Lạng Sơn: Phát triển KT-XH gắn với quốc phòng, an ninh - Hình 1

Phó chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Nguyễn Công Trưởng

Xin ông cho biết một số kết quả về phát triển kinh tế - xã hội của Lạng Sơn năm 2018?

2018 - năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn Khóa XVI và Kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm (2016 - 2020). Theo đó, kinh tế của tỉnh tiếp tục đà tăng trưởng; lãi suất tín dụng, giá cả thị trường cơ bản ổn định; môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện, năng lực sản xuất mới tiếp tục được bổ sung.

Bộ máy chính quyền các cấp hoạt động đồng bộ. Các cấp, các ngành thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống nhân dân; chủ động phòng chống thiên tai, bảo vệ môi trường, củng cố quốc phòng - an ninh, giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia và đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại.

Với sự thống nhất, quyết tâm, nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng DN và người dân, KT-XH của Lạng Sơn tiếp tục chuyển biến tích cực và đạt được những kết quả quan trọng, khá toàn diện - đạt và vượt 17/18 chỉ tiêu đã đề ra.

Tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt khoảng 8,36% (mục tiêu 8 - 8,5%). Trong đó: Nông - lâm nghiệp tăng 2,55% (mục tiêu 2 - 3%), công nghiệp - xây dựng tăng 19,24% (mục tiêu 20 - 21%), dịch vụ tăng 7,60% (mục tiêu 8 - 9%), thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 4,87%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực: Nông - lâm nghiệp chiếm 20,30%, công nghiệp - xây dựng 19,68%, dịch vụ 49,78%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm 10,24%. GRDP bình quân đầu người đạt 38,4 triệu đồng (mục tiêu 37 - 38 triệu đồng).

Lạng Sơn thu hút trên 2.700 DN, thường xuyên hoạt động XNK hàng hóa qua các cửa khẩu của tỉnh. Lưu lượng xe Việt Nam và Trung Quốc XNK hàng hóa qua các cửa khẩu Lạng Sơn khoảng trên 3.000 lượt xe/ngày; kim ngạch XNK đạt gần 5 tỷ USD, bằng 100,7% kế hoạch (XK 2.900 triệu USD, NK trên 1.900 triệu USD, XK hàng địa phương 125 triệu USD). Hàng tạm nhập tái xuất đạt gần 3 tỷ USD; mặt hàng XK chủ yếu là nông sản, hoa quả với khoảng 3 triệu tấn, kim ngạch XK khoảng gần 3 tỷ USD  (chiếm gần 70% tổng kim ngạch XK qua địa  bàn tỉnh)...

Theo ông, điểm nhấn nổi bật về phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong năm qua là gì?

Như trên đã nói, năm 2018, Lạng Sơn đã đạt 17/18 chỉ tiêu đề ra trong năm, 17 chỉ tiêu đều đạt và vượt mục tiêu đề ra và cao hơn các năm 2016, 2017.

Trước hết, hoạt động TM&DV diễn ra sôi động, TM nội địa tiếp tục phát triển, khuyến khích mở rộng thị trường tại khu vực nông thôn, bảo đảm cung ứng đầy đủ mặt hàng thiết yếu và đẩy mạnh thu mua nông sản cho nhân dân. Đã phát triển các hình thức TM điện tử tại các trung tâm TM, siêu thị, cửa hàng tiện ích. Hoạt động XTTM mang lại hiệu quả; thực hiện đồng bộ các biện pháp quản lý giá cả, thị trường. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 18.400 tỷ đồng (tăng 10% so năm trước).

Hoạt động XNK hàng hóa qua địa bàn tăng; cải cách TTHC tại cửa khẩu được đẩy mạnh, nâng cao tinh thần trách nhiệm, năng lực thực thi công vụ. Lãnh đạo tỉnh, các ngành chức năng tích cực, chủ động gặp gỡ để giải quyết khó khăn, vướng mắc, thu hút DN XNK qua địa bàn tỉnh; đổi mới phương pháp kiểm tra, kiểm soát, giải quyết kịp thời ách tắc hàng hóa.

Sản xuất nông - lâm nghiệp tăng trưởng khá; tập trung đổi mới mô hình sản xuất, chú trọng hình thức liên kết sản xuất. Năm 2018, tỉnh có 5 sản phẩm được trao danh hiệu “Thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam”, đặc biệt là sản phẩm Na Chi Lăng - lọt Top 10 thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam. Sản xuất CN tăng trưởng khá, chỉ số sản xuất CN tăng 9,2% so năm trước. Hoạt động TM-DV-DL tiếp tục phát triển; đang tập trung xây dựng Khu du lịch quốc gia Mẫu Sơn, thí điểm tổ chức xe du lịch tự lái qua biên giới.

Phong trào xây dựng NTM đạt kết quả tích cực; có thêm 12 xã đạt chuẩn (không còn xã dưới 5 tiêu chí). Đầu tư kết cấu hạ tầng được tăng cường, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH.

Tỉnh đã hoàn thành đưa vào sử dụng 43 công trình, hạng mục công trình lớn và trên 100 công trình thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia; nhiều công trình, dự án trọng điểm, quan trọng hoàn thành đưa vào sử dụng, như: Nhà kiểm soát liên hợp số 1 cửa khẩu Chi Ma; nhà làm việc liên ngành và nhà công vụ cửa khẩu Bản Chắt; cổng cửa khẩu Tân Thanh; cầu Kỳ Cùng; BV Y học cổ truyền; hạ tầng khu tái định cư và dân cư nam thành phố; phấn đấu đưa BVĐK tỉnh 700 giường (giai đoạn 1) vào sử dụng trong tháng 12/2018; cơ bản hoàn thành dự án đường phục vụ XNK, đấu nối từ cửa khẩu Tân Thanh với khu kiểm soát Khả Phong (Trung Quốc)…

Tiến độ một số dự án hạ tầng khu vực cửa khẩu, đường ra biên giới trong KKT cửa khẩu Đồng Đăng -  Lạng Sơn đạt khá như đường Hữu Nghị - Bảo Lâm, đường Bản Nằm - Bình Độ - Đào Viên, đường giao thông Khu phi thuế quan giai đoạn 1.

Tập trung đẩy nhanh tiến độ các dự án: Đường đến trung tâm các xã Xuân Dương, Ái Quốc (Lộc Bình) và xã Thái Bình (Đình Lập); đường Lũng Vài - Bản Pẻn; đường đến Trung tâm xã Tân Yên (Tràng Định); đường cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn; hồ chứa nước Bản Lải; hạ tầng cơ bản cho phát triển toàn diện các tỉnh đông bắc (Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn) - Tiểu dự án tỉnh Lạng Sơn (ODA).

Tiếp tục triển khai có hiệu quả Đề án phát triển giao thông nông thôn, nâng tỷ lệ cứng hóa đường ô tô đến trung tâm xã lên 76,2%; có 91% người dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh; 99% dân cư thành thị được sử dụng nước sạch.

Thực hiện quyết liệt các giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh, hỗ trợ và phát triển DN. Đã có một số nhà đầu tư lớn khảo sát, đề xuất các dự án đầu tư như Tập đoàn VinGroup, SunGruop, FLC, Hoàng Anh - Gia Lai…

Kết quả đạt được, thể hiện môi trường kinh doanh XNK qua địa bàn Lạng Sơn rất thuận lợi, các cửa khẩu của tỉnh vẫn là cửa khẩu đường bộ chủ lực về XK nông - lâm - hải sản, NK tư liệu sản xuất của cả nước.

Lạng Sơn: Phát triển KT-XH gắn với quốc phòng, an ninh - Hình 2

Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị - tiềm năng phát triển kinh tế Lạng Sơn

Vậy bài học kinh nghiệm nào để Lạng Sơn thực hiện thắng lợi trong phát triển KT-XH và bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh?

Có thể nói, công tác quản lý, điều hành NSNN được tỉnh tập trung chỉ đạo quyết liệt. Ngay từ đầu năm, tỉnh đã thành lập BCĐ thu ngân sách cấp tỉnh, cấp huyện, thực hiện quyết liệt công tác chống thất thu, tập trung thu các khoản đạt thấp, thu nợ đọng thuế. Đẩy mạnh cải cách TTHC về thuế, kiểm soát chặt chẽ giá tính thuế hải quan, thực hiện nghiêm các quy định về đấu giá đất.

Công tác thanh tra, kiểm tra tài chính, tài nguyên và chống buôn lậu được thực hiện tích cực, hiệu quả, góp phần tăng thu NSNN. Công tác thu nội địa có nhiều đổi mới và đạt kết quả đáng khích lệ, thu ngân sách tại các huyện, thành phố đều đạt và vượt dự toán giao. Qua đó, tổng thu ngân sách trên địa bàn đạt trên 5.406 tỷ đồng (thu nội địa đạt 2.599 tỷ đồng, bằng 144,69% dự toán Trung ương giao và  118,34% dự toán tỉnh giao).

Lạng Sơn là tỉnh biên giới, có tiềm năng to lớn về kinh tế, TM; đồng thời có vị trí quan trọng về quốc phòng - an ninh và đối ngoại, do đó, việc quán triệt và thực hiện tốt quan điểm của Đảng về kết hợp phát triển KT-XH với tăng cường quốc phòng - an ninh có ý nghĩa thiết thực, quan trọng về nhiều mặt, vừa mang tính cấp thiết, vừa cơ bản lâu dài.

Để nhận thức đó thấm sâu vào mọi tầng lớp nhân dân, nhất là đội ngũ cán bộ, đảng viên, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các cấp tổ chức quán triệt sâu sắc đường lối, quan điểm của Đảng về kết hợp phát triển KT-XH với tăng cường quốc phòng - an ninh; triển khai thực hiện nhiệm vụ giáo dục quốc phòng - an ninh sát với đặc điểm, yêu cầu của địa phương và gắn với Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.

Công tác tuyên truyền, giáo dục được thực hiện khá toàn diện bằng nhiều nội dung, hình thức phong phú, đa dạng. Trong đó, coi trọng việc nâng cao nhận thức cho toàn dân về kết hợp phát triển KT-XH với tăng cường quốc phòng - an ninh là vô cùng quan trọng.

Tỉnh còn  tổ chức các cuộc giao lưu “Nghĩa tình biên giới”, “Giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia”, “Vì an ninh xứ Lạng”…; mở các chuyên mục về quốc phòng - an ninh trên các phương tiện truyền thông phù hợp với phong tục, tập quán, đời sống, văn hóa tinh thần của các dân tộc, nhằm làm cho cán bộ, đảng viên và mọi tầng lớp nhân dân nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của nhiệm vụ quốc phòng - an ninh trong tình hình mới.

Thông qua đó, góp phần củng cố “thế trận lòng dân”, nâng cao năng lực tổ chức thực hiện của đội ngũ cán bộ các cấp về kết hợp phát triển KT-XH với tăng cường quốc phòng - an ninh, bảo vệ Tổ quốc; đồng thời, nâng cao nhận thức về tinh thần yêu nước, sức mạnh khối đại đoàn kết, truyền thống dựng nước, giữ nước của dân tộc.

Xuân đang về trên khắp nẻo quê hương, nhân dịp này, ông có chia sẻ gì cùng bạn đọc và TH&CL?

Nhân dịp chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Kỷ Hợi năm 2019, thay mặt lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn, xin kính chúc bạn đọc cả nước  và tập thể lãnh đạo, phóng viên Báo TH&CL một năm mới dồi dào sức khoẻ, hạnh phúc, thành công.

Tỉnh Lạng Sơn mong muốn trong thời gian tới, tiếp tục nhận được sự quan tâm, đồng hành, hỗ trợ tỉnh trong việc tuyên truyền về về phát triển kinh tế - xã hội, nhất là tuyên truyền về công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, tuyên truyền về hoạt động xuất nhập khẩu qua địa bàn tỉnh của Quý báo.

Trân trọng cảm ơn Phó chủ tịch!

Nguyễn Kiên (Thực hiện)