Ông Nguyễn Nguyên Phương - Trưởng phòng Quản lý thương mại (Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh) - cho biết, 6 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp ngành thực phẩm, đồ uống của thành phố tăng 8,74% (cùng kỳ tăng 5,02%); trong đó, sản xuất, chế biến thực phẩm tăng khá (10,69%) do thị trường tiêu thụ tích cực. Chỉ số tiêu thụ của ngành này tăng 7,90%, chủ yếu ở ngành chế biến sữa và các sản phẩm từ sữa (13,47%), chế biến và bảo quản rau quả (19,27%).
Dù tăng trưởng nhưng theo đánh giá của Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh, với tác động của hội nhập kinh tế quốc tế, DN trong ngành đang chịu nhiều sức ép của hàng hóa nhập khẩu từ các nước như Thái Lan, Nhật Bản, Hoa Kỳ… Sức ép cạnh tranh lên DN sản xuất trong nước càng rõ nét hơn khi từ đầu năm 2018, 10 hiệp định thương mại tự do (FTA) tác động tới thuế suất nhập khẩu các sản phẩm hàng hóa tiêu dùng vào Việt Nam. "Tùy vào từng mặt hàng có thuế suất khác nhau, sẽ tạo sự cạnh tranh quyết liệt giữa sản xuất trong nước với hàng hóa nhập khẩu có mức giá ngày càng giảm" - ông Phạm Ngọc Hưng - Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội DN TP. Hồ Chí Minh - chia sẻ.
Ông Nguyễn Ngọc An - Tổng giám đốc Công ty Vissan - thừa nhận, 6 tháng đầu năm, dù tổng doanh thu mạng lưới đạt trên 2.000 tỷ đồng (tăng khoảng 6% so với cùng kỳ năm trước) nhưng vẫn chưa đạt so với kế hoạch đề ra. Nguyên nhân là do chi phí sản xuất tăng cao nhưng giá thành bán ra không tăng, kéo theo doanh thu và lợi nhuận của công ty giảm. Thêm vào đó, công ty phải cạnh tranh gay gắt với các sản phẩm cùng loại của DN FDI phân phối ngay tại thị trường nội địa.
Doanh nghiệp ngành thực phẩm cần chú trọng đa dạng sản phẩm, nâng cao chất lượng, mở rộng kênh phân phối
Để tăng sức cạnh tranh, theo Hội Lương thực - Thực phẩm TP. Hồ Chí Minh, các DN ngành thực phẩm và đồ uống cần định hướng tập trung đầu tư phát triển sản xuất nhiều sản phẩm đáp ứng xu hướng mới, có lợi cho sức khỏe, có nguồn gốc thiên nhiên và thân thiện với môi trường. Định hướng này dựa trên những cơ sở về lợi thế của ngành thực phẩm và đồ uống Việt Nam; cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển đã từng bước cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho DN phát triển…
Ông Nguyễn Ngọc An cho biết, hầu hết các DN ngành chế biến thực phẩm của Việt Nam đều là DN nhỏ và vừa; sản phẩm, năng suất và năng lực quản trị còn hạn chế so với các DN FDI. Trong khi đó, mức độ cạnh tranh trên thị trường thực phẩm chế biến ngày càng khốc liệt, buộc DN phải có sự liên kết để tạo chuỗi giá trị, khai thác thế mạnh lẫn nhau, nâng cao năng lực, năng suất…
Theo đánh giá của Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TP. Hồ Chí Minh, thời gian qua, Chính phủ nói chung và TP. Hồ Chí Minh nói riêng đã tổ chức nhiều hoạt động đối thoại cùng DN để minh bạch hơn chính sách hỗ trợ, quản lý. Các cơ quan chức năng đã có những chuyển động tích cực nhằm hỗ trợ DN kết nối thị trường, phát triển thương hiệu DN thực phẩm Việt. Đặc biệt, chính sách hỗ trợ vốn đầu tư cho DN sát với thực tế hơn đã tạo thuận lợi cho hàng loạt DN ngành chế biến thực phẩm mở rộng quy mô, đổi mới dây chuyền thiết bị, ứng dụng công nghệ tự động hóa trong sản xuất để tạo ra sản phẩm có chất lượng và giá thành phù hợp.
Tổ chức Giám sát kinh doanh quốc tế (BMI) dự báo, tốc độ tăng trưởng ngành thực phẩm và đồ uống sẽ cao hơn trong giai đoạn 2016 - 2019, khả năng ngôi hạng thứ 3 châu Á sẽ thuộc về Việt Nam.
Hằng Vương (t/h)