Bí thư Tỉnh ủy Lạng Sơn, Lâm Thị Phương Thanh phát biểu tại Hội nghị
Dự Hội nghị về phía tỉnh Lạng Sơn có, Bí thư Tỉnh ủy, Lâm Thị Phương Thanh; Chủ tịch UBND tỉnh, Hồ Tiến Thiệu; lãnh đạo HĐND, UBND tỉnh, lãnh đạo Ủy ban MTTQ, các sở, ngành của tỉnh và 150 doanh nghiệp tiêu biểu trên địa bàn.
Về phía VCCI có, Chủ tịch VCCI, TS. Vũ Tiến Lộc và các chuyên gia kinh tế.
Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Lạng Sơn, Lâm Thị Phương Thanh khẳng định quyết tâm của tỉnh trong việc cải thiện môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh, nâng cao chỉ số PCI. Các cấp, ngành coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, phải tăng cường công tác tuyên truyền tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của đội ngũ cán bộ; trên cơ sở ý kiến tại hội nghị, tỉnh giao các ngành liên quan rà soát, phân tích từng chỉ số thành phần để có giải pháp nâng cao chỉ số PCI, phấn đấu trong giai đoạn 2021 – 2025, chỉ số PCI của Lạng Sơn nằm trong nhóm khá của cả nước.
Bí thư Lâm Thị Phương Thanh nhấn mạnh: Các cấp, ngành cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là thủ tục hành chính; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; kiên quyết xử lý nghiêm cán bộ có hành vi nhũng nhiễu doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp, nhà đầu tư cần tích cực, chủ động phối hợp với các ngành liên quan tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo môi trường đầu tư kinh doanh lành mạnh, hiệu quả, phấn đấu để Lạng Sơn trở thành điểm sáng trong thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp, có môi trường đầu tư thuận lợi.
Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn, Hồ Tiến Thiệu phát biểu tại Hội nghị
Phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn, Hồ Tiến Thiệu cho biết: Những năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh đã tập trung chỉ đạo, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp về cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh và tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, bình đẳng cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư. Qua đó, góp phần quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, sự phát triển đó chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh.
Hội nghị lần này là dịp để đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ tham gia thực hiện nhiệm vụ liên quan đến người dân, doanh nghiệp cùng phân tích kết quả, hiểu đúng và đầy đủ về chỉ số PCI. Từ đó, bàn các giải pháp để cải thiện mạnh mẽ chỉ số này, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi hơn nữa để thúc đẩy sự phát triển chung.
Báo cáo tổng quát về công tác nâng cao chỉ số PCI trên địa bàn tỉnh trong 5 năm qua đã đánh giá khái quát về những nỗ lực của tỉnh trong cải cách hành chính; cải thiện môi trường đầu tư; tạo dựng môi trường thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp; bảo đảm quyền kinh doanh, quyền bình đẳng tiếp cận nguồn lực và cơ hội kinh doanh cho doanh nghiệp; tổ chức gặp mặt định kỳ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; nâng cao hiệu quả quảng bá, xúc tiến đầu tư.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh có trên 3,3 nghìn doanh nghiệp hoạt động với tổng vốn đăng ký trên 29 nghìn tỷ đồng; tạo việc làm cho trên 50,2 nghìn lao động với thu nhập bình quân từ 5 đến 6 triệu đồng/người/tháng.
Giai đoạn 2016 – 2020, tỉnh đã phê duyệt chủ trương đầu tư 110 dự án với tổng vốn đăng ký trên 20,3 nghìn tỷ đồng.
Theo kết quả công bố chỉ số PCI năm 2019 của VCCI, Lạng Sơn đạt 63,9 điểm (tăng 9,18 điểm so với năm 2015); xếp hạng 50/63 tỉnh, thành phố (tăng 7 bậc so với năm 2015) - là tỉnh đứng đầu trong nhóm các tỉnh thành phố đạt điểm trung bình.
Tại Hội nghị, các chuyên gia kinh tế của VCCI phân tích tổng quan và từng chỉ số thành phần cấu thành nên chỉ số PCI của tỉnh trong năm 2019.
Các chuyên gia đánh giá cao những nỗ lực của tỉnh, đồng thời chỉ ra những hạn chế về quản lý, điều hành, thực thi công vụ trong quá trình tạo lập môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh thuận lợi và đưa ra những khuyến nghị để Lạng Sơn tiếp tục nâng cao chỉ số PCI trong thời gian tới như: cải thiện các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp; tiếp tục nỗ lực cải cách hành chính; tạo nguồn cung lao động có kỹ năng; tăng cường gặp mặt, đối thoại doanh nghiệp ở nhiều cấp độ…
Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Vũ Tiến Lộc phát biểu tại Hội nghị
Chia sẻ với định hướng phát triển của tỉnh Lạng Sơn trong tương lai, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh, với lợi thế nằm trên hành lang kinh tế Nam Ninh – Lạng Sơn – Hà Nội – Hải phòng – Quảng Ninh - là cửa ngõ quan trọng ở khu vực Đông bắc Việt Nam, Lạng Sơn cần xây dựng và phát triển Khu kinh tế cửa khẩu thực sự trở thành “cầu nối” trung tâm xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ lớn của cả nước và khu vực.
Lạng Sơn có tiềm năng, lợi thế lớn về du lịch và kinh tế cửa khẩu, nhưng chỉ số phát triển doanh nghiệp của Lạng Sơn chỉ đang duy trì ở mức 5,6,7 trong 14 tỉnh tỉnh miền núi phía bắc, tức là ở dưới mức trung bình. Do đó, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho rằng, tỉnh Lạng Sơn không nên tập trung quá nhiều đến việc phát triển doanh nghiệp lớn và vừa mà phải lưu ý đến các hộ kinh doanh nhỏ, bởi đây cũng là một nguồn lực kinh tế quan trọng.
Quang cảnh Hội nghị
Để nâng cao năng lực và chỉ số cạnh tranh, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc đã đưa ra một số ý kiến, giải pháp đối với tỉnh Lạng Sơn, trong đó ưu tiên quan tâm xử lý các thủ tục hỗ trợ doanh nghiệp; đẩy mạnh tạo mặt bằng sạch, xây dựng những cơ chế ưu đãi đầu tư, đồng thời, có cách thức liên kết các doanh nghiệp, nâng cao chất lượng điều hành kinh tế, tận tâm với doanh nghiệp, quan tâm đến công tác tuyên truyền…
Nguyễn Kiên