Tập đoàn Adani là một trong những Tập đoàn lớn nhất của Ấn Độ, có trụ sở chính tại Ahmedabad, bang Gujarat, Ấn Độ. Tập đoàn Adani hoạt động trong các lĩnh vực, bao gồm: Đầu tư cơ sở hạ tầng, giao thông, năng lượng... Trong đó : APSEZ là công ty con của Tập đoàn Adani, được thành lập vào năm 1998, hoạt động chính trong lĩnh vực đầu tư xây dựng vận hành cảng. Doanh thu năm tài chính 2023 đạt 2,7 tỷ USD, lợi nhuận đạt 650 triệu USD.
APL được thành lập năm 2006, hoạt động trong lĩnh vực năng lượng. Tổng công suất đã hoạt động đạt 15.250 MW và đang xây dựng khoảng 1.600 MW. Doanh thu năm tài chính 2024 đạt 7,1 tỷ USD với lợi nhuận đạt 2,4 tỷ USD.
Hiện APSEZ đang triển khai hoạt động đầu tư tại cảng Liên Chiểu, Đà Nẵng. Tổng vốn đầu tư dự kiến đạt 2 tỷ USD.
APL mong muốn được triển khai hoạt động đầu tư năng lượng tại Bình Thuận (dự án Nhiệt điện Vĩnh Tân 3). Tổng vốn đầu tư dự kiến đạt 2,8 tỷ USD.
Tại cuộc làm việc, Thủ tướng đã nghe Chủ tịch Tập đoàn Adani giới thiệu về Tập đoàn và trao đổi về các dự án đầu tư của Adani tại Việt Nam và tiềm năng, cơ hội hợp tác trong tương lai nhất là dự án Cảng Liên Chiểu Đà Nẵng, Cảng Hàng không Chu Lai, Nhà máy điện Vĩnh Tân 3... Adani mong muốn phía Việt Nam tạo điều kiện, tháo gỡ những khó khăn về thủ tục pháp lý những dự án này.
Thủ tướng Phạm Minh Chính hoan nghênh kết quả hoạt động kinh doanh và tầm nhìn của Tập đoàn Adani trong thời gian qua. Đánh giá cao sự hợp tác, đầu tư của Tập đoàn tại Việt Nam và mong muốn phát triển, mở rộng trong thời gian tới.
Thủ tướng khẳng định, Việt Nam hoan nghênh tập đoàn đầu tư vào các lĩnh vực Việt Nam ưu tiên, là hạ tầng năng lượng, giao thông, logictic. Thủ tướng đề nghị lãnh đạo Tập đoàn đã bàn là phải làm và phải bàn cụ thể công việc để rõ người, rõ việc, rõ sản phẩm, rõ trách nhiệm và đã cam kết là phải thực hiện, để thúc đẩy các dự án.
Đối với dự án cảng Liên Chiểu Thủ tướng đề nghị Tập đoàn phối hợp với UBND TP. Đà Nẵng, Bộ Giao thông Vận tải và các cơ quan, địa phương liên quan để trao đổi, xử lý những tồn tại giữa các bên.
Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với ông P. Ramesh Babu, Chủ tịch Tập đoàn SMS Pharmaceuticals và một số thành viên cấp cao của Tập đoàn.
Tại buổi tiếp, ông P. Ramesh Babu, Chủ tịch Tập đoàn SMS Pharmaceuticals đã giới thiệu về Tập đoàn SMS Pharmaceuticals. Ông cho biết, Tập đoàn được thành lập năm 1990 là một trong những doanh nghiệp sản xuất dược phẩm lớn nhất Ấn Độ. Hiện Tập đoàn có 4 cơ sở sản xuất và 02 trung tâm nghiên cứu với 1.000 nhân viên. Công ty Sri Avantika là doanh nghiệp được thành lập từ năm 1992, hoạt động đa lĩnh vực: Khai khoáng, dược phẩm, cơ sở hạ tầng, thương mại…
Tập đoàn SMS Pharmaceuticals và Sri Avantika Contractors đã thành lập liên doanh với công ty Việt Nam để phát triển Khu Công nghiệp Dược phẩm tại khu Kinh tế Nghi Sơn với vốn đầu tư giai đoạn 1 đạt khoảng 62,3 triệu USD. Dự án được kỳ vọng sẽ xây dựng khu công nghiệp dược phẩm ứng dụng công nghệ cao đầu tiên tại Việt Nam, qua đó đóng góp vào phát triển kinh tế, xã hội, công ăn việc làm… cho tỉnh Thanh Hóa nói chung và cho Việt Nam nói riêng.
Ông P. Ramesh Babu mong muốn Chính phủ Việt Nam quan tâm, tạo điều kiện để phê duyệt và phát triển Dự án mà tập đoàn đang triển khai tại Nghi Sơn, Thanh Hóa.
Thủ tướng đánh giá cao hoạt động kinh doanh hiệu quả của Tập đoàn SMS Pharmaceuticals và Sri Avantika Contractors trong lĩnh vực dược phẩm sinh học tại Ấn Độ và những đóng góp của Tập đoàn trong việc sản xuất thuốc điều trị ung thư.
Thủ tướng cũng hoan nghênh những kết quả đã đạt được cũng như dự định hợp tác, đầu tư, hỗ trợ, chuyển giao công nghệ của Tập đoàn với Việt Nam trong thời gian tới.
Thủ tướng nhấn mạnh, việc tập đoàn cam kết đầu tư 4-5 tỷ USD trong 10-12 năm và lựa chọn Nghi Sơn là sự lựa chọn thông minh, nhưng phải làm và làm là phải ra sản phẩm, ra sản phẩm phải tiêu thụ được, tiêu thụ được phải có hiệu qủa và lợi nhuận, lợi nhuận càng nhiều càng tốt. Tinh thần là đã nói thì phải làm.
Thủ tướng cho biết Việt Nam có thị trường tiêu thụ, hiện nay 33% dược phẩm của Việt Nam đang nhập của Ấn Độ, dân số Việt Nam đông và cần công nghệ sản xuất thuốc. Thủ tướng cũng hoan nghênh cam kết chuyển giao công nghệ, tạo ra công ăn việc làm, xây dựng công viên dược.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp ông Dharmesh Shah, Chủ tịch sáng lập Tập đoàn dược phẩm BDR.
Tập đoàn BDR được thành lập năm 2002, là nhà sản xuất sản phẩm điều trị ung thư lớn nhất tại Ấn Độ với 80% thị phần trong nước. BDR sở hữu chuỗi cung ứng khép kín, từ sản xuất nguyên liệu đầu vào đến thành phẩm, với 9 nhà máy tại Ấn Độ và 1 nhà máy tại Algeria. Năm 2023, BDR có 3.200 nhân viên, doanh thu đạt 250 triệu USD và lợi nhuận đạt 90 triệu USD.
Tập đoàn thành lập văn phòng đại diện tại Việt Nam từ năm 2022; hiện đang cung cấp nguyên liêu dược phẩm đầu vào bào chế thuốc điều trị ung thư cho một số nhà máy tại Việt Nam và chuẩn bị được phê chuẩn cấp phép phân phối các loại thuốc điều trị một số loại bệnh ung thư.
Lãnh đạo tập đoàn cho biết mong muốn trở thành nhà đầu tư chiến lược, lâu dài về dược phẩm tại Việt Nam, đang nghiên cứu lựa chọn địa điểm để đầu tư, sản xuất các loại thuốc quan trọng, thế hệ mới và chuyển giao công nghệ, nhất là trong điều trị ung thư, AIDS…, cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu.
Tại cuộc tiếp, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao hoạt động kinh doanh hiệu quả của các tập đoàn trong lĩnh vực dược phẩm tại Ấn Độ, những đóng góp trong việc sản xuất các loại thuốc điều trị các bệnh nan y.
Thủ tướng hoan nghênh những kết quả đã đạt được cũng như dự định hợp tác, đầu tư của các tập đoàn với Việt Nam trong thời gian tới, nhất là trong lĩnh vực điều trị ung thư; đánh giá việc đầu tư vào Việt Nam là lựa chọn thông minh, góp phần hình thành hệ sinh thái phát triển ngành công nghiệp dược phẩm, chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân lực chất lượng cao.
PV/VOV.vn