Cục Thuế TP. Hà Nội đã đưa ra danh sách 7.451 DN sử dụng 60.031 hóa đơn có dấu hiệu bất hợp pháp để kê khai, khấu trừ thuế giá trị gia tăng và hạch toán chi phí, trong đó, tổng doanh thu chưa thuế là 1.443 tỷ đồng, thuế GTGT khấu trừ là 141 tỷ đồng.


Hoạt động công khai

Ngay giữa Thủ đô, “chợ đen” nổi tiếng chuyên bán hóa đơn GTGT ở ngã 3 đường Lê Duẩn - Trần Hưng Đạo vẫn tồn tại suốt bao năm qua. Điều đáng nói, việc mua bán diễn ra công khai hàng ngày, cách trụ sở công an giao thông và công an phường Cửa Nam chưa đầy 500m.

Gọi buôn bán hóa đơn là “ngành nghề kinh doanh” siêu lợi nhuận quả không sai. Các đối tượng chỉ tốn ít công “dàn dựng” đã có thể thu về một khoản tiền đáng kể. Đơn cử như lợi dụng vào các điều kiện thành lập công ty quá dễ dàng, nhiều đối tượng đã thành lập các công ty “ma” (không phát sinh giao dịch mua bán hợp pháp nào) mục đích chỉ để mua bán hóa đơn kiếm lời, sau đó hợp thức hóa đầu vào và xin hoàn thuế để trục lợi.

Qua công tác quản lý thuế, phát hiện các trường hợp DN: mới thành lập, vốn điều lệ thấp, đăng ký kinh doanh nhiều ngành nghề, chủ DN đăng ký kinh doanh tại địa phương khác nơi đăng ký hộ khẩu thường trú. Kiểm tra kê khai thuế, phát hiện lượng “khách hàng” đến “chợ đen” mua rất nhiều hóa đơn và chủ yếu là các đơn vị hành chính sự nghiệp, các công ty sản xuất, dịch vụ, thương mại… có các dấu hiệu: kê khai doanh số lớn, doanh số tăng đột biến, số thuế kê khai phải nộp thấp, liên tục thay đổi trụ sở. Kiểm tra việc thực hiện in, phát hành, quản lý sử dụng hóa đơn, phát hiện DN có các dấu hiệu: hóa đơn được đặt in với tổ chức nhận in có địa bàn (tại tỉnh, thành phố) khác với địa bàn DN đăng ký kinh doanh, kê khai nộp thuế, số lượng hóa đơn phát hành lớn.

Qua công tác thanh tra, kiểm tra, phát hiện DN có dấu hiệu bất thường như doanh số tăng đột biến, tỷ lệ nộp thuế thấp so với doanh số, hạch toán hàng hóa mua vào lớn, nhưng không phát sinh chi phí vận chuyển, không có kho bãi để hàng hóa hoặc không phát sinh chi phí thuê kho bãi, chi phí tiền lương nhân công ít, việc thanh toán qua ngân hàng có dấu hiệu đáng ngờ…

Biện pháp nào?

Ông Nguyễn Hữu Ánh, Vụ trưởng Vụ Thanh tra - Tổng cục Thuế cho biết: “Trước tình hình DN thành lập để mua bán hóa đơn, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp, ngành thuế đã và đang triển khai các biện pháp để phòng ngừa, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm về hóa đơn. Về sửa đổi hoàn thiện chính sách, Tổng cục Thuế tham mưu cho Bộ Tài chính trình Chính phủ ban hành Nghị định số 04/ 2014/NĐ-CP ngày 14/01/2014 sửa đổi, bổ sung Nghị định số 51/2010/ NĐ-CP ngày 14/5/2010 về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, Nghị định số 209/2013/NĐ-CP ngày 18/12/ 2013 về hướng dẫn thi hành một số điều Luật Thuế GTGT sửa đổi”.

Về quản lý thuế, Tổng cục đã chỉ đạo các cơ quan thuế địa phương thực hiện tăng cường kiểm tra chặt chẽ các khâu: kê khai thuế, in ấn, phát hành, quản lý sử dụng hóa đơn; giải quyết việc hoàn thuế, quản lý quỹ hoàn thuế theo quy định; rà soát các DN có dấu hiệu rủi ro cao về thuế, qua đó tập trung thanh tra, kiểm tra các DN này để có biện pháp xử lý kịp thời các vi phạm; triển khai ứng dụng phần mền “đối chiếu bảng kê hóa đơn” tại 63 cục thuế địa phương; trược tiếp thành lập các đoàn thanh tra thuộc Tổng cục, chỉ đạo các cục thuế thanh tra, kiểm tra các DN “đen”, đặc biệt trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên và Tây Nam Bộ.

Bên cạnh đó, Tổng cục Thuế phối hợp với Tổng cục Cảnh sát, Tổng cục An ninh, Ngân hàng Nhà nước ban hành quy chế, trao đổi cung cấp thông tin về giao dịch thanh toán qua ngân hàng có dấu hiệu đáng ngờ về gian lận thuế, mua hóa đơn.

Theo cơ quan thuế, tình trạng vi phạm trong sử dụng hóa đơn thời gian qua, không những không giảm mà có chiều hướng ngày một gia tăng; thủ đoạn vi phạm cũng tinh vi hơn, khó xử lý hơn... Đáng chú ý nhất là hành vi thành lập “công ty ma” để mua bán hóa đơn bất hợp pháp.


Huyền Trang