Các hoạt động biểudiễn văn hóa, nghệ thuật trong Ngày hội Văn hóa - Thể thao truyền thống hàng năm của huyện Hải Hậu mừng Tết Độc lập - Quốc khánh (2/9).

Đồng chí Lê Văn Sơn, Trưởng Phòng Văn hóa - Thể thao huyện Hải Hậu cho biết:

Nhiều năm qua, huyện đã tạo dựng và hun đúc bề dày giá trị truyền thống văn hóa “Nếp nhà nhân hậu, phúc đức, cần kiệm; mây sáng trời trong, con cháu thảo hiền”. 

Xác định văn hóa tinh thần là nền tảng ở cơ sở, huyện Hải Hậu đã huy động cả hệ thống chính trị và nhân dân tham gia phát triển sự nghiệp văn hóa trong thời kỳ mới. Các địa phương trong huyện chú trọng đẩy mạnh các phong trào xây dựng “Gia đình văn hóa”, “Khu dân cư văn hóa”, “Cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp văn hóa”, “Xóm văn hóa kiểu mẫu” và cuộc vận động xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội.

Hải Hậu đẩy mạnh tuyên truyền, vận động làm chuyển biến sâu sắc từ nhận thức đến hành động của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh góp phần từng bước ngăn chặn, đẩy lùi tệ nạn xã hội, xóa bỏ hủ tục lạc hậu trong những sinh hoạt cộng đồng trên địa bàn. Huyện Hải Hậu kịp thời biểu dương các cá nhân, tập thể điển hình tiên tiến trong thực hiện các phong trào, cuộc vận động để tạo động lực và sức lan tỏa cho phong trào trong cộng đồng.

Hải Hậu là 1 trong 4 huyện đầu tiên của cả nước được Chính phủ chọn thí điểm xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu theo hướng tạo cảnh quan môi trường “Sáng - xanh - sạch - đẹp để phát triển bền vững”.

Cả 34 xã, thị trấn của huyện được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao từ năm 2021; xã Hải An đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu (nổi trội về văn hóa) năm 2022. Toàn huyện có 45 xóm, tổ dân phố của 33 xã, thị trấn đạt chuẩn văn hóa kiểu mẫu; tỷ lệ gia đình được công nhận danh hiệu “Gia đình văn hóa” đạt 97,5%; 388/390 xóm, tổ dân phố (tỷ lệ 99,5%) đạt tiêu chuẩn danh hiệu “Xóm, tổ dân phố văn hóa”; 128 cơ quan, đơn vị, trường học đạt chuẩn nếp sống văn hóa; số người tham gia luyện tập thể dục thể thao thường xuyên đạt 66,2%; số “gia đình thể thao” chiếm 35,8% tổng số hộ.

Năm 2022, toàn huyện có 16 xóm, tổ dân phố giữ vững thành tích đơn vị văn hóa 5 năm liên tục, nâng toàn huyện có 83 xóm, tổ dân phố văn hóa. Để đạt được những kết quả đó, từ năm 2017, huyện Hải Hậu là địa phương đầu tiên của tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các xã, thị trấn xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh. 

Năm 2022, UBND huyện tiếp tục ban hành Hướng dẫn số 70/HD-UBND về việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội với những quy định cụ thể. Đến nay, cả 34 xã, thị trấn trong huyện đã xây dựng được hương ước, quy ước nếp sống văn hóa xóm, tổ dân phố và đưa việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội vào hương ước, quy ước; coi đó là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá, bình xét, xếp loại, công nhận các danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Khu dân cư văn hóa”, “Xóm văn hóa kiểu mẫu”. 

Nhiều xã, thị trấn đã có cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả như: xã Hải Chính cử cán bộ đại diện UBND xã đến dự các đám cưới, tặng quà chúc mừng và vận động, tuyên truyền. 

Xã Hải Trung tổ chức phát động Tháng hành động thực hiện nếp sống văn minh vào ngày 18-10, tổ chức tổng kết, đánh giá việc thực hiện nếp sống văn minh vào Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân 18/11 hàng năm.

Xã Hải Tân ban hành cơ chế khen thưởng đối với các gia đình thực hiện tốt cuộc vận động “Không làm cỗ chia phần” và “Ăn cỗ không lấy phần”. 

Xã Hải Phương vận động các gia đình ở ven trục đường giao thông tổ chức tiệc cưới tại nhà văn hóa xóm; không tổ chức tại nhà dựng rạp lấn ra đường…

Hàng năm, tỷ lệ các đám cưới, đám tang thực hiện theo nếp sống văn minh của huyện luôn đạt trên 80%; đảm bảo trang trọng, tiết kiệm, lành mạnh, vui tươi, phù hợp với phong tục tập quán, truyền thống văn hóa ở địa phương và điều kiện kinh tế của từng gia đình; thực hiện đám cưới “5 không” (không rượu, bia; không thuốc lá; không cờ bạc; không cãi vã, không đánh nhau; không mở loa đài quá to, quá sớm, quá khuya) được nhân dân hưởng ứng tích cực. Thời gian gần đây, nhiều đám cưới trong huyện được các gia đình chọn tổ chức tại chùa ở địa phương. 

Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện đặc biệt quan tâm xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở và bảo tồn, phát huy giá trị di tích. Hơn chục năm qua, nhà văn hóa, thư viện, bảo tàng, Đền Liệt sĩ của huyện được đầu tư nâng cấp với tổng kinh phí hàng chục tỷ đồng; 4 xã: Hải Anh, Hải Trung, Hải Phú, Hải Minh xây dựng được nhà truyền thống. 

Cơ sở vật chất phục vụ các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao cơ sở được đầu tư xây dựng đồng bộ, hiện đại. 100% xóm, tổ dân phố có nhà văn hóa, sân thể thao, khu vui chơi, giải trí, sinh hoạt, học tập cộng đồng.

Huyện hiện có 137 di tích lịch sử - văn hóa, trong đó có 43 di tích được Nhà nước xếp hạng (10 di tích cấp quốc gia, 33 di tích cấp tỉnh); 94 di tích nằm trong danh mục kiểm kê. Gìn giữ, phát huy giá trị di sản, di tích, việc tổ chức lễ hội truyền thống theo nếp sống văn minh ở các địa phương đều đảm bảo tiết kiệm, lành mạnh, mang ý nghĩa giáo dục truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”. 

Tiêu biểu là các lễ hội lớn như: lễ hội Chùa Lương, lễ hội truyền thống Quần Anh, xã Hải Anh; lễ hội Đền Bảo Ninh, xã Hải Phương... Trong các lễ hội đảm bảo duy trì tổ chức trang trọng các nghi lễ truyền thống; khôi phục nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật, trò chơi dân gian truyền thống phục vụ nhân dân.

Việc huyện quan tâm chỉ đạo các xã, thị trấn đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động văn hóa, thể thao giúp thu hút ngày càng đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia các câu lạc bộ thơ ca người cao tuổi, dân vũ của chị em phụ nữ, văn nghệ xung kích tuổi trẻ đoàn viên thanh niên, đáp ứng nhu cầu nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của người dân.

Nổi bật nhất là sự kiện Ngày hội Văn hoá - Thể thao truyền thống huyện hàng năm được tổ chức vào dịp chào mừng kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám thành công (19/8) và Quốc khánh (2/9).

 Dịp này, các xã, thị trấn trong huyện sôi nổi tổ chức các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao để lựa chọn các vận động viên, diễn viên tham gia Ngày hội chung toàn huyện. 

Trong dịp này hàng năm, trên 2 vạn người dân Hải Hậu đang sinh sống tại quê hương và mọi miền đất nước cùng du khách khắp nơi nô nức về dự. Nhiều môn thể thao và loại hình văn hóa, nghệ thuật quần chúng được nhiều người ưa thích như: bơi chải, bóng chuyền hơi, kéo co, cà kheo, dân vũ, dưỡng sinh, múa lân - sư - rồng, nhạc kèn, trống hội… thu hút sự tham gia của hàng nghìn vận động viên, diễn viên tham gia biểu diễn, thi đấu. 

Đây là một nét đẹp văn hoá độc đáo của mảnh đất, con người Quần Anh xưa - Hải Hậu nay, là dịp để người dân ôn lại truyền thống “tứ tính, cửu tộc” và tri ân các bậc tiền nhân mở đất, ca ngợi sự hưng thịnh của vùng quê biển giàu truyền thống lịch sử, văn hóa.

Chào mừng kỷ niệm 135 năm thành lập huyện (1888-2023) và Ngày hội Văn hóa - Thể thao truyền thống huyện nhân dịp Quốc khánh 2-9, những này này, huyện Hải Hậu đang tích cực chuẩn bị các điều kiện để tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, triển lãm sinh vật cảnh, cổ vật và các sản phẩm OCOP của huyện.

Sự kiện hứa hẹn sẽ thu hút sự tham gia đông đảo quần chúng nhân dân, động viên nhân dân vươn lên khắc phục những khó khăn thời kỳ hậu đại dịch COVID-19, góp phần bồi dưỡng, phát huy nhân tố con người trong xây dựng nếp sống văn hóa mới, từ đó hoàn thành tốt các mục tiêu đã đề ra trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương./.

Theo Báo Nam Định