Tinh giản biên chế, sắp xếp lại bộ máy là một trong trong những chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước và được thực hiện trong nhiều năm qua. Dự thảo Nghị định quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh thành vừa công bố để lấy ý kiến nhân dân đã cho thấy, nỗ lực vì một bộ máy tinh gọn và hiệu quả hơn chưa bao giờ dừng lại.

Bộ Nội Vụ đề xuất sáp nhập một số sở, ngành địa phương - Hình 1

Ảnh minh họa

Theo dự thảo, một số cơ quan chuyên môn cấp tỉnh sẽ được hợp nhất như: nhập Sở Kế hoạch và Đầu tư với Sở Tài chính thành Sở Kế hoạch - Tài chính. Số lượng cấp phó, các tổ chức bên trong 2 sở cũng được sắp xếp đảm bảo tinh gọn.

Cơ cấu tổ chức của Sở này gồm: Văn phòng, Thanh tra và không quá 10 phòng chuyên môn. Hà Nội và TP HCM được lập thêm một phòng để quản lý riêng về công sản và một chi cục thay cho một phòng nghiệp vụ về tài chính doanh nghiệp.

Sở Xây dựng và Sở GTVT hiện nay ở các tỉnh sẽ được sáp nhập thành Sở Hạ tầng và Phát triển đô thị hoặc có tên gọi là Sở Giao thông, Xây dựng và Phát triển đô thị. Riêng Hà Nội và TP HCM thì Sở mới này được hợp nhất giữa Sở Xây dựng với Sở GTVT và Sở Quy hoạch - Kiến trúc.

Cơ cấu Sở Hạ tầng và Phát triển đô thị gồm: Văn phòng, Thanh tra và không quá 9 phòng chuyên môn, nghiệp vụ (trên cơ sở tổ chức lại 12 phòng hiện có của các Sở Xây dựng, Giao thông Vận tải).

Sở Hạ tầng và Phát triển đô thị có chức năng tham mưu, giúp UBND tỉnh quản lý nhà nước về quy hoạch xây dựng và kiến trúc; hoạt động đầu tư xây dựng; phát triển đô thị; chiếu sáng đô thị; cây xanh đô thị; kết cấu hạ tầng giao thông đô thị; quản lý xây dựng ngầm đô thị; nhà ở; công sở; thị trường bất động sản;...

Ngoài ra, Sở Ngoại vụ sẽ chỉ được thành lập tại các địa phương có đường biên giới trên bộ và cửa khẩu quốc tế. Những tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương không đủ tiêu chí thành lập Sở Ngoại vụ thì được thành lập Phòng Ngoại vụ thuộc Văn phòng UBND cấp tỉnh.

Ngọc Linh