THCL 7 nhà máy này gồm: đạm Hà Bắc, đạm DAP 1 Lào Cai , DAP 2 Hải Phòng, Ethanol Bình Phước, Ethanol Phú Thọ, nhà máy đóng tàu Dung Quất, dự án liên doanh giữa đối tác mỏ Quý Sa và nhà máy gang thép Lào Cai.
Ban chỉ đạo giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xử lý những tồn tại, yếu kém của một số nhà máy, dự án thua lỗ thuộc ngành Công Thương do Phó thủ tướng Vương Đình Huệ làm Trưởng ban đã mở rộng thêm diện kiểm tra đối với các nhà máy hoạt động kém hiệu quả.
Ngoài 5 nhà máy, dự án thua lỗ, hoạt động kém hiệu quả mà Quốc hội đã nêu lên tại Nghị quyết chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 2 vừa qua (là nhà máy sản xuất xơ sợi Đình Vũ, dự án nhà máy bột giấy Phương Nam, dự án nhà máy gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2, nhà máy nhiên liệu sinh học Bio-Ethanol Dung Quất và nhà máy đạm Ninh Bình), Ban chỉ đạo cũng bổ sung sơ bộ thêm 7 nhà máy, dự án khác (đạm Hà Bắc, đạm DAP 1 Lào Cai , DAP 2 Hải Phòng, Ethanol Bình Phước, Ethanol Phú Thọ, nhà máy đóng tàu Dung Quất, dự án liên doanh giữa đối tác mỏ Quý Sa và nhà máy gang thép Lào Cai) đang có tình trạng tương tự để tập trung xử lý dứt điểm theo đúng Nghị quyết của Quốc hội và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, nhằm kéo giảm nguy cơ mất vốn đầu tư, tiêu hao nguồn lực nhà nước cũng như của xã hội.
Trong phiên họp vào chiều 20.12 tại Văn phòng Chính phủ để triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh việc xử lý các nhà máy, dự án này là phải “kiên quyết xử lý các doanh nghiệp nhà nước thua lỗ, các dự án đầu tư của doanh nghiệp nhà nước không hiệu quả hoặc hiệu quả thấp theo nguyên tắc và cơ chế thị trường”.
Đồng thời, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị các thành viên Ban chỉ đạo nghiên cứu các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước.
“Do vậy, tinh thần xử lý các dự án, nhà máy này là phải rất quyết liệt, khẩn trương, đồng bộ, đồng lòng, hợp sức, bảo đảm tới hết năm 2017 phải có chuyển biến căn bản về kết quả xử lý, phấn đấu tới hết năm 2018 cơ bản xử lý xong các dự án, doanh nghiệp này”, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ nêu rõ.
Nhấn mạnh việc xử lý các hạn chế, yếu kém của các nhà máy, dự án này là vì sự phát triển của đất nước, Phó thủ tướng nêu rõ các bộ ngành, doanh nghiệp, ban quản lý dự án phải đồng lòng, đồng sức, báo cáo trung thực để tìm ra phương án xử lý và giải pháp khắc phục.
“Ban chỉ đạo sẽ giao nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ, ngành, tổ chức, đơn vị, cá nhân với tên tuổi cụ thể, thực hiện nhiệm vụ gì, bao giờ hoàn thành. Kiên quyết không để công việc bị trì hoãn, không tiến triển”, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh.
Về phương án xử lý các dự án, nhà máy, Phó thủ tướng cho rằng song song với việc rà soát quá trình hình thành dự án, Ban chỉ đạo sẽ đánh giá tổng thể thực trạng, mức độ thiệt hại để báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các dự án, nhà máy còn năng lực sản xuất sẽ thực hiện cơ cấu lại sản xuất, nguồn nhân lực, quản trị. Dự án, nhà máy nào không còn khả năng cơ cấu lại sẽ phải xử lý theo các hướng thoái vốn, bán đấu giá, cho giải thể, phá sản... theo quy định của pháp luật.
“Nhà nước nhất quyết không dùng tiền ngân sách để bù lỗ, hỗ trợ cho các dự án này nữa” – Phó thủ tướng dứt khoát.
Trưởng ban Chỉ đạo cũng đề nghị các cơ quan kiểm toán, thanh tra, điều tra vào cuộc, xác định rõ trách nhiệm và đề xuất xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân có sai phạm theo quy định của pháp luật.
Trước đó, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh giải trình trước Quốc hội đã nhấn mạnh rằng những dự án này đã bộc lộ khiếm khuyết và lỗ hổng trong quản lý nhà nước, đặc biệt cả về khung pháp lý cũng về mặt thể chế là vai trò, trách nhiệm của các bộ quản lý.
Trong lần trao đổi với báo điện tử Một Thế Giới về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan khẳng định chỉ có một cách là ngưng cấp vốn và để các dự án này phá sản: "Để cho các dự án này phá sản, chứ dứt khoát là Nhà nước không nên cứu bởi lẽ không thể để cho các doanh nghiệp nhà nước cứ yên tâm là sẽ được Nhà nước cứu mãi. Hơn nữa nếu cứu thì số tiền đưa ra cứu sẽ là cái giá mà xã hội phải trả. Các dự án thua lỗ lớn đã gây mất mát rất lớn cho xã hội rồi, những người đóng góp thuế phải chịu oan, họ đã đóng góp rất nhiều để cho các doanh nghiệp thực thi dự án".
Cũng theo bà Lan, phải xử lý những người gây ra hậu quả, không thể quy trách nhiệm một cách chung chung, rồi lại phê bình, cảnh cáo, rút kinh nghiệm... Sự sụp đổ của những dự án này không thể chấp nhận cách xử lý thế bởi vì nếu không xử lý nghiêm thì sẽ gây ra một tiền lệ rất xấu là các doanh nghiệp cứ việc thua lỗ cho cái chung trong khi cá nhân vẫn giàu có như thường.
Theo Một Thế Giới