Trước đó, PV đã làm việc với ông Hoàng Mạnh Khoẻ - Trưởng phòng Văn hoá huyện Lạc Thuỷ. Ông Khoẻ cũng thừa nhận nhiều bất cập đang tồn tại ở Chùa Tiên: “Nhà nước không cho phép hành nghề bói toán, mê tín dị đoan để lấy tiền của du khách, Phòng Văn hoá đã đề nghị các chủ động ký cam kết và phải nghiêm chỉnh chấp hành. Nhưng họ cứ nhìn thấy tổ công tác đi kiểm tra thì chấp hành tốt, khi không có tổ công tác ở đó là họ lại vi phạm.

Thậm chí, có điểm còn cố tình chống đối, cán bộ chuyên trách của phòng thì có hạn, không thể cứ suốt ngày ở trên đó để quản lý được. Sau khi tiếp nhận thông tin, chúng tôi sẽ cử cán bộ quản lý giám sát việc này, đồng thời sẽ truyền đạt lại ý kiến của PV lên lãnh đạo cấp trên, để tìm phương án xử lý sự việc…”.

Tuy nhiên, sau 2 tuần trở lại, ghi nhận thực tế tại các điểm động vẫn chưa có gì thay đổi. Tại động Tiên, tình trạng bắc loa kêu gọi công đức một cách thái quá, thậm chí bán nước tiên, nước thánh, bát hương, khay đựng tiền đặt vô tội vạ. Còn động giải oan, vẫn còn tình trạng kêu gọi công đức để nhà chùa đúc chuông, bán lộc thánh, hành nghề mê tín dị đoan, tìm mọi cách để “moi” tiền của du khách và những hiện tượng này còn diễn ra tại nhiều điểm động khác…

Lễ hội chùa Tiên (Hoà Bình) - bài 2: Cần một chế tài đủ mạnh - Hình 1

Cụ bà ngồi ăn xin tại lối lên động

Lễ hội chùa Tiên (Hoà Bình) - bài 2: Cần một chế tài đủ mạnh - Hình 2

Nước tiên, nước thánh được đóng trai để "câu" tiền của du khách?

Lễ hội chùa Tiên (Hoà Bình) - bài 2: Cần một chế tài đủ mạnh - Hình 3

Bắc loa kêu gọi công đức, một hình ảnh phản cảm

Lễ hội chùa Tiên (Hoà Bình) - bài 2: Cần một chế tài đủ mạnh - Hình 4

"Bán" lộc thánh trên bàn thờ tại một đểm động

Trao đổi với PV, ông Dương Văn Hào – Phó chủ tịch UBND huyện, Trưởng ban tổ chức lễ hội huyện Lạc Thuỷ cho biết: “Khi huyện đề xuất với tỉnh để thành lập Ban quản lý các khu di tích trên địa bàn huyện (BQL), huyện đã đề nghị xã bàn giao lại các điểm di tích cho BQL, để quản lý theo đúng chức năng và nhiệm vụ, khi bàn giao BQL vẫn cứ theo nếp cũ là giao khoán cho các điểm động trông coi, thu nộp tiền.

Huyện đang xây dựng đề án phát triển du lịch trên địa bàn nên rất quan tâm đầu tư và thu hút đầu tư. Những vướng mắc do lịch sử để lại, đến nay huyện đã từng bước tháo gỡ. Một trong những yếu tố đó là đầu tư tôn tạo trái với quy định của pháp luật, việc này rất nguy hiểm. Vì hồ sơ khảo tả ban đầu không phải như vậy, người dân tự ý đầu tư xây dựng lại và họ đưa bàn thờ bát hương vào, rồi lợi dụng việc đó để thần thánh hoá, cố tình thổi phồng lên, ví dụ như cái vòng, hòn đá, nước thần, nước thánh, họ đã lợi dụng tín ngưỡng tâm linh để thương mại hoá di tích.

Huyện uỷ, UBND huyện nhận thấy, những việc làm đó trái với quy định của pháp luật, trái với tự do tín ngưỡng, rồi trở thành mê tín dị đoan. Do đó, huyện đã có những văn bản chỉ đạo chấn chỉnh và từng bước sẽ bồi thường, thu hồi các di tích để quản lý theo đúng Luật Di sản.

Chủ trương thì như thế, nhưng do cơ chế quản lý cũ để lại nên còn gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, từng bước huyện sẽ phải tìm cách tháo gỡ thanh lý các hợp đồng đối với các thủ nhang, thủ từ, để tránh vi phạm vào di tích gốc, không để họ thần thánh hoá và không thương mại hoá các di tích.

Từ tháng 6/2017, huyện đã yêu cầu các thủ nhang, thủ từ phải sắp xếp lại việc thờ tự, theo hồ sơ khảo tả ban đầu, nếu họ có thêm một vài đĩa giọt dầu thì cũng chỉ ít thôi, chứ không thể chỗ nào cũng để dày đĩa để lạm dụng lấy tiền của du khách. Khi chúng tôi họp với dân, lúc đầu họ nhất trí, sau đó lại không nhất trí. Đó chính là rào cản trong công tác quản lý của chúng tôi.

Hiện nay, đang có tình trạng một số người giả mạo là nhà sư cũng cắt tóc trọc đầu, mặc áo nâu sòng lên một số điểm để phối hợp làm. Huyện đã giao cho công an kiểm tra về tư cách của họ, nếu không đúng mà họ cứ cố tình gây khó khăn cho công tác quản lý, thì chúng tôi sẽ trục xuất khỏi địa phương"…

Còn vấn đề bán nước tiên, nước thánh, ông Hào cũng đồng quan điểm với PV, nước đó được các thủ nhang, thủ từ lấy ở đâu, có đảm bảo vệ sinh không, nếu du khách chỉ vì mê tín mà bỏ tiền “mua” chai nước đó uống để lấy lộc rồi sinh bệnh, thì hậu quả sẽ như thế nào?

Việc để tình trạng đổi tiền lẻ, ăn xin ăn mày, huyện cũng ghi nhận và sẽ chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn, tổ công tác sát sao hơn nữa để chấm dứt tình trạng này.

Ông Hào khẳng định: “Tới đây, huyện sẽ quán triệt để xử lý dứt điểm, sẽ có chế tài đủ mạnh. Nếu như thủ nhang, thủ từ tại điểm nào mà ý thức chấp hành không tốt, cố tình chống đối làm những việc trái với Luật Di sản, trái với quy định của pháp luật, chúng tôi sẽ cho dừng khai thác tại điểm đó và sẽ xử lý theo quy định, chứ không thể để mãi như thế được. Mục đích của huyện là mong muốn có được môi trường du lịch - dịch vụ phải thật sự trong lành, đáp ứng được việc thăm quan vãn cảnh của người dân và du khách”.

Thanh Bình