Sau khi đăng tải bài viết Cửa hàng Mẹ và bé Bảo Bình Shop: Bán sản phẩm không tem nhãn phụ, mập mờ về nguồn gốc? Toàn soạn Thương hiệu & Công luận đã nhận được sự quan tâm rất lớn cũng như phản hồi từ phía người tiêu dùng. 

Tuy nhiên, dù đã bị lực lượng chức năng tỉnh Lào Cai xử phạt, thời gian gần đây, cơ sở này lại tiếp tục có dấu hiệu vi phạm pháp luật khi bày bán công khai những mặt hàng có nguồn gốc nước ngoài mà không có tem nhãn phụ tiếng Việt, không rõ nguồn gốc xuất xứ. 

Để có cái nhìn khách quan, PV Thương hiệu & Công luận lại một lần nữa vào cuộc xác minh.

Những mặt hàng nhiều số 0

Cơ sở kinh doanh có tên Bảo Bình Shop (địa chỉ tại số 10 Chu Văn An, phường Kim Tân, TP. Lào Cai) bày bán nhiều mặt hàng đa dạng về chủng loại, mẫu mã từ các loại sữa đến thực phẩm chức năng như: Sữa tăng miễn dịch, sữa dành cho mẹ và bé, cho phụ nữ có thai, sản phẩm cung cấp dưỡng chất cần thiết trước, trong và sau khi sinh của phụ nữ, sản phẩm lợi sữa, sản phẩm hỗ trợ dinh dưỡng cho sự phát triển toàn diện của trẻ như ngũ cốc, bánh, kẹo... và cả đồ chơi, quần áo cho trẻ… 

Ở đây bày bán đa dạng về chủng loại, mẫu mã cho các đối tượng từ trẻ sơ sinh đến phụ nữ có thai
Ở đây bày bán đa dạng về chủng loại, mẫu mã cho các đối tượng từ trẻ sơ sinh đến phụ nữ có thai.

Hầu hết, các sản phẩm đều được nhân viên bán hàng giới thiệu có xuất xứ từ nhiều nước như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Úc, Pháp… Tuy nhiên, trên bao bì những sản phẩm này không có nhãn phụ tiếng Việt để người mua hàng kiểm tra nguồn gốc xuất xứ, thành phần và cách sử dụng.

Người tiêu dùng rơi vào
Người tiêu dùng rơi vào "ma trận" thông tin bởi trên sản phẩm không hề có tem phụ tiếng Việt.

Trong vai khách hàng quan tâm đến thực phẩm dinh dưỡng, Pv được nhân viên cửa hàng giới thiệu sản phẩm kẹo gum bổ sung vitamin cho bé biếng ăn với giá 215.000 đồng. Nhân viên bán hàng tại đây sẵn sàng làm thay luôn nhiệm vụ của bác sĩ dinh dưỡng là tư vấn và hướng dẫn sử dụng: “Bé được mấy tuổi? Từ 2 đến 3 tuổi thì mỗi ngày ăn 1 viên, còn từ 4 tuổi trở lên thì mỗi ngày ăn hai viên”…

Tìm
Tìm "đỏ mắt" cũng không thấy thông tin về ngày sản xuất, hạn sử dụng, hướng dẫn sử dụng bằng tiếng Việt.

Khi PV thắc mắc tại sao không có thông tin tiếng Việt để người tiêu dùng kiểm tra nguồn gốc cũng như cách sử dụng thì nhân viên này chỉ vào dòng chữ nước ngoài in trên hộp nói: “Hướng dẫn sử dụng đây, là hàng xách tay nên không có tiếng Việt”.

Quần áo và đồ chơi trẻ em cũng không ngoại lệ, hàng loạt sản phẩm tại đây như búp bê, xe điều khiển, máy bay, lego… không gắn tem CR cũng được bày bán công khai. Thậm chí, trên nhiều sản phẩm chỉ ghi những dòng chữ tượng hình gần giống chữ Trung Quốc, Thái Lan... Mọi thông tin về nguồn gốc xuất xứ, hướng dẫn sử dụng hay cảnh báo đều không có trên sản phẩm. Tất cả thông tin người tiêu dùng nhận được chỉ là giá của bộ đồ chơi.

Hàng loạt đồ chơi trẻ em không có tem nhãn phụ Tiếng Việt và dấu hợp quy CR được bày bán công khai.
Hàng loạt đồ chơi trẻ em không có tem nhãn phụ Tiếng Việt và dấu hợp quy CR được bày bán công khai..

Các mặt hàng tại đây được bày bán công khai, trang trọng và rất nhiều mặt hàng chỉ có nhãn gốc in “chi chít” chữ nước ngoài, người tiêu dùng tìm “đỏ mắt” cũng không thấy tem nhãn phụ hay thông tin về nhà sản xuất, nhà nhập khẩu. Điều khiến người tiêu dùng quan ngại nhất là các mặt hàng ở đây chủ yếu phục vụ đối tượng bà bầu và trẻ em - đối tượng cần được bảo vệ nhất.

Ngoài việc bán hàng trực tiếp tại cửa hàng, Bảo Bình Shop còn tích cực bán các sản phẩm “xách tay” này trên mạng xã hội.

Phòng tuyến” nào bảo vệ người tiêu dùng?

Năm 2020, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Theo đó, hành vi kinh doanh hàng xách tay như mỹ phẩm, thuốc... không có hóa đơn, chứng từ, không làm thủ tục hải quan…(hàng nhập lậu) có giá trị trên 100 triệu đồng, thì mức phạt với tổ chức vi phạm lên đến 200 triệu đồng.

Liệu rằng những sản phẩm đang được bày bán tại Shop Bảo Bình có thực sự an toàn khi không rõ nguồn gốc xuất xứ cũng như thành phần? Với mặt hàng dược phẩm,thực phẩm chức năng, cơ quan chức năng nào cấp phép và cửa hàng này có thực hiện đúng nghĩa vụ nộp thuế cho cơ quan chức năng không?

Trước đó, cuối năm 2021, Sau khi nhận được thông tin phản ánh từ bài viết về hoạt động kinh doanh của Bảo Bình Shop, Đội QLTT số 1 - Cục QLTT tỉnh Lào Cai đã tiến hành kiểm tra cơ sở này. Qua kiểm tra phát hiện phát hiện nhiều sản phẩm gồm đồ chơi trẻ em, sữa và thực phẩm chức năng do nước ngoài sản xuất. Hầu hết các mặt hàng không có tem mác, không có hoá đơn chứng từ, có dấu hiệu nhập lậu.

Lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra tại cửa hàng Bảo Bình Shop hồi cuối năm 2021
Lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra tại cửa hàng Bảo Bình Shop hồi cuối năm 2021.

Lực lượng chức năng đã xử phạt vi phạm hành chính 08 triệu đồng và tịch thu số hàng không rõ nguồn gốc để xử lý theo quy định, trị giá lô hàng trên 11 triệu đồng.
Tuy nhiên, có thể thấy việc xử phạt trên chưa đủ sức nặng khiến chủ đơn vị này tiếp tục "đánh đổi" sức khỏe, niềm tin của người tiêu dùng với lợi nhuận từ việc kinh doanh hàng hóa vi phạm như trên.

Hành vi bán hàng công khai tự giới thiệu là “hàng xách tay” tại cơ sở kinh doanh Bảo Bình Shop có đang vi phạm các quy định của pháp luật, Nhà nước về hàng hóa? Ai sẽ là người chịu trách nhiệm về chất lượng của những sản phẩm này? Và tại sao cơ sở này có thể công khai bày bán nhiều sản phẩm là hàng không tem nhãn mác, hàng không nhãn phụ tiếng Việt trong thời gian dài? 

Một lần nữa đề nghị Cục Quản lý thị trường Lào Cai, Ban chỉ đạo 389 tỉnh Lào Cai, cơ quan thuế tỉnh Lào Cai, các cơ quan ban ngành chức năng liên quan xác minh làm rõ để có biện pháp xử lý, nhằm đảm bảo quyền và lợi chính đáng của người tiêu dùng.

Thương hiệu & Công luận sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.

Nghị định số 43/2017/NĐ-CP và Nghị định số 98/2020/NĐ-CP quy định về thông tin in trên nhãn phụ và quy định về tem nhãn hàng hóa nhập khẩu, quy định về xử phạt hành vi vi phạm trong buôn bán hàng hóa nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc, hàng trôi nổi, hàng có dấu hiệu làm nhái, làm giả có thể phạt tiền đến 200 triệu đồng tùy vào mức độ vi phạm đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh.

Nguyễn Mạnh