"Trót hứa" với Ukraine, Liên minh Châu Âu (EU) lấy tiền ở đâu và bằng cách nào bù đắp khoảng trống ngân sách khổng lồ của Ukraine, trong lúc các thành viên trong khối đều đang gặp phải những khó khăn riêng phức tạp?

Từ 18 tỷ Euro thành 35 tỷ Euro?

Liên minh Châu Âu vừa công bố kế hoạch mới, huy động khoản vay 35 tỷ Euro, chuyển cho Ukraine để giúp nước này lấp đầy lỗ hổng lớn trong ngân sách do chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine để lại, hiện đã gần đến ngày thứ 1.000 mà vẫn chưa tìm được một giải pháp. Đồng thời, Kiev cũng đang đứng trước nguy cơ thiếu hụt nguồn cung năng lượng ngay trong mùa Đông tới.

Lợi nhuận thu được từ khối tài sản Nga bị đóng băng tại châu Âu là "bí mật" đằng sau khoản vay 35 tỷ Euro mà EU đã hứa với Ukraine. (Nguồn: Getty Images)
Lợi nhuận thu được từ khối tài sản Nga bị đóng băng tại Châu Âu là "bí mật" đằng sau khoản vay 35 tỷ Euro mà EU đã hứa với Ukraine. Nguồn Getty Images.

"Chúng tôi hiểu nhu cầu tài chính khổng lồ nảy sinh từ xung đột quân sự. Bạn đang cần duy trì hoạt động của Nhà nước và nền kinh tế, đồng thời tăng cường năng lực phòng thủ trước chiến dịch quân sự của Nga", Chủ tịch Ủy ban Châu Âu (EC) Ursula von der Leyen phát biểu vào ngày 20/9 trong chuyến thăm Kiev lần thứ tám, kể từ khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra.

Bà Chủ tịch EC hứa - khoản vay này sẽ cung cấp cho Ukraine "không gian tài chính cần thiết" cho chính phủ và mang lại "sự linh hoạt tối đa" để đáp ứng các nhu cầu hàng ngày của nước này, chẳng hạn như chi trả cho các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, mua sắm vũ khí và sửa chữa các hệ thống năng lượng bị tấn công.

Thực tế là việc Brussels cung cấp cho Ukraine một hạn mức tín dụng mới không phải là điều gì mới mẻ, vì điều này đã xảy ra thường xuyên kể từ khi xung đột quân sự Nga-Ukraine nổ ra.

Nhưng lần này, một điểm khác biệt quan trọng khiến sáng kiến ​​này thực sự mang tính đột phá – khoản vay theo cách mới này không chỉ giúp EU giải quyết được vấn đề thiếu hụt ngân sách viện trợ, mà khối tài sản đang “bị bất động” của Nga sẽ đóng vai trò là tài sản thế chấp cho khoản vay mới và được sử dụng để thực hiện tất cả các khoản hoàn trả, miễn trừ với ngân sách của Kiev.

Vậy điều này đang diễn ra như thế nào? Ý tưởng này bắt nguồn từ khẩu hiệu "bắt Nga trả giá" mà phương Tây đã áp dụng vào năm 2022 để buộc Moscow phải trả khoản "hóa đơn khổng lồ" nhằm tái thiết Ukraine do hậu quả của chiến dịch quân sự để lại.

Tài trợ cho Ukraine trong cuộc xung đột quân sự tiêu hao và kéo dài với Nga ngày càng đầy thách thức đối với Mỹ và EU. Một số quốc gia phương Tây thậm chí đã rất khó khăn để biện minh cho việc tiếp tục hỗ trợ tài chính và quân sự cho Ukraine trước sự phản đối ngày càng tăng trong nước. Và khi các đồng minh EU phải đối mặt với ngân sách eo hẹp trong nước, họ đã "phát hiện" một nguồn tài trợ bổ sung có thể "không làm đau" túi tiền của họ - tài sản của Ngân hàng Trung ương Nga vốn đã bị phương Tây tuyên bố đóng băng từ những ngày đầu của cuộc xung đột Nga-Ukraine (2/2024).

Tài sản Nga bị đóng băng tại các quốc gia phương Tây có giá trị khoảng 270 tỷ Euro (hơn 300 tỷ USD), trong đó phần lớn (210 tỷ Euro) được giữ trong lãnh thổ EU. Trung tâm Thanh toán và lưu ký Euroclear (CSD) có trụ sở tại Brussels là bên nắm giữ chính.

Theo Luật pháp quốc tế, tài sản có chủ quyền không thể bị tịch thu. Tuy nhiên, các khoản doanh thu bất thường mà chúng tạo ra lại không được bảo vệ như vậy, nên tận dụng khoản lãi từ số tài sản đóng băng là cách tiếp cận dễ dàng hơn nhiều.

Hồi tháng Năm, các quốc gia thành viên EU đã bất ngờ đồng ý sử dụng khoản lợi nhuận nói trên - ước tính từ 2,5 tỷ Euro đến 3 tỷ Euro mỗi năm, để hỗ trợ quân đội và các nỗ lực tái thiết kinh tế của Ukraine. Và đến tháng 6 vừa qua, khi tình hình ở quốc gia Đông Âu ngày càng trở nên tồi tệ, các nhà lãnh đạo Các nền kinh tế phát triển hàng đầu (G7) đã ký một cam kết sẽ huy động khoản vay trị giá 50 tỷ USD (khoảng 45 tỷ Euro) để cung cấp cứu trợ ngay lập tức cho Kiev.

Tài sản của Ngân hàng Trung ương Nga bị phương Tây đóng băng hiện đứng trước rủi ro bị tịch thu. Ảnh: Bloomberg.
Tài sản của Ngân hàng Trung ương Nga bị phương Tây đóng băng hiện đứng trước rủi ro bị tịch thu. Ảnh Bloomberg.

Ý tưởng ban đầu là EU và Mỹ mỗi bên sẽ đóng góp 20 tỷ USD (khoảng 18 tỷ Euro), trong khi Anh, Canada và Nhật Bản cho vay số tiền còn lại cho đến khi đạt 50 tỷ USD.

Nhưng Washington bày tỏ sự e ngại về cách Brussels phải gia hạn lệnh trừng phạt. Theo luật của EU, các hạn chế đối với Nga, từ lệnh cấm dầu mỏ đến các nhà tài phiệt bị đưa vào danh sách đen, cần phải được gia hạn 6 tháng một lần bằng một cuộc bỏ phiếu nhất trí. Điều này có nghĩa là, tại một thời điểm nào đó, một quốc gia thành viên, như Hungary chẳng hạn, có thể chặn việc gia hạn này và giải tỏa tài sản - điều đó sẽ khiến kế hoach về khoản vay bị "phá sản" và các đồng minh phương Tây phải chịu rủi ro tài chính lớn bất cứ lúc nào.

Viễn cảnh về một "kịch bản xấu" như vậy đã khiến nhiều lãnh đạo phương Tây e ngại, làm chậm lại các cuộc đàm phán giữa các quan chức EU và Mỹ, ngay cả khi tình hình ở Ukraine ngày càng trở nên tệ hơn. Đây là lý do bà Chủ tịch EC Ursula von der Leyen "mạnh tay" hứa hẹn với Kiev về phần chia sẻ nhiều hơn dự kiến ban đầu rất nhiều - từ chỉ 18 tỷ Euro được phân bổ trong cam kết của G7 ​lên 35 tỷ Euro, nhằm thuyết phục Washington và các đồng minh khác hành động nhanh hơn.

Đặc biệt khi cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đã tới rất gần và khả năng tái đắc cử của cựu Tổng thống Donald Trump càng làm tăng thêm tính cấp thiết cho kế hoạch này. Kết quả cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ có thể không thuận lợi cho Ukraine, vì vậy các lãnh đạo G7 muốn đảm bảo khoản tài trợ trong ít nhất một năm tới, hoặc trong trường hợp ông Trump trở lại Nhà Trắng. Cựu Tổng thống Mỹ từng tuyên bố cắt viện trợ cho Kiev nếu tái đắc cử vào tháng 11.

EU "gồng mình chiến thuật"

Nhà phân tích Jacob Kirkegaard, thành viên Viện Kinh tế quốc tế Peterson có trụ sở tại Brussels, đánh giá, khoản vay mới nhất mà bà Ursula von der Leyen vừa công bố là dấu hiệu cho thấy EU đang tiếp bước Mỹ, từng bước "trở thành bên ủng hộ chính của Ukraine".

Cách làm của EU là, thay vì rút trực tiếp từ khối tài sản 270 tỷ Euro của Nga bị đóng băng tại Châu Âu, kế hoạch mới là sử dụng lợi nhuận của khoản tiền này làm tài sản thế chấp cho khoản vay 35 tỷ USD sẽ viện trợ cho Ukraine. Cách này trước mắt có thể giúp EU rút ngắn thời gian, vì nếu chỉ chuyển dần khoản lãi vài tỷ USD mỗi năm sẽ rất lâu và không đủ để đáp ứng nhu cầu rất lớn và cấp bách của Kiev. Do đó, việc biến khoản tiền lãi này thành tài sản thế chấp dài hạn có thể giúp EU nhanh chóng vay được khoản tiền lớn để giải ngân cho Ukraine.

Nếu mọi việc ra tốt đẹp, theo dự kiến, EC có thể thực hiện chuyển khoản viện trợ đầu tiên vào cuối năm nay hoặc đầu năm 2025, sau khi xác minh Kiev đã đáp ứng một số điều kiện chính sách. Dự kiến, tất cả khoản vay mới ​​sẽ được giải ngân dần trong suốt năm 2025, hoặc cũng có thể được giải ngân một lần.

Trên thực tế, khoản 35 tỷ Euro đã chiếm hơn 3/4 trong cả gói hỗ trợ 45 tỷ Euro của G7. Theo kế hoạch của Chủ tịch EC von der Leyen, EC sẽ thành lập cơ chế hợp tác cho Ukraine vay - là một dạng quỹ chung, nơi lợi nhuận sẽ được tạo ra từ một khoản tiền tương ứng. Cụ thể, khi các đồng minh EU công bố khoản cho vay và chuyển tiền cho Kiev, họ sẽ được phép khai thác quỹ chung này và nhận được một phần doanh thu bất thường tương ứng với số tiền họ đã cho Ukraine vay.

Theo kế hoạch, lợi nhuận bất ngờ sẽ được chuyển vào quỹ chung từ tháng 8/2025. Các đồng minh EU có thể toàn quyền sử dụng khoản lợi nhuận này để thanh toán các khoản nợ, bao gồm cả tiền gốc, lãi và các chi phí bổ sung khác. Điều này có nghĩa là cả phương Tây và Ukraine đều không phải chịu gánh nặng thanh toán.

Tuy nhiên, phân tích về khoản vay theo kiểu mới này, chuyên gia Jacob Kirkegaard, thành viên cấp cao tại Quỹ German Marshall (Bỉ) nói rõ, "nếu hôm nay bạn cho vay dựa trên khoản thế chấp là lợi nhuận tương lai của một khoản tiền nào đó, bạn phải đảm bảo rằng, số tài sản gốc vẫn bị đóng băng trong 10-20 năm nữa. Vì vậy, cần ai đó đảm bảo rằng khối tài sản liên quan đến "kế hoạch thế chấp" sẽ không được trả lại cho Nga trong khoảng thời gian này".

Đây cũng là lý do mà các quan chức Mỹ lo ngại, khi cứ mỗi 6 tháng một lần, EU lại phải tiến hành bỏ phiếu thông qua các lệnh trừng phạt Nga theo luật định. Và muốn thúc EU "thông qua luật kéo dài thời gian đóng băng tài sản Nga" lên khoảng 36 tháng.

Giới phân tích đề cập quyền phủ quyết của Hungary - một thành viên EU, nhưng luôn bị coi đi ngược chuẩn mực chung của khối. Trên thực tế, không giống như một khoản vay thông thường, khoản vay này sẽ phải tuân theo sự nhất trí chung, có nghĩa là thành viên Hungary hoàn toàn có thể làm chệch hướng ý tưởng chung, bằng cách giữ các quy tắc riêng của họ để duy trì đòn bẩy chính trị của mình.

Do vậy, dù các quốc gia thành viên ủng hộ cách tiếp cận của EC, thì thực tế là Hungary vẫn có thể giữ quyền phủ quyết đối với các tài sản Nga bị đóng băng bất cứ lúc nào.

Các nhà phân tích cũng cảnh báo về những rắc rối phát sinh đối với khoản vay này, nếu Nga giành lại quyền kiểm soát số tài sản bị đóng băng hoặc lợi nhuận thu được, "kế hoạch 35 tỷ Euro" có thể bị phá sản. Trong trường hợp xấu nhất, sự đảm bảo cuối cùng vẫn là ngân sách chung của EU.

Trong bối cảnh đó, như giới quan sát bình luận, việc EU đang thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ với Ukraine và tỏ quan điểm "rắn" với Nga là điều khó hiểu nếu đây không phải là một sự "gồng mình chiến thuật" với hy vọng tạo áp lực lên Moscow để giúp tăng cường vị thế của EU trong xung đột.

Theo Euronews, DW