hơn là đến giữa thế kỷ XXI, đưa Việt Nam trở thành quốc gia phát triển thu nhập cao. Tức là chúng ta cố gắng vươn lên nhóm quốc gia hạng nhất trên thế giới.

Đây là quyết tâm chính trị rất tham vọng, rất nhiều thách thức sẽ đón đợi chúng ta, nhưng tôi tin những gì đang diễn ra cho thấy đó chính là khát vọng của dân tộc Việt Nam. Sau gần 40 năm đổi mới chúng ta phải bứt phá để vươn lên chứ không thể chùng chình. Cụm từ "kỷ nguyên mới", "kỷ nguyên vươn mình" rất rõ: Phải vươn lên để bứt phá chứ không thể bình bình, tịnh tiến từ từ.

Nhìn sang các nước trong khu vực, họ đã đi trước chúng ta và có những bước phát triển rất nhanh trong thời gian tính bằng thập kỷ. Tuy nhiên, sau đó họ rơi vào vòng luẩn quẩn, bẫy thu nhập trung bình. Nếu chúng ta không chủ động, không nhìn thấy thách thức ấy để bứt lên, vươn lên thì chúng ta cũng sẽ rơi vào tình trạng như Malaysia, Indonesia, Thái Lan. Chúng ta có thể tăng GDP bình quân đầu người lên 8.000-9.000 USD nhưng không thể bứt qua được 10.000 USD, tức là chỉ ở mức nước thu nhập trung bình cao, chứ không thể gia nhập nhóm các nước phát triển với GDP bình quân đầu người trên 13.000 USD, chỉ số phát triển con người phải vượt 0,8. Đấy là thách thức.

Ảnh internet.
Kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc - kỷ nguyên hành động, truyền cảm hứng. Ảnh internet.

Chính vì thế, cụm từ "vươn mình" mà Tổng Bí thư Tô Lâm sử dụng rất ý nghĩa, như một sự nhắc nhở, cảnh báo chúng ta phải bứt phá, nếu không chúng ta vẫn có thể phát triển nhưng luẩn quẩn ở mước dưới 10.000 USD/người/năm và không thể gia nhập được nhóm các quốc gia phát triển, không thể hiện thực hóa được tầm nhìn 2045 là thay đổi hẳn vị thế của quốc gia, của dân tộc trên trường quốc tế.

Với những căn cứ hết sức thực tế mà chúng ta quan sát được, cảm nhận được tâm thế xã hội, tôi muốn khẳng định: "kỷ nguyên mới", "kỷ nguyên vươn mình" của dân tộc mà Tổng Bí thư Tô Lâm phát động và nêu ra hiện nay đang được người dân rất quan tâm, đồng tình, ủng hộ, tạo niềm cảm hứng trong toàn hệ thống xã hội. Người dân kỳ vọng Đại hội XIV của Đảng sẽ là dấu mốc để chúng ta thực sự bắt tay vào việc thay đổi vị thế quốc gia trong hơn 2 thập kỷ sắp tới.

PGS.TS. Trần Đình Thiên: Kỷ nguyên hành động, tính hành động rất mạnh

Câu hỏi rất thực tiễn. Thời điểm bắt đầu kỷ nguyên mới hiện được xác định là Đại hội XIV của Đảng; cái này có giá trị định vị. Đó là một sự kiện đánh dấu. Tôi nghĩ đây là một lựa chọn mang tính chất định mốc hành động để phân biệt. Không phải là khi đến đấy chúng ta mới thực sự làm, ngày mùng 1/1 chúng ta bắt đầu làm; không hẳn như vậy. Tuy nhiên, để mà làm rõ điều này, tôi trở lại với ý kiến của các khách mời nói về khái niệm kỷ nguyên mới. Kỷ nguyên mới bao giờ cũng được đặc trưng bằng những tính chất, đặc điểm. Nó định hình một chân dung thời đại cho chúng ta bước vào.

Nhưng kỷ nguyên mới của ta có cái khác, đó là "kỷ nguyên vươn mình", tức là một cái kỷ nguyên hành động, tính hành động rất mạnh. Nó khẳng định rằng, ở đây không phải chúng ta định hình một chân dung của thời đại chúng ta sẽ bước vào, mà đây là một thời đại chúng ta sẽ hành động, "vươn mình" khác thường. Chúng ta không đi theo cái thông thường như từ xưa đến nay mà chúng ta "vươn mình". Đất nước đã từng vươn mình nhưng chúng ta sẽ có những cái hành động khác thường để đạt tới những mục tiêu khác thường.

PGS.TS. Trần Đình Thiên trao đổi tại Tọa đàm - Ảnh: VGP/Kim Liên
PGS.TS. Trần Đình Thiên trao đổi tại Tọa đàm. Ảnh VGP/Kim Liên.

Ở đây, kỷ nguyên mới được xác định bằng những mục tiêu khác thường. Một đất nước với trình độ thu nhập trung bình, phát triển chưa cao nhưng đặt ra những mục tiêu về chuyển đổi số, về thông minh, về phát triển xanh... những mục tiêu cao nhất của loài người. Rồi cách đặt vấn đề dựa vào trí tuệ sáng tạo, thông minh là chính. Đấy là những điều rất cao. Và như vậy đòi hỏi chúng ta phải đúng là kỷ nguyên hành động khác thường.

Có thể nói từ khi đưa ra thông điệp ấy, cũng có nghĩa là chúng ta đã bắt đầu hành động rồi, chứ không phải đến mốc đó chúng ta mới bắt đầu. Tuy nhiên, phấn đấu cho một điều gì đó rất đẹp đẽ thì chắc chắn rất khó. Rất khó thì phải chuẩn bị. Việc lựa chọn mốc Đại hội XIV có ý nghĩa như vậy.

Câu hỏi là chúng ta cần tiếp tục chuẩn bị như thế nào? Việc đó rất quan trọng. Bởi vì nếu mà chúng ta không chuẩn bị đầy đủ về tư duy, về thái độ, về những điều kiện, nguồn lực thì có khi chúng ta lại biến thông điệp đó thành một mơ ước, thành mộng tưởng mà có khi hành động không đủ thì biến thành hoang tưởng. Chúng ta phải đặt vấn đề như thế cho chặt chẽ, logic. Vậy chúng ta phải làm thế nào?

Có lẽ Đại hội XIV của Đảng gắn với một sự kiện đánh dấu nữa. Đó là 40 năm chúng ta đổi mới, đạt được những thành tựu rất lớn, phải nói là những thành tựu chưa từng thấy, chưa từng có. Trong đó có một thành tựu rất ý nghĩa để chúng ta tiếp tục, đó là chúng ta đã chọn được xu thế phát triển và những việc không thể đạt được. Tức là chúng ta khẳng định sự đúng đắn của con đường đi và chính sự đúng đắn bảo đảm cho những thành tựu.

Bây giờ chúng ta tiếp tục điều ấy như thế nào? 40 năm đủ cho chúng ta phát hiện ra bản thân mình. PGS. Đào Duy Quát có nói "vượt qua chính mình", tức là ta phát hiện ra bản thân mình, cái thực lực, cái đà, cái thế ngay lúc đó nhưng cũng đủ cho một bước nhảy vào tương lai không? Có lẽ còn thiếu rất nhiều.

Thứ hai, 40 năm cũng cho thấy có nhiều vấn đề phải giải quyết, nhiều vấn đề còn tồn đọng, nhiều yếu kém và thậm chí là điểm nghẽn của điểm nghẽn chứ không còn là một điểm nghẽn thông thường. Chúng ta nói "ba điểm nghẽn" nhưng bây giờ trong ba điểm nghẽn ấy, có "điểm nghẽn của điểm nghẽn". Tức là chúng ta nhận diện được vấn đề mấu chốt phải tự vượt qua và nếu không vượt qua thì chẳng có kỷ nguyên nào cả, chẳng có vươn mình. Tôi cho là việc chuẩn bị về mặt tâm thế, cho Đại hội XIV chính là chuẩn bị những chuyện như vậy, tức là một tầm nhìn, một tư duy phát triển, định vị bản thân mình cho chuẩn, đối diện với một tương lai mà chúng ta đã xác định đường nét lớn của nó. Đây là những ý của Tổng Bí thư, của Đảng và Nhà nước hiện nay đang triển khai rất nhiều mặt để làm rõ, chuẩn bị cho bước chuyển như vậy.

Ảnh
Kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc - kỷ nguyên hành động, truyền cảm hứng. Ảnh internet.

Logic dẫn dắt của Tổng Bí thư trong chuyện này như thế nào? Tôi thấy có 2 tuyến vấn đề.

Thứ nhất là cách đặt vấn đề chúng ta phải vượt qua chính mình, vượt qua hiện tại như thế nào và thứ hai là chúng ta phải tạo ra chân dung mới của mình khác hẳn như thế nào? Thoát khỏi cái cũ chưa chắc ông đã có cái mới. Và thoát khỏi cái cũ có cái khó chứ không dễ một tí nào. Chúng ta biết là bỏ cơ chế xin-cho khó như thế nào, vẫn còn nhiều lắm, vẫn còn nặng nề lắm. Chưa bỏ được cái ấy thì chẳng có cái mới nào thay cả. Ví dụ như vậy. Ở đây là vượt qua cái cũ và kiến tạo cái mới. Nghị quyết 57 vừa rồi liên quan đến khoa học công nghệ chính là hình dung tương lai, hình dung chúng ta cần phải làm gì. Một cấu trúc thể chế như thế nào cho khoa học công nghệ, cho đổi mới sáng tạo, cho xã hội số, xã hội xanh? Hai việc đó là việc cần phải chuẩn bị từ bây giờ để cái khung cấu trúc, khung thể chế cho sự vận hành vượt cái cũ mà xây mới.

Thứ hai là khi đưa ra những thông điệp đó, Tổng Bí thư có gắn với câu chuyện chuyển đổi số. Lực lượng sản xuất đặt ra vấn đề quan hệ sản xuất, phương thức sản xuất và việc đầu tiên, phát động đầu tiên chính là câu chuyện thay đổi, chính là thể chế Nhà nước, chính là bộ máy Nhà nước. Từ bộ máy Nhà nước mới dẫn đến con người chứ không phải là ngược lại. Lâu nay chúng ta hình như chú trọng đến cá nhân con người theo nghĩa đi chọn người nhiều hơn là thay đổi cấu trúc tổ chức. Hiện nay chính là làm bộ máy trước, cơ chế Nhà nước trước.

Tôi cho rằng đấy là việc phải thoát khỏi chính mình, tiên phong dẫn dắt thì sẽ gỡ ra. Đó là một hình mẫu cho sự phát triển của xã hội, đúng với logic của Marx nói: "Lực lượng sản xuất quyết định quan hệ sản xuất", hay gọi là kiến trúc thượng tầng. Bây giờ phải xử lý vấn đề theo một logic ngược, từ cấu trúc Nhà nước xuống đến củng cố quan hệ sản xuất mới và thúc đẩy lực lượng sản xuất. Logic ấy tôi cho là rất đúng. Cách đặt vấn đề xử lý tổ chức bộ máy như là sự chuẩn bị cho Đại hội XIV rất đặc biệt, quan trọng và có ý nghĩa. Một thách thức rất lớn nhưng tạo ra cảm hứng chính ở chỗ này. Tôi cho là cảm hứng mạnh nhất chính là ở chỗ này. Hiện nay nó đang diễn ra một cách thành công bởi nó tạo ra được lòng tin, sự cộng hưởng và đồng thuận quốc gia rất mạnh.

Tôi lại nói lại Nghị quyết 57 như một biểu tượng, tức là bàn đến những câu chuyện gắn những cam kết quốc gia với quốc tế. Chúng ta cam kết là một quốc gia phát thải zero và carbon vào năm 2050, rồi trở thành một đất nước chuyển đổi số, xã hội số, kinh tế số, một Nhà nước số. Rồi là một thực thể hay là thế lực bán dẫn, AI hùng mạnh. Chúng ta đang đặt ra mục tiêu như vậy. Cần phải làm như thế nào? Mấy năm nay chúng ta đang triển khai tất cả, từ tổng thể hệ thống hạ tầng, hạ tầng cứng, hạ tầng mềm, rồi nguồn nhân lực cho tương lai.

Hai vế ấy đang được triển khai rất tích cực để định hình một Chiến lược hành động vào năm 2024. Tôi nghĩ rằng đấy là chiến lược để nhảy vào tương lai, để có những hành động khác thường đúng như chúng ta đã xác định: Kỷ nguyên mới chính là kỷ nguyên hành động khác thường.

PV/chinhphu.vn