Tuy nhiên, bên cạnh đó, sự nhộn nhịp đang diễn ra ở mặt trái của công tác kiểm soát hàng hóa tại cửa khẩu này?
Đó là những đường biên, lối mòn, nơi có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Điều đó - đồng nghĩa với việc ở bên kia biên giới, tình hình buôn bán của các đầu nậu hàng hóa vẫn nhộn nhịp không kém (!).
Quảng Trị, được mệnh danh là thủ phủ của hàng Thái (Thái Lan). Dọc tuyến QL1A, hàng chục cửa hàng lớn nhỏ nằm san sát nhau, kéo dài từ trung tâm thành phố Đông Hà đến huyện Cam Lộ thuộc tỉnh này. Du khách qua lại nơi đây, không khỏi ngỡ ngàng bởi hàng hóa - mẫu mã rất đa dạng và mức giá rẻ hơn rất nhiều so với các mặt hàng cùng chủng loại, bày bán ở các nơi khác.
Một cửa hàng nằm trên QL1A chuyên kinh doanh hàng hóa có xuất xứ từ bên kia biên giới
Theo quan sát của phóng viên, mỗi cửa hàng như một siêu thị thu nhỏ, nhằng nhịt với bảng hiệu mang dòng chữ Thái Lan, đúng như lời đồn là “thủ phủ” của hàng Thái.
Tuy nhiên, về nguồn gốc xuất xứ, có thể lý giải tại sao nhiều mặt hàng ở đây từ đâu đến mà có giá cả rất hời - đánh bật được những mặt hàng cùng chủng loại, nhưng được sản xuất và nhập khẩu rõ ràng tại các nơi khác.
Hàng hóa tại các cửa hàng siêu thị nhỏ được bày bán la liệt, không ít mặt hàng có nguồn gốc giấy tờ không hợp lệ
Phóng viên đã có cuộc tìm hiểu từ giới thiệu của những chủ cửa hàng và cánh lái xe từ cửa khẩu về. Chúng tôi không khỏi bất ngờ về những chuyến hàng về với “thủ phủ” rất “êm ái” đến lạ thường?
Một góc chợ Ca Ron - Lào
Con sông Xê Pôn chảy qua dọc đường biên giới, giáp ranh giữa huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) và huyện Xê Pôn (Savannakhet, Lào). Bên kia cửa khẩu quốc tế Lao Bảo là cửa khẩu Dansavan, nằm trên bản Ca Ron (Xê Pôn), có khu chợ Ca Ron sầm uất tại khu vực biên giới.
Nơi đây, tâp trung nhiều người Việt qua làm ăn và sinh sống, nhiều người thành đạt bằng con đường kinh doanh. Theo tìm hiểu của phóng viên, nơi đây cũng là "đại bản doanh" của những kho hàng lớn, tập trung nguồn hàng từ các nơi đưa về, sau đó được vận chuyển về Việt Nam tiêu thụ.
Hàng hóa ở đây rất đa chủng loại, như đường, nước ngọt, mỹ phẩm, đồ điện gia dụng, thuốc lá... xuất xứ chủ yếu từ Thái Lan, Trung Quốc và Lào. Một tiểu thương tại chợ Lao Bảo cho biết, hàng hóa bên kia tập trung tại các kho này, chủ yếu là của chủ người Việt như kho hàng của Thanh Hoạn, Thương Long..., hàng hóa chủ yếu đổ về đường Lẹc.
Một kho hàng tại Lào, đang bốc hàng từ những chuyến xe lớn xuống xe nhỏ để tiện vận chuyện ra đường biên
Từ những thông tin trên, phóng viên đã có cuộc tìm hiểu ngọn ngành của sự nhộn nhịp không kém gì ở phía bên kia biên giới. Tại bản Ca Ron (Sê Pôn - Lào), dân cư đông đúc, khu chợ không kém phía bên kia biên giới Việt Nam. Ở nơi đây, cũng có những mặt hàng được đưa từ Việt Nam qua bày bán và tiểu thương chủ yếu là người Việt.
Lân la tìm hiểu, phóng viên đã tiếp cận được với một kho hàng nằm đối diện khu chợ này. Chủ kho hàng người Việt có tên Vĩnh (vợ tên Hương), sống ở thị trấn Lao Bảo. Kho hàng được xem lớn cỡ nhất nhì ở đây, tọa lạc ngay mặt tiền đường 9E, phía bên phải đường theo hướng từ cửa khẩu Lao Bảo qua.
Kho hàng được xem lớn nhất - chủ là người Việt sống tại thị trấn Lao Bảo
Tuy trời mưa nặng hạt, nhưng không khí tại kho hàng vẫn tấp nập xe vào ra, hàng chục công nhân bốc vác luôn tay mỗi khi xe về. Trong vòng 1 tiếng đồng hồ tìm hiểu, chứng kiến, đã có hơn chục lượt xe vào ra, chủ yếu là xe tải nhỏ được trùm kín bạt, sau khi được bốc đầy hàng.
Sau khi tìm hiểu và tiếp cận được một chuyến hàng từ kho hàng mang biển số Lào xuất bến, phóng viên đã tiếp cận được điểm đến cuối cùng, cách kho khoảng 500 m, tại một con suối chảy từ Việt Nam qua.
Những chuyến hàng được đưa từ kho tại Lào tới sát đường biên
Trên con suối này, tại vị trí thuộc địa phận Lào, phóng viên không khỏi bất ngờ bởi tại địa phận Lào lại có rất nhiều xe (chủ yếu là xe ben tải trọng trên trên 1,5 tấn, nguồn gốc từ Việt Nam) đang chờ sẵn. Số hàng từ các xe, vận chuyển từ kho hàng tại Lào, sau đó được bóc xếp nhanh chóng lên các xe từ Việt Nam qua; các xe nhận hàng chạy ngược về lối mòn, chỉ cách đường biên giới chừng hơn 100 m và mất hút sau những lùm cây rậm rạp cạnh địa bàn bản Ka Tăng của thị trấn Lao Bảo.
Nhiều xe có nguồn góc từ Việt Nam qua sát đường biên trên vị trí đất Lào để bốc hàng và sau đó...
Những chuyến xe ỳ ạch đi sâu vào bản Cà Tăng (Việt Nam)
Điều đáng nói, những xe tải kia, họ đến từ đâu, bằng cách nào mà có thể lọt qua được biên giới để ngang nhiên hoạt động chở hàng hóa và có thể quay trở lại Việt Nam với những chuyến xe ỳ ạch và mất hút phía bên kia biên giới?...
Thương hiệu & Công luận sẽ thông tin tiếp đến bạn đọc.
Bình Minh