Ảnh minh họa
VAT cho Grab thực chất bằng không?
Tại buổi họp báo chiều 27/10/2017, ông Đặng Duy Khanh, Phó vụ trưởng Vụ thanh tra (Tổng cục Thuế) cho biết, trong 3 năm, kinh doanh tại Việt Nam (từ tháng 2/2014 đến 6/2017), Grab có doanh thu là 1.755 tỷ đồng và số thuế đã nộp của Grab là 9,5 tỷ đồng, chiếm 0,541% phần doanh thu ròng của Grab.
Điều đáng nói, tính đến 18/9/2017, Grab đã thu hút 37.665 xe ô tô tham gia mạng lưới, gấp hơn nhiều lần số xe ô tô của một vài hãng taxi lớn hoạt động tại TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội; gấp 5 lần Vinasun - doanh nghiệp taxi có trụ sở tại TP. Hồ Chí Minh, trong khi cùng kinh doanh một thị trường, cùng đối tượng khách hàng, cùng thời gian mà doanh nghiệp này đã đóng góp nộp vào ngân sách nhà nước xấp xỉ 1.200 tỷ đồng, gấp 130 lần Grab.
Câu hỏi đặt ra: Tại sao có sự “chênh lệch” như vậy?
Chính sách thuế dành cho Grab được thực hiện theo Văn bản số 11428/CT-TTHT ngày 23/11/2016 của Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh và Văn bản số 384/TCT-TNCN ngày 8/2/2017 của Tổng cục Thuế. Các văn bản này đều khẳng định quan hệ của Grab ta-xi và các công ty vận tải là hợp tác kinh doanh vận tải, trong đó cho phép Grab taxi nhận ủy quyền trực tiếp xuất hóa đơn 100% doanh thu cho khách hàng, doanh thu phân chia cho đối tác vận tải và Grab taxi.
Đối với phần doanh thu từ hợp tác kinh doanh vận tải nhận được, Grab taxi có nghĩa vụ sẽ kê khai và nộp thuế theo quy định của doanh nghiệp.
Một hóa đơn của Grab taxi xuất cho đối tác vận tải theo hợp đồng hợp tác kinh doanh vận tải
Tuy nhiên, đối với phần doanh thu được phân chia này, Grab đã không kê khai như dịch vụ vận tải mà lại kê khai là phí sử dụng phần mềm kết nối. Theo luật thuế, VAT cho phí sử dụng phần mềm bằng 0.
Điều này lý giải tại sao với doanh thu được chia là 1.755 tỷ đồng mà số thuế Grab nộp cho Nhà nước chỉ có 9,5 tỷ đồng. Khoản thuế 9,5 tỷ đã nộp trong 3 năm thực chất không đến từ doanh thu phân chia từ hợp đồng hợp tác kinh doanh vận tải mà đến từ các nguồn chính là thuế thu nhập cá nhân mà Grab taxi nộp thay cho các cá nhân lái xe nhận tiền thưởng từ Grab (thuế suất TNCN cho khoản thưởng này là 1% số tiền thưởng).
Lỗ ròng rã, thuế thu nhập doanh nghiệp của Grab cũng bằng không?
Trong cuộc họp báo ngày 27/10/2017, ông Đặng Duy Khanh cho biết Grab lỗ ròng rã kể từ khi đặt chân vào thị trường Việt Nam với tổng số lỗ lũy kế là 938 tỷ 261 triệu đồng. Là một doanh nghiệp, Grab taxi được miễn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp.
Sau gần 2 năm thực hiện đề án, qua 2 kỳ quyết toán thuế, đã biết phương thức và bản chất hoạt động của Grab taxi, vậy mà đến đầu năm 2017, Tổng cục Thuế vẫn ban hành cơ chế thuế đặc thù cho Grab taxi, khiến số thuế nộp vào ngân sách gần như bằng không? Trong khi thuế của 80% doanh thu từ dịch vụ vận tải hành khách phân tán xuống các hợp tác xã, xã viên vận tải trở thành… nợ thuế
Khoản doanh thu1.755 tỷ đồng theo số liệu của Tổng cục Thuế, thực chất mới phản ánh được 20% doanh thu phía Grab taxi giữ lại. Còn 80% doanh thu vận tải hành khách (tương đương với 7.020 tỷ đồng) được phân bổ cho các lái xe là xã viên hợp tác xã vận tải, các thành viên của các công ty vận tải.
Theo Văn bản số 11428/CT-TTHT ngày 23/11/2016 của Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh, các xã viên (lái xe) sẽ nộp 3% thuế VAT, 1,5% thuế thu nhập cá nhân cho khoản thu này. Tuy nhiên, đến nay, số thu thuế từ các xã viên (lái xe) này vẫn còn là con số bí ẩn, chưa được công bố!?
Trong buổi họp tại Bộ Giao thông Vận tải ngày 23/2/2017, bà Nguyễn Thị Hạnh – Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế thu nhập cá nhân (Tổng cục Thuế) thừa nhận, việc quản lý, thu thuế đối với các cá nhân tham gia hợp đồng hợp tác kinh doanh vận tải theo hình thức Uber, Grab là rất khó khăn.
Suốt 2 năm qua, đã có không ít kiến nghị từ phía doanh nghiệp, hiệp hội, cơ quan chức năng đề nghị Tổng cục Thuế xem xét lại các chính sách thuế dành cho loại hình taxi công nghệ này để đảm bảo công bằng cho các loại hình dịch vụ taxi. Nhưng đến ngày 10/3/2017, Tổng cục Thuế vẫn ban hành văn bản 3166/BTC-CST ngày 10/3/2017 - khẳng định chính sách thuế là công bằng?
Có thể nói, con số chênh lệch thuế hơn 1.000 tỷ đồng này không ra khỏi biên giới Việt Nam, nhưng cũng không đóng góp cho ngân sách nhà nước, cũng không góp chút kinh phí nào tu sửa, xây dựng những con đường hiện hữu rộng hơn, tốt hơn phục vụ nhân dân.
Chương trình thí điểm sẽ kết thúc vào ngày 8/1/2018. Dư luận quan tâm và ngóng đợi khung pháp lý nào sẽ áp dụng cho các loại hình vận tải taxi để tránh lặp lại câu chuyện “nhất bên trọng nhất bên khinh” hôm nay.
PV