Theo Luật Trẻ em năm 2016, trẻ em là những người dưới 16 tuổi, đây là lứa tuổi đang trong giai đoạn phát triển và hình thành nhân cách, dễ bị tác động từ các yếu tố bên ngoài.
Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước đã có rất nhiều nỗ lực, cố gắng, từ việc hoàn thiện các văn bản pháp luật đến triển khai các chương trình, kế hoạch hành động để bảo vệ trẻ em, giúp cho việc thực thi quyền trẻ em đi vào cuộc sống.
Tuy nhiên, lợi dụng những vụ việc đơn lẻ liên quan đến các hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em, các đối tượng thiếu thiện chí với Việt Nam lại quy chụp, xuyên tạc về việc thực thi bảo đảm quyền trẻ em ở Việt Nam. Vậy trên thực tế, chúng ta đã và đang triển khai các hoạt động bảo vệ trẻ em như thế nào? Bà Nguyễn Thị Nga, Phó Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã có những chia sẻ cụ thể về vấn đề trên.
Việt Nam là nước đầu tiên ở Châu Á và là nước thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước Liên Hợp quốc (LHQ) về quyền trẻ em. Theo bà thì điều này có ý nghĩa như thế nào trong việc thực thi quyền trẻ em và cam kết của Việt Nam với LHQ trong việc bảo vệ quyền trẻ em?
Bà Nguyễn Thị Nga: Từ khi phê chuẩn Công ước của LHQ về quyền trẻ em, Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến công tác bảo đảm thực hiện quyền trẻ em ở Việt Nam.
Hiến pháp năm 2013 của chúng ta đã quy định: Trẻ em được gia đình, Nhà nước và xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục. Trong quá trình phát triển kinh tế, xã hội, các chương trình, kế hoạch, đề án liên quan đến công tác trẻ em đều được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và chỉ đạo triển khai thực hiện. Có thể nói, cho đến thời điểm này, hệ thống pháp luật về thúc đẩy và bảo đảm thực hiện quyền trẻ em Việt Nam đã được ban hành khá đồng bộ và đầy đủ.
Chúng ta cũng phải thẳng thắn nhìn nhận là, thời gian vừa qua có một số vụ việc liên quan đến bạo hành trẻ em, mua bán trẻ em gây nhức nhối trong xã hội, thưa bà?
Bà Nguyễn Thị Nga: Chúng ta phải khẳng định là vấn đề bạo lực, xâm hại trẻ em, mua bán trẻ em là vấn nạn của toàn cầu, không chỉ riêng ở Việt Nam. Thứ hai là ở Việt Nam có hơn 25 triệu trẻ em. Có thể nói, trước những vụ việc liên quan đến bạo lực, xâm hại, mua bán trẻ em, khi nhận được những thông tin, thông báo xảy ra những vụ việc, các bộ, ngành chức năng, cơ quan có thẩm quyền và địa phương đã vào cuộc rất kịp thời, để chúng ta thực hiện việc hỗ trợ, can thiệp cho trẻ em, cho gia đình các em. Thứ hai là, chúng ta cũng đã xử lý nghiêm các cá nhân, các đối tượng có hành vi xâm hại, bạo lực cũng như tổ chức mua bán trẻ em. Chính vì vậy, có thể nói, cả hệ thống chính trị của Việt Nam rất quan tâm đến công tác bảo đảm thực hiện quyền trẻ em, trong đó có vấn đề phòng, chống xâm hại trẻ em.
Theo số liệu thống kê thì ở nước Mỹ, mỗi năm có tới 3.000 trẻ em thiệt mạng do súng đạn. Và có khoảng 500 trẻ em tử vong vì các lý do gia đình. Còn theo báo cáo của Quỹ Nhi đồng LHQ công bố năm 2017 thì trên thế giới cứ 7 phút lại có 1 trẻ vị thành niên tử vong do bạo lực. Trước tình hình như vậy, chúng ta có biện pháp gì để kịp thời tiếp nhận và hỗ trợ trẻ em khi xảy ra các vấn đề liên quan đến bạo hành trẻ em ở Việt Nam?
Bà Nguyễn Thị Nga: Từ khi có Luật Trẻ em, Việt Nam đã thiết lập tổng đài điện thoại quốc gia, bảo vệ trẻ em với số 111 miễn phí của người gọi đến để phản ánh về các vụ việc này. Vấn đề thứ hai là các dịch vụ về bảo vệ trẻ em được các bộ, ngành, đặc biệt là các địa phương củng cố và phát huy hệ thống dịch vụ để hỗ trợ cho gia đình, cho trẻ em và cho cộng đồng. Và thứ ba, khi xảy ra các vụ việc, chúng ta đều có những kế hoạch hỗ trợ, can thiệp cho các em và cho gia đình các em.
Chính vì vậy, mấy năm trở lại đây, các số liệu phản ánh về các vụ bạo lực, xâm hại trẻ em đều được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng như các bộ, ngành tổng hợp, phân tích qua các kênh. Việt Nam cũng đã có nhiều nỗ lực, giải pháp để thúc đẩy, bảo đảm thực hiện quyền trẻ em.
Thời gian gần đây, một số đối tượng chống phá đất nước đã kích động một số chức sắc tôn giáo kêu gọi, hô hào trẻ em biểu tình, chống đối chính quyền. Theo bà, khi trẻ em bị lợi dụng như vậy thì sẽ ảnh hưởng như thế nào đến tâm lý của các em? Và chúng ta cần có biện pháp gì để bảo vệ trẻ em, ngăn chặn việc lợi dụng trẻ em, sử dụng trẻ em vào các hoạt động mang màu sắc chính trị?
Bà Nguyễn Thị Nga: Trẻ em có 4 nhóm quyền. Thứ nhất là các em có quyền sống. Thứ hai là nhóm quyền phát triển, trong đó đặc biệt là quyền được học tập, được vui chơi, giải trí. Nhóm quyền thứ ba là quyền được bảo vệ để không bị bạo lực, không bị xâm hại, không bị bóc lột. Và nhóm quyền thứ tư là trẻ em có quyền bày tỏ ý kiến, nguyện vọng của mình.
Chính vì vậy, việc một số đối tượng lợi dụng, dụ dỗ trẻ em tham gia vào các hành vi vi phạm pháp luật là những hành vi cần phải lên án và cần phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Chính vì vậy, việc lợi dụng và sử dụng trẻ em vào các động cơ chính trị, đấy là những hành vi vi phạm pháp luật, theo quy định của hệ thống pháp luật Việt Nam.
Mới đây, khi chúng ta phát động và thực hiện Tháng hành động về trẻ em thì một số đối tượng có đăng bài viết với tiêu đề “Việt Nam cần một cuộc cách mạng về quyền trẻ em”. Họ đưa ra nhận định “Trẻ em Việt Nam chưa được tôn trọng và không biết gì về quyền của mình”. Bà có bình luận gì về vấn đề này?
Bà Nguyễn Thị Nga: Đối với trẻ em, từ khi chúng ta có quy định của Hiến pháp năm 2013, Luật Trẻ em có một chương quy định về trẻ em được tham gia vào các vấn đề liên quan đến trẻ em. Chúng ta quy định cụ thể về phạm vi, hình thức trẻ em được tham gia, trách nhiệm của gia đình, của nhà trường, của các cơ quan, tổ chức trong việc bảo đảm thực hiện quyền tham gia của trẻ em.
Ở Việt Nam thì cứ 10 năm có một Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em. Bên cạnh đó, để giải quyết các vấn đề nóng, có liên quan đến trẻ em, lãnh đạo Chính phủ cũng đã phê duyệt và ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em; và chương trình phòng ngừa, giảm thiểu trẻ em lao động trái quy định của pháp luật; chương trình phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em.
Chính vì vậy, có thể nói, những nỗ lực trong việc thúc đẩy bảo đảm quyền trẻ em ở Việt Nam thì luôn luôn được ưu tiên.
Chúng ta cần làm gì để bảo đảm quyền trẻ em tốt nhất, thưa bà?
Bà Nguyễn Thị Nga: Chúng ta luôn luôn xác định là xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện và lành mạnh cho mọi trẻ em. Ngoài trách nhiệm của Nhà nước thì vai trò của gia đình rất quan trọng. Chính vì vậy, cha mẹ và các thành viên trong gia đình cần phải có những kiến thức, kỹ năng để bảo vệ con em mình, vì lợi ích tốt nhất của các em, phải đảm bảo các quyền cơ bản của trẻ em như các quyền liên quan đến chăm sóc sức khỏe, quyền vui chơi, giải trí và tham gia vào các hoạt động thực sự là an toàn, để tránh những hành vi lợi dụng, dụ dỗ, lôi kéo trẻ em tham gia vào các hoạt động vi phạm pháp luật, cũng như là các hoạt động bất hợp pháp.
Trân trọng cảm ơn bà!
Theo Chương trình Phát thanh Quân đội Nhân dân