Dự lễ ra quân có: Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn, Hồ Tiến Thiệu; Chủ tịch HĐND tỉnh Lạng Sơn, Đoàn Thị Hậu; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn, Dương Xuân Huyên; đại diện lãnh đạo Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam, Tổng Công ty Cổ phần Bưu chính Viettel; đại diện lãnh đạo các sở ngành và lãnh đạo một số huyện trên địa bàn tỉnh.
Theo dự thảo Nghị quyết của Ban thường vụ Tỉnh ủy Lạng Sơn về chuyển đổi số tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Lạng Sơn sẽ phấn đấu đến năm 2025 nằm trong nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu quốc gia về chuyển đổi số.
Về phát triển kinh tế số, tỉnh Lạng Sơn đặt mục tiêu đến năm 2025 tỷ lệ hộ gia đình, người dân có cửa hàng số cho người mua và người bán giao dịch trên nền tảng thương mại điện tử đạt trên 50%. Mục tiêu trong năm 2021, 50% hộ gia đình, tương đương với khoảng 100.000 hộ gia đình trên địa bàn tỉnh có cửa hàng số và tài khoản thanh toán điện tử.
Theo kế hoạch, giai đoạn 1 (sẽ triển khai từ ngày 20/7 đến 20/9/2021), tỉnh tập trung phát triển kinh tế số trên địa bàn 5 huyện gồm Chi Lăng, Hữu Lũng, Tràng Định, Bắc Sơn và Văn Quan. Giai đoạn 2 (diễn ra từ ngày 20/9 đến ngày 20/12/2021), tiếp tục phát triển kinh tế số trên địa bàn các huyện, thành phố còn lại.
Trước mắt, người dân có nông sản như Na Chi Lăng tham gia chỉ cần mở cửa hàng, chụp ảnh quả Na, giá bán, địa chỉ hộ gia đình, tài khoản ngân hàng giao dịch trên 2 sàn thương mại điện tử là Vỏ Sò của ViettelPost (địa chỉ voso.vn) và Postmart của Vietnam Post (địa chỉ postmart.vn) và cam kết bán hàng đúng giá, đúng chất lượng thì sẽ có hàng triệu lượt khách hàng trên cả nước xem hàng và sẽ có đơn đặt hàng.
Toàn bộ khâu vận chuyển, giao đến tay người tiêu dùng sẽ do nhân viên của 2 doanh nghiệp trên đảm nhiệm. Các bước đăng bán hàng, nhận tiền hàng đều được thực hiện dễ dàng trên điện thoại thông minh có cài đặt ứng dụng của Viettel và Bưu điện Việt Nam.
Theo Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Lạng Sơn, trước khi triển khai trên diện rộng, UBND tỉnh Lạng Sơn đã giao Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì triển khai thử nghiệm 2 tuần (từ ngày 18/6/2021 đến 2/7/2021) tại xã Chi Lăng và thị trấn Chi Lăng, huyện Chi Lăng.
Theo đó, Viettel Post đã hỗ trợ 395 hộ gia đình tại xã Chi Lăng mở cửa hàng số trên sàn Vỏ Sò, đạt 31,6% tổng số hộ gia đình của xã này. Với Vietnam Post, doanh nghiệp này đã giúp cho 667 hộ gia đình ở thị trấn Chi Lăng có cửa hàng số trên sàn Postmart, đạt 43% tổng số hộ gia đình trên địa bàn. Số lượng hộ gia đình được Viettel Post và Vietnam Post hướng dẫn mở tài khoản thanh toán điện tử lần lượt là 187 và 114 hộ.
Trong thời gian triển khai thử nghiệm phát triển kinh tế số tại xã Chi Lăng và thị trấn Chi Lăng, đã có 1.062 hộ gia đình mở cửa hàng số để tự bán các sản phẩm nông sản. Trong đó, có 301 hộ gia đình đã mở tài khoản thanh toán điện tử. Thông qua cửa hàng số, người dân Lạng Sơn đã có thể mua và bán sản phẩm trên không gian mạng.
Thông qua triển khai thử nghiệm, các hộ dân cơ bản đã được nâng cao nhận thức, thay đổi tư duy về quy trình tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa. Đây là một trong những địa phương tiên phong ứng dụng công nghệ số trong tiêu thụ sản phẩm nông sản, chuyển đổi việc mua bán trên nền tảng công nghệ số.
Hơn 1.000 hộ gia đình có cửa hàng số ở xã Chi Lăng và thị trấn Chi Lăng đều đã nhận biết được lợi ích của việc đưa sản phẩm lên cửa hàng số. Mặc dù chưa phải vào vụ thu hoạch các sản phẩm nông sản chủ lực của địa phương song nhiều hộ đã có những đơn hàng đầu tiên. Qua các sàn Vỏ Sò, Postmart, hiện người tiêu dùng cả nước đã có thể đặt mua nhiều loại nông sản, đặc sản của Lạng Sơn như na, thạch đen, hoa hồi...
Phát biểu tại Lễ ra quân, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn, Hồ Tiến Thiệu khẳng định, chuyển đổi số, phát triển kinh tế số là xu thế toàn cầu, là quá trình không thể đảo ngược, giúp tăng năng suất lao động, tăng trưởng kinh tế. Kinh tế số cũng giúp tăng trưởng bền vững, tăng trưởng bao trùm, vì sử dụng công nghệ, tri thức hơn là tài nguyên, chi phí tham gia kinh tế số thấp hơn nên tạo ra nhiều cơ hội cho người dân hơn.
Công nghệ số là không biên giới nên sẽ làm giảm khoảng cách giữa nông thôn và thành thị. Tỉnh Lạng Sơn xác định và lựa chọn phương án phát triển kinh tế số từ việc nhỏ nhất nhưng có tính bao trùm, đại diện, phổ quát nhất để có những kinh nghiệm quý, bài học hay trong quá trình chuyển đổi số tổng thể và toàn diện.
Để việc triển khai thực hiện đạt kết quả, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn đề nghị, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quan tâm chỉ đạo, giúp đỡ tỉnh Lạng Sơn trong quá trình triển khai phát triển kinh tế số; kịp thời tham mưu cho Chính phủ ban hành cơ chế chính sách để phát triển kinh tế số ở các địa phương miền núi, biên giới, nhất là các tỉnh có cửa khẩu.
Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ các cơ quan quản lý của tỉnh trong từng lĩnh vực; bố trí các đầu mối hỗ trợ kịp thời cho địa phương trong quá trình giải quyết khó khăn, vướng mắc.
Các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh cần nâng cao nhận thức và quyết tâm thực hiện quá trình chuyển đổi số, phát triển kinh tế số; bố trí các nguồn lực để thực hiện đồng bộ, toàn diện, có hiệu quả; trước mắt là tạo mọi điều kiện để phục vụ người dân và doanh nghiệp trên địa bàn 5 huyện phát triển kinh tế số một cách thuận lợi nhất, ổn định nhất trong thời gian nhanh nhất.
Khẩn trương nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ công nghệ số để áp dụng vào thực tiễn, nhất là lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, phục vụ hiệu quả cho tái cơ cấu nông nghiệp, nông thôn.
Quan tâm sâu sát đến việc bồi dưỡng, nâng cao nhận thức, khả năng tương tác của người dân đối với phát triển kinh tế số, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn của người dân, doanh nghiệp.
Chủ tịch Hồ Tiến Thiệu cũng đề nghị Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam, Tổng Công ty Cổ phần Bưu chính Viettel, Viettel Lạng Sơn, Bưu điện tỉnh Lạng Sơn phối hợp chặt chẽ với Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh, UBND các huyện, thành phố và các cơ quan liên quan, bố trí tối đa lực lượng đến địa bàn triển khai phát triển kinh tế số, tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ các hộ gia đình tạo cửa hàng số và tài khoản thanh toán điện tử; hướng dẫn các hộ gia đình mua và bán sản phẩm trên cửa hàng số.
Với tinh thần người dân và doanh nghiệp là nhân tố tiên phong, là trung tâm trong phát triển kinh tế số, tỉnh Lạng Sơn quyết tâm thực hiện thắng lợi chương trình phát triển kinh tế số năm 2021 để trở thành động lực cho quá trình chuyển đổi số tổng thể và toàn diện trên địa bàn tỉnh trong thời gian tiếp theo.
Đặng Sinh