Hơn 30 năm “cõng” đơn đi đòi đất cho mượn!
Theo hồ sơ, bà Tôn Nữ Thị Luân (77 tuổi, ngụ 209/4, đường Phan Đình Phùng, TP. Đà Lạt, Lâm Đồng), năm 1942, mẹ bà là cụ Nguyễn Thị Chút (đã mất) từ Huế vào Đà Lạt định cư. Năm 1947, cụ Chút sang nhượng lại công khai phá một thửa đất của ông Huỳnh Đắc Bình (nay là các lô từ số 28 - 33, Tờ bản đồ số 10, phường 2, TP. Đà Lạt), tổng diện tích hơn 1.600 m2.
Sau năm 1975, gia đình cụ Chút vẫn canh tác nông nghiệp và thực hiện nghĩa vụ về thuế đầy đủ. Thực hiện chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Năm 1977, toàn bộ diện tích đất này, được gia đình cụ Chút đưa vào Tập đoàn Đa Hòa (Tổ sản xuất số 2). Năm 1981, Tập đoàn Đa Hòa giải thể, gia đình cụ Chút vẫn canh tác ổn định trên thửa đất trên. Năm 1986, cụ Chút đã kê khai với cơ quan chức năng về thửa đất này và được công nhận tại Tờ bản đồ số 2, phường 1, TP. Đà Lạt (nay là Tờ bản đồ số 10, phường 2).
Sơ đồ lô đất của gia đình bà Chút
Năm 1985, cụ Nguyễn Thị Chút cho 3 người cùng quê, gồm ông Lê Ích Phần, Lê Ích Phận và Nguyễn Văn Chương mượn thửa đất trên để sản xuất nông nghiệp. Ba năm sau, cụ Chút liên tục thúc giục những hộ dân mình đã cho mượn trả lại đất, nhưng không được. Do không đòi được đất đã cho mượn nên cụ Chút buộc phải đội đơn tới các cơ quan chức năng, đề nghị giải quyết.
Tại Văn bản số 123/BBTD, ngày 27/4/1995, UBND TP. Đà Lạt xác định: “Bà Nguyễn Thị Chút là người có công khai phá, cải tạo, bồi bổ đất. Lô đất đăng ký năm 1985, do bà Chút kê khai có diện tích là 1.150 m2. Các hộ ông Lê Ích Phần, Lê Ích Phận và Nguyễn Văn Chương đã sử dụng lô đất này 10 năm và có sự đồng ý của bà Chút”.
Trên cơ sở đó, ngày 31/5/1995, UBND TP. Đà Lạt ra Thông báo số 25/TB-UB về việc giải quyết tranh chấp đất giữa bà Nguyễn Thị Chút và các hộ dân đang sử dụng.
UBND TP. Đà Lạt công nhận công khai phá, đầu tư vào 1.110 m2 đất, gồm các lô mang số 28, 29, 30, 31 đã đăng ký tại hồ sơ 299/TTg, ngày 24/1/1986 cho bà Nguyễn Thị Chút. “Mọi hình thức sử dụng các lô đất trên kể từ năm 1986 đến nay cần phải có trách nhiệm đền bù thỏa đáng với bà Chút”, văn bản nêu. Tuy nhiên, sau đó các hộ dân đang sử dụng đã không đền bù, cũng không trả lại đất cho gia đình bà Chút.
Văn bản UBND TP. Đà Lạt công nhận đất này là của gia đình bà Chút
Năm 1997, bà Chút qua đời, con gái là bà Tôn Nữ Thị Luân, tiếp tục đi đòi đất đã cho mượn. Ngày 23/12/2002, UBND tỉnh Lâm Đồng có Văn bản số 4273/UB về việc giải quyết khiếu nại của bà Tôn Nữ Thị Luân, chỉ đạo UBND TP. Đà Lạt yêu cầu các hộ dân sử dụng đất mà bà Luân đang khiếu nại, phải có nghĩa vụ thỏa thuận đền bù cho bà Luân theo đúng nội dung Thông báo số 25/TB-UB ,ngày 31/5/1995 của UBND TP. Đà Lạt.
Sau đó, UBND phường 2 (TP. Đà Lạt) đã nhiều buổi làm việc với các bên liên quan, nhưng vẫn không thống nhất được giá cả đền bù cho bà Tôn Nữ Thị Luân. Riêng phần đất ông Lê Ích Phần lấn chiếm và xây nhà từ gia đình bà Chút trước đó, đã bị UBND TP. Đà Lạt ra quyết định thu hồi tại Quyết định số 1503/QĐ-UB ngày 1/8/2005. Tuy nhiên, nay thửa đất này lại được cấp Giấy chứng nhận QSDĐ cho ông Phần?
Văn bản giải quyết “tréo ngoe” của các cơ quan chức năng
Do các hộ dân đang sử dụng diện tích đất mà trước đây bà Nguyễn Thị Chút cho mượn không đền bù cho gia đình bà Tôn Nữ Thị Luân nên bà Luân tiếp tục có đơn khiếu nại tới UBND TP. Đà Lạt. Ngày 2/7/2002, Thanh tra TP. Đà Lạt có Báo cáo số 42/BC-TTr về việc giải quyết đơn khiếu nại của bà Tôn Nữ Thị Luân.
Văn bản này, một lần nữa dẫn lại Thông báo số 25/TB-UB, ngày 31/5/1995 của UBND TP. Đà Lạt, có nêu: “Công nhận công khai phá và đầu tư vào 1.110 m2 đất, gồm các lô mang số 28,29,30 và 31 tại hẻm 193, đường Phan Đình Phùng, phường 2 cho bà Nguyễn Thị Chút; các hộ dân hiện đang sử dụng lô đất trên phải có trách nhiệm đền bù thỏa thuận với bà Nguyễn Thị Chút.
Tuy nhiên, Thông báo số 25/TB-UB của UBND TP. Đà Lạt đã không thực hiện được, do các hộ dân không thỏa thuận được giá cả đền bù và năm 1997, bà Nguyễn Thị Chút đã qua đời”.
Điều ngạc nhiên, cũng tại văn bản này, Thanh tra TP. Đà Lạt cho rằng bà Tôn Nữ Thị Luân không cùng hộ khẩu với bà Nguyễn Thị Chút. “Theo quy định của pháp luật thừa kế quyền sử dụng đất nông nghiệp thì, bà Tôn Nữ Thị Luân không có quyền và nghĩa vụ liên quan đến lô đất tranh chấp nêu trên”, văn bản nêu.
Tiếp đó, ngày 25/7/2002, UBND TP. Đà Lạt ra Quyết định số 1092/QĐ-UB, không chấp nhận đơn khiếu nại đòi đền bù công khai phá theo thông báo giải quyết tranh chấp đất số 25, ngày 31/5/1995 của UBND TP. Đà Lạt. Lý do là bà Nguyễn Thị Chút đã mất từ năm 1997, bà Tôn Nữ Thị Luân không được bà Chút ủy quyền khiếu nại và không đủ điều kiện được thừa kế lô đất đang tranh chấp trên. Dù trong sổ hộ khẩu trong hộ khẩu an ninh TP. Đà Lạt, ghi rõ bà Luân là con bà Chút?
Sổ hộ khẩu khẩu an ninh TP Đà Lạt thể hiện rõ bà Luân là con bà Chút
Không đồng ý quyết định này, bà Tôn Nữ Thị Luân tiếp tục khiếu nại lên UBND tỉnh Lâm Đồng để đòi công lý. Tuy nhiên, Quyết định số 2872/QĐ-UBND của tỉnh Lâm Đồng như "gáo nước lạnh" dội vào gia đình người đi khiếu nại đòi quyền lợi chính đáng.
Theo UBND tỉnh Lâm Đồng, bà Nguyễn Thị Chút, sau này là bà Tôn Nữ Thị Luân khiếu nại đòi 1.110 m2 là không có cơ sở để xem xét giải quyết vì cho rằng, thửa đất này bà Chút trước kia chỉ thuê lại của ông Huỳnh Đức Bình. Quá bức xúc, bà Luân yêu cầu cơ quan chức năng sở tại đưa ra bằng chứng việc bà thuê đất thì cơ quan chức năng “đứng hình” nhưng vẫn giữ nguyên quan điểm – dù nó sai?
Đến nay, bà Tôn Nữ Thị Luân đã lớn tuổi nên ủy quyền lại cho con gái là bà Lê Thị Phúc Hiền (51 tuổi) tiếp tục đi đòi lại đất đã cho mượn. Bà Hiền cho biết, việc UBND TP. Đà Lạt cho rằng mẹ bà là bà Tôn Nữ Thị Luân không được bà Chút ủy quyền, không cùng chung hộ khẩu là hoàn toàn sai sự thật.
Bởi trong Giấy chứng nhận đăng ký nhân khẩu thường trú - do Trưởng an ninh TP. Đà Lạt cấp ngày 1/11/1975, thể hiện rất rõ bà Nguyễn Thị Chút là mẹ của bà Tôn Nữ Thị Luân. Như vậy, đương nhiêu khi bà Chút mất đi thì người con có quyền hưởng thừa kế và tiếp tục thực hiện công việc mà bà Chút để lại.
Quyết định số 2872/QĐ-UBND của UBND tỉnh Lâm Đồng
“Riêng Quyết định số 2872/QĐ-UBND của UBND tỉnh Lâm Đồng cho rằng thửa đất mà gia đình tôi tranh chấp từ năm 1988, đến nay có nguồn gốc thuê lại của ông Huỳnh Đức Bình là cố tình làm sai về bản chất, phủ nhận toàn bộ sự thật khách quan. Vì từ năm 1986, gia đình tôi đã kê khai với cơ quan chức năng và được công nhận tại sơ đồ lô đất phê duyệt ngày 8/4/1986. Quyết định này đã tước đoạt, xâm hại đến quyền lợi chính đáng của gia đình tôi...”, bà Hiền bức xúc.
Vậy là sau hơn 30 năm, 3 thế hệ trong một gia đình đã “cõng” đơn đi khiếu nại, đòi lại phần đất mà mình cho mượn, chẳng những không được nhận lại đất, mà gia đình bà Hiền còn rơi vào trạng thái mất phương hướng. Cầm những văn bản "tréo ngoe" này, bà Hiền lắc đầu ngao ngán: “Thật tình, tôi không biết khiếu nại ở cấp nào bây giờ? Chuyện rành rành ra đó, ai cũng biết, nhưng không hiểu sao người ta giải quyết cho tôi như vậy? Với cách giải quyết chồng chéo, đùn đẩy như kiểu này, không biết tôi có còn sống để tận mắt thấy công bằng của luật pháp hay lại phải đến đời con, cháu tôi tiếp tục?”.
Đề nghị các cơ quan chức năng, UBND tỉnh Lâm Đồng vào cuộc làm rõ vụ tranh chấp này một cách toàn diện để giải quyết dứt điểm vụ việc nêu trên.
Cao Diên – Hải Dương