Khu vực gầm cầu vượt Mai Dịch (quận Cầu Giấy), hàng trăm chiếc ô tô, xe máy vẫn đang đỗ la liệt dưới gầm cầu...
Thực hiện chỉ đạo của UBND TP. Hà Nội (tại Văn bản số 486/UBND-ĐT ngày 31/1/2019) về việc lăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm hành vi sử dụng trái phép gầm cầu đường sắt, đường bộ, để đảm bảo trật tự an toàn giao thông, đô thị; quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ được thực hiện theo đúng quy định, Sở GTVT Hà Nội vừa ban hành Công văn số 1101/SGTVT-QLKCHTGT về tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm hành vi sử dụng trái phép gầm cầu đường sắt, đường bộ.
Tại Công văn này, Sở GTVT Hà Nội đề nghị Thanh tra giao thông vận tải phối hợp với các lực lượng chức năng của Công an TP, chính quyền địa phương, các đơn vị quản lý cầu, đường và các đơn vị có liên quan xây dựng kế hoạch tổ chức kiểm tra, rà soát việc quản lý kết cấu hạ tầng giao thông (đặc biệt là việc quản lý gầm cầu đường sắt, đường bộ) thuộc địa bàn quản lý trên địa bàn TP; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật; đề xuất, báo cáo những vấn đề vượt quá thẩm quyền.
Giao Ban Duy tu các công trình hạ tầng giao thông phối hợp với Thanh tra Sở GTVT, các đơn vị quản lý đường và các lực lượng chức năng kiểm tra, rà soát, tổng hợp báo cáo công tác quản lý các công trình giao thông, hành lang an toàn đường bộ (đặc biệt là việc quản lý gầm cầu đường sắt, đường bộ) thuộc địa bàn được đặt hàng quản lý. Nêu rõ các hành vi vi phạm, đơn vị vi phạm và công tác phối hợp xử lý các vi phạm theo quy định.
Văn bản chỉ đạo là vậy, tuy nhiên câu hỏi đang được đông đảo dư luận đặt ra là: Liệu cơ quan chức năng có xử lý dứt điểm tình trạng chiếm dụng gầm cầu đường sắt, đường bộ hay không? Hay chỉ ra văn bản cho có, ra quân kiểm tra xử lý kiểu “ném đá ao bèo” rồi… lại “để đấy”?
Bởi, theo Thông tư số 35 của Bộ GTVT, từ ngày 1/12/2017, các tổ chức, cá nhân không được phép chiếm dụng gầm cầu làm nơi ở, bãi đỗ xe và các dịch vụ kinh doanh khác. Tuy nhiên, suốt những năm qua, nhiều gầm cầu vượt trên địa bàn Thủ đô Hà Nội lại đang bị “xẻ thị”, biến gầm cầu thành các điểm trông giữ ô tô, xe máy, phục vụ lợi ích cho một số cá nhân, doanh nghiệp.
Tại khu vực gầm cầu vượt Láng - Cầu Giấy (quận Đống Đa), một bãi trông giữ xe đã tồn tại và hoạt động nhiều năm dưới gầm cầu. Từng dãy ô tô được đỗ sát cạnh nhau, chiếm trọn vẹn khoảng không gian khu vực gầm cầu vượt...
Chỉ cần dạo một vòng quanh các tuyến phố có cầu vượt tại Hà Nội, có thể dễ dàng bắt gặp hình ảnh hàng loạt ô tô, xe máy, xe tải được xếp thành hàng dài dưới các gầm cầu, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ, gây khuất tầm nhìn, cản trở giao thông, mỗi khi các phương tiện ra vào khu vực gầm cầu vượt thì gây ách tắc nghiêm trọng, tiềm ẩn nguy cơ tai nan rất cao…, khiến người dân Thủ đô vô cùng bức xúc.
Theo ghi nhận của PV (chiều ngày 25/2), tại gầm cầu vượt Giải Phóng – Trường Chinh (quận Hai Bà Trưng), vẫn đang được trưng dụng để làm bãi trông giữ ô tô, xe máy ngày và đêm. Theo những người dân sống quanh khu vực này cho biết: Bãi xe này cho ô tô, xe máy gửi cả ngày lẫn đêm, khu vực gầm cầu được quây kín bằng hàng rào thép để phục vụ cho hoạt động trông giữ xe.
“Điều khiến chúng tôi lo lắng là, nếu không may xảy ra cháy nổ, thì thiệt hại không thể nói trước được điều gì… Trước thực trạng này, người dân nhiều lần kiến nghị chính quyền địa phương về việc dẹp bỏ bãi trông giữ xe này, nhưng đến nay mọi việc vẫn đâu vào đấy…” – một người dân bức xúc cho biết.
Tại gầm cầu vượt Giải Phóng – Trường Chinh (quận Hai Bà Trưng), vẫn đang được trưng dụng để làm bãi trông giữ ô tô, xe máy ngày và đêm
Tương tự, tại khu vực gầm cầu vượt Mai Dịch (quận Cầu Giấy), hàng trăm chiếc ô tô, xe máy vẫn đang đỗ la liệt dưới gầm cầu. Xung quanh gầm cầu được quây kín bằng hàng rào lưới sắt. Theo nhiều người dân tại đây cho biết, điểm trông giữ phương tiện tại khu vực này tồn tại khá lâu, xe ở trong bãi chủ yếu là xe của các hộ sống quanh khu vực này…
Tại khu vực gầm cầu vượt Láng - Cầu Giấy (quận Đống Đa), một bãi trông giữ xe đã tồn tại và hoạt động nhiều năm dưới gầm cầu. Theo quan sát, từng dãy ô tô được đỗ sát cạnh nhau một cách ngay ngắn, chiếm trọn vẹn khoảng không gian dưới khu vực gầm cầu vượt.
Còn tại khu gầm cầu Vĩnh Tuy, tại hai đầu cầu tình trạng trông giữ các phương tiện còn công khai hoạt động nhộn nhịp hơn bao giờ hết. Theo ghi nhận của PV, có tới hàng trăm lượt phương tiện ra vào gửi xe tại đây, vào những giờ cao điểm có thể lên tới hàng trăm phương tiện gửi cùng một lúc.
Tại khu gầm cầu Vĩnh Tuy, tại hai đầu cầu tình trạng trông giữ các phương tiện còn công khai hoạt động nhộn nhịp hơn bao giờ hết. Đếm qua loa cũng có tới hàng trăm lượt phương tiện ra vào gửi xe tại đây...
Trên đây chỉ là “bề nổi của tảng bang chìm”, bởi nếu tính tổng thể trên toàn địa bàn TP. Hà Nội, thì hầu hết các gầm cầu vượt đường bộ gần như đã và đang bị chiếm dụng, khai thác một cách vô tội vạ…, cần được cơ quan chức năng TP. Hà Nội, chính quyền sở tại nhanh chóng vào cuộc, kiểm tra, xử lý.
Theo các chuyên gia giao thông cảnh báo: Việc tận dụng gầm cầu đường sắt, cầu vượt làm bãi gửi xe là điều cực kỳ nguy hiểm, dễ dẫn tới cháy nổ với tổn thất lớn khi các phương tiện được để chung một chỗ. Bên cạnh đó, khi xảy ra sự cố cháy nổ, chắc chắn sẽ dẫn tới ảnh hưởng kết cấu của cầu và hậu quả xấu nhất có thể xảy ra là sập cầu. Vì vậy tất cả những điểm trông giữ xe, buôn bán dưới gầm cầu bắt buộc phải dừng hoạt động theo thông tư số 35/2017/TT-BGTVT của Bộ GTVT…
Trước thực trạng nêu trên, để tránh nguy cơ cháy nổ, ảnh hưởng đến các công trình giao thông, gây thiệt hại lớn về tài sản, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn… khiến dư luận bức xúc. Đề nghị UBND TP. Hà Nội cùng các cơ quan chức năng cần nhanh chóng vào cuộc kiểm tra, ra soát, đồng thời có phương án xử lý dứt điểm tình trạng “xẻ thịt” gầm cầu đường sắt, đường bộ đang tồn tại suốt nhiều năm qua.
Hà Long – Quốc Trường