Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa phát biểu tại hội thảo
Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa cho biết, đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (HCNN) nhằm đánh giá khách quan chất lượng cung ứng dịch vụ hành chính công của các cơ quan HCNN. Qua đó, các cơ quan HCNN nắm bắt được yêu cầu, mong muốn của người dân, tổ chức để có những biện pháp cải thiện chất lượng phục vụ và cung ứng dịch của mình nhằm nâng cao sự hài lòng và lợi ích của người dân, tổ chức.
Để bảo đảm sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan HCNN đạt mức trên 80% vào năm 2020, theo Nghị quyết 30c/NQ-CP của Chính phủ, Bộ Nội vụ được Chính phủ giao xây dựng và thực hiện Đề án Đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan HCNN, giai đoạn 2017 - 2020.
Thứ trưởng Nguyễn Trọng Thừa đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận về một số nội dung, như: Bố cục của dự thảo đề án, dự thảo quyết định của Bộ trưởng Bộ Nội vụ phê duyệt đề án; về mục tiêu, yêu cầu, phạm vi, đối tượng, tiêu chí đo lường; về đối tượng điều tra, chọn mẫu điều tra, nội dung phiếu điều tra, phương thức điều tra. Đồng thời, xem xét, điều chỉnh các tiêu chí trùng lặp giữa các chỉ số PAPI, PCI, PAR index.
Báo cáo tóm tắt dự thảo đề án, ông Phạm Minh Hùng - Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính (Bộ Nội vụ) cho biết: Việc đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan HCNN ở quy mô quốc gia được triển khai lần đầu tiên năm 2015 với 6 thủ tục hành chính (TTHC) được chọn để triển khai thực hiện.
Tính đến hết tháng 12/2016, đã có 4 bộ, ngành và 32 địa phương chủ động triển khai và công bố kết quả. Kết quả đo lường năm 2015, đã phản ánh thực trạng và chất lượng giải quyết TTHC của các cơ quan HCNN, cũng như cho thấy sự mong đợi của người dân, tổ chức đối với việc giải quyết TTHC.
Tuy nhiên, phạm vi, phương pháp, đối tượng điều tra, tiêu chí đo lường, việc tổng hợp và phân tích dữ liệu… rất đa dạng và khác nhau dẫn đến kết quả đo lường khác nhau, chưa thể hiện được tính thống nhất, thông suốt của nền hành chính.
Do đó, Bộ Nội vụ được Chính phủ giao xây dựng Đề án Đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan HCNN, giai đoạn 2017 - 2020 nhằm khắc phục những hạn chế trên, đảm bảo được tính thống nhất, thông suốt trong đánh giá, đo lường.
Phát biểu thảo luận, các đại biểu đánh giá rất cao sự cần thiết xây dựng đề án, đồng thời đề nghị Bộ Nội vụ sớm hoàn thiện và ban hành để có cơ sở triển khai thực hiện, đảm bảo tính thống nhất trong việc đo lường trên phạm vi toàn quốc.
Đại diện Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) đề nghị cần làm rõ nội dung đối tượng điều tra và đối tượng được điều tra. Đề nghị có một cơ quan độc lập trong việc đánh giá, không nên để các cơ quan HCNN tự đánh giá sẽ dẫn đến kết quả không trung thực, khách quan.
Đối với phần mềm tổng hợp và phân tích dữ liệu điều tra, không nên quy định cứng là phần mềm SPSS mà để các cơ quan chủ động trong việc sử dụng phần mềm, miễn là cho kết quả chính xác, khách quan. Đồng thời, trong đề án cần quy định thời gian cụ thể để công bố kết quả, đảm bảo tính thống nhất trên toàn quốc.
Đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề nghị: Cần công khai rộng rãi và kịp thời kết quả đo lường để củng cố niềm tin của người dân và tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan HCNN. Đề nghị đánh giá thêm kinh nghiệm quốc tế, kể cả những kinh nghiệm thất bại và những bài học rút ra cho Việt Nam.
Trong điều kiện hiện nay, việc kiểm tra, khảo sát, đo lường của các cơ quan HCNN sẽ đem lại nhiều lợi ích cho người dân, tổ chức. Tuy nhiên, các cơ quan HCNN sẽ bị nhiều áp lực về xây dựng báo cáo, hạn hẹp về thời gian, hao tổn về kinh phí và nhân lực thực hiện, do đó cần cân nhắc phạm vi, đối tượng, kinh phí và thời gian thực hiện việc đo lường.
Đại diện Sở Nội vụ tỉnh Vĩnh Phúc cho rằng, nếu thực hiện đo lường tất cả các TTHC, sẽ gây khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện, khó đảm bảo được nguồn lực và kinh phí điều tra. Về nội dung phiếu điều tra xã hội học cần thiết kế ngắn gọn, súc tích, các tiêu chí rõ ràng với một cách hiểu duy nhất. Trong mỗi tiêu chí, cần bổ sung kiến nghị của người dân, tổ chức để nâng cao chất lượng giải quyết TTHC.
Đại diện Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) đề nghị điều chỉnh tên đề án thành “Đề án Khảo sát sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan HCNN, giai đoạn 2017 - 2020”. Về mục tiêu chung của đề án, cần rút gọn thành “nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ hành chính công, giai đoạn 2017 -2020”. Về thời gian thực hiện, cần điều chỉnh cho phù hợp, nếu trong dự thảo quy định thực hiện trong quý IV, sẽ khó khăn hơn vì các cơ quan hành chính cuối năm sẽ rất nhiều việc cần phải hoàn thành…
Cuối cùng, Thứ trưởng Nguyễn Trọng Thừa trân trọng cám ơn và đánh giá cao các đại biểu đã sôi nổi, thẳng thắn góp ý nội dung các dự thảo, đồng thời ghi nhận những ý kiến đề xuất của các đại biểu.
Thứ trưởng Nguyễn Trọng Thừa đề nghị Ban soạn thảo tiếp thu đầy đủ các ý kiến góp ý, chỉnh sửa, bổ sung, sớm hoàn thiện các dự thảo để trình Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành trong tháng 10/2017.
Thanh Bình