Đồng chủ trì hội thảo có các đồng chí: Phó trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương Lại Xuân Môn, Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương; Bí thư Tỉnh ủy Lạng Sơn Nguyễn Quốc Đoàn; Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương Vũ Văn Phúc, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lạng Sơn Hoàng Văn Nghiệm, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn.
Dự hội thảo về phía Trung ương có các đồng chí: Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương Phạm Tất Thắng; nguyên Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam Vũ Văn Hiền, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; đại diện lãnh đạo các ban, cơ quan Đảng Trung ương. Hội thảo còn có sự tham gia của thường trực và lãnh đạo một số ban đảng các tỉnh, thành uỷ trực thuộc Trung ương; các chuyên gia, nhà khoa học.
Phát biểu chào mừng tại hội thảo, Bí thư Tỉnh ủy Lạng Sơn Nguyễn Quốc Đoàn thông tin: Trong những năm qua, với truyền thống lịch sử vẻ vang, tinh thần đoàn kết, luôn chung sức, đồng lòng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Lạng Sơn đã vượt qua nhiều thử thách, giành được những thành tựu quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực. Để đạt được những thành tựu nêu trên là nhờ có sự đóng góp rất quan trọng trong công tác tham mưu của các cơ quan đảng ở tỉnh Lạng Sơn.
Bí thư Tỉnh ủy Lạng Sơn Nguyễn Quốc Đoàn nhấn mạnh: Hội thảo là dịp để chúng ta nhìn nhận, đánh giá toàn diện, rút ra những kinh nghiệm và bài học để công tác tham mưu của các cơ quan Đảng ở Trung ương và các tỉnh, thành uỷ ngày càng hiệu quả, thiết thực, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra. Qua đó, tỉnh Lạng Sơn mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện hơn nữa của các ban, bộ, ngành Trung ương; các tỉnh, thành ủy để giúp xây dựng và phát triển tỉnh Lạng Sơn nhanh và bền vững.
Ban tổ chức Hội thảo đã nhận được 23 bài tham luận của các nhà khoa học, lãnh đạo các ban, cơ quan Đảng ở Trung ương và địa phương. Tại hội thảo, các đại biểu đã nghe 10 bài tham luận, ý kiến về một số vấn đề như: tổng quan về công tác tham mưu của các ban, cơ quan Đảng ở Trung ương và ở các tỉnh, thành ủy trực thuộc Trung ương; xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác tham mưu; tiêu chí đánh giá chất lượng, hiệu quả công tác tham mưu của các cơ quan Đảng ở Trung ương và ở các tỉnh, thành ủy trực thuộc Trung ương. Các bài tham luận, ý kiến đều thể hiện tâm huyết, tinh thần trách nhiệm và có chất lượng khoa học cao.
Cùng với các bài tham luận, các ý kiến phát biểu tại Hội thảo đã tập trung phân tích, làm rõ được các vấn đề chủ yếu như: làm rõ một số vấn đề lý luận chung và khẳng định vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của công tác tham mưu, góp phần quan trọng vào những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử qua 40 năm đổi mới, thông qua việc tham mưu giúp cho Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các tỉnh ủy, thành ủy ban hành và tổ chức thực hiện đường lối, chủ trương, quyết sách đổi mới; đồng thời góp phần giữ vững, nâng cao vai trò lãnh đạo, cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng. Các tham luận, ý kiến đi sâu đánh giá thực trạng và đúc kết những bài học kinh nghiệm quý về công tác tham mưu qua 40 năm đổi mới.
Về những thành tựu đạt được, các ban, cơ quan Đảng ở Trung ương và ở các tỉnh/thành ủy trực thuộc Trung ương đã nỗ lực phấn đấu thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ tham mưu, đóng góp thiết thực vào thành tựu chung của công cuộc đổi mới như đã cung cấp cơ sở lý luận, thực tiễn, góp phần hình thành, từng bước hoàn thiện, hiện thực hóa đường lối đổi mới của Đảng; góp phần đổi mới tư duy lý luận, hình thành cơ bản lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam; góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng, Cương lĩnh, đường lối đổi mới của Đảng. Đồng thời đã tham mưu hoạch định, tổ chức thực hiện đường lối, chủ trương, quan điểm, định hướng lớn của Đảng trên các lĩnh vực cơ bản trong công cuộc đổi mới.
Về hạn chế, công tác tham mưu của các ban, cơ quan Đảng ở Trung ương và ở các tỉnh, thành ủy trực thuộc Trung ương vẫn còn bất cập so với tiềm năng, so với yêu cầu ngày càng cao của công cuộc đổi mới trong bối cảnh tình hình quốc tế, khu vực ngày càng phức tạp, tình hình đất nước còn nhiều khó khăn. Các tổ chức tham mưu, tư vấn còn phân tán, thiếu sự liên kết, phối hợp đồng bộ, thống nhất. Nguồn lực phục vụ công tác tham mưu, nhất là nguồn lực con người và cơ sở vật chất, công nghệ còn bất cập. Phương thức tham mưu còn hạn chế, nhất là phương thức cập nhật, liên kết thông tin. Nội dung tham mưu còn những mặt chưa đáp ứng được yêu cầu...
Hội thảo đã đề xuất được một số định hướng quan điểm và giải pháp nhằm tiếp tục đổi mới công tác tham mưu thời gian tới.
Phát biểu kết luận hội thảo, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương Lại Xuân Môn, Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương đánh giá cao các bài tham luận và ý kiến phát biểu tại hội thảo đã tập trung làm rõ được nhiều vấn đề lý luận, thực tiễn về công tác tham mưu của các cơ quan Đảng ở Trung ương và ở các tỉnh, thành uỷ trực thuộc Trung ương qua 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới. Trong đó, đã làm rõ và khẳng định vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của công tác tham mưu, góp phần quan trọng vào những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử qua 40 năm đổi mới. Thông qua việc tham mưu giúp Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các tỉnh ủy, thành ủy ban hành và tổ chức thực hiện đường lối, chủ trương, quyết sách đổi mới; góp phần giữ vững, nâng cao vai trò lãnh đạo, cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng.
Đồng chí nhấn mạnh nội dung của các bài tham luận và ý kiến phát biểu trong hội thảo sẽ tiếp tục được nghiên cứu, chắt lọc để phục vụ đổi mới công tác tham mưu của các ban, cơ quan Đảng ở Trung ương và ở các tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương thời gian tới.
Triệu Thành