Môi trường đầu tư hấp dẫn

Long An phát triển đồng bộ hạ tầng tại các KCN, tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư.
Long An phát triển đồng bộ hạ tầng tại các KCN, tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư. (Ảnh: KT)

Tỉnh Long An sở hữu hệ thống giao thông đường thủy và đường bộ với nhiều lợi thế quan trọng như cửa khẩu quốc tế, cảng biển quốc tế… thông qua sông Vàm Cỏ Đông - Vàm Cỏ Tây; các trục giao thông theo quy hoạch kết nối.

Cảng quốc tế Long An đã lắp đặt hoàn thành các thiết bị cẩu hiện đại, tiên tiến, nhập khẩu từ Nhật Bản, sau khi vận hành, sẽ đón các “tàu buýt container” - đóng góp lớn cho công tác xúc tiến đầu tư.

Các dự án hạ tầng giao thông như đường Vành đai 3 TP. HCM, Vành đai 4 TP. HCM, cao tốc Bến Lức - Long Thành, TP. HCM - Trung Lương - Cần Thơ, Dự án Quốc lộ 50B (tỉnh lộ 827E), đường song hành Quốc lộ 62, nâng cấp Quốc lộ N2..., không chỉ tạo thuận lợi cho liên kết vùng đô thị TP. HCM, mà còn giúp Long An thu hút đầu tư vào khu kinh tế, khu công nghiệp (KCN), liên kết giao thương hàng hóa.

Đặc biệt, Long An đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định phê duyệt Quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050, là một lợi thế mới trong thu hút đầu tư. Theo quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030, toàn tỉnh Long An có 51 KCN với tổng diện tích 12.433 ha.

Hiện nay, tỉnh Long An có 34 KCN được thành lập với diện tích hơn 9.251 ha; có 26 KCN đủ điều kiện tiếp nhận đầu tư. Diện tích đất công nghiệp đã cho thuê (từ đầu năm 2023 đến nay) là 139 ha, nâng tổng diện tích đất công nghiệp đã cho thuê lên 2.883 ha, tỷ lệ lấp đầy đạt 67,41%.

Việc thu hút đầu tư vào KCN được chủ động lựa chọn theo hướng hiệu quả và phát triển bền vững, hợp lý, hiện đại. Các dự án FDI đang đầu tư đến từ 40 quốc gia và vùng lãnh thổ như Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Thái Lan, Hoa Kỳ, Đài Loan...

Các lĩnh vực thu hút vốn đầu tư nước ngoài lớn là ngành dệt may, da giày, công nghiệp chế biến thức ăn gia súc, gia cầm, thủy sản, chế biến thực phẩm, đồ uống, công nghiệp chế tạo... Các dự án FDI này, tập trung tại các huyện vùng kinh tế trọng điểm, giáp ranh TP. HCM như Đức Hòa, Bến Lức, Cần Đước, Cần Giuộc, TP. Tân An…

Tỉnh ưu tiên mục tiêu phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, các dự án thuộc các ngành, lĩnh vực như công nghiệp chế biến, chế tạo công nghệ cao, tiên tiến, thân thiện với môi trường, công nghiệp phụ trợ, logistics và các dịch vụ hiện đại khác, sản xuất công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp thông minh.

Tỉnh ủy, UBND tỉnh Long An đã chỉ đạo quyết liệt nhiều giải pháp như đầu tư hạ tầng giao thông kết nối giữa Long An - TP. HCM, hạ tầng giao thông kết nối giữa Long An và các tỉnh miền Đông, miền Tây Nam bộ; tăng cường công tác cải cách hành chính, các chính sách về đất đai, thuế; đào tạo nguồn lao động, sẵn sàng cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho các doanh nghiệp.

Đồng thời, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Long An đã thực hiện và tham mưu lãnh đạo tỉnh một số giải pháp, như chủ động phối hợp các công ty hạ tầng, các sở, ngành, chính quyền địa phương trong hỗ trợ các chủ đầu tư hạ tầng KCN, thúc đẩy nhanh công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng ngay trên phần đất đã được giao để tạo quỹ đất sạch nhằm nâng cao diện tích đất cho thuê trong các KCN, giúp cân bằng, ổn định giá thuê lại đất của các KCN; từ đó, doanh nghiệp có nhiều sự lựa chọn, góp phần vào việc thu hút đầu tư, nâng cao tỷ lệ lấp đầy các KCN.

Các cơ quan có thẩm quyền thực hiện:

Chủ động tổng hợp những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong các lĩnh vực thuế, chính sách đất đai, quản lý tài nguyên - môi trường, đầu tư; hải quan, thủ tục xây dựng, quy hoạch..., báo cáo đề xuất lãnh đạo tỉnh giải quyết theo thẩm quyền, hoặc kiến nghị các bộ, ngành giải quyết; tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp triển khai kịp thời công tác chuyển đổi số trong quản lý, nâng cao công nghệ, hướng tới xây dựng mô hình KCN thông minh;

Tiếp tục rà soát, đơn giản hóa quy trình, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính, bảo đảm thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư, kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi nhằm thu hút đầu tư và nâng cao năng lực cạnh tranh; đẩy nhanh tiến độ lập, phê duyệt và thực hiện hiệu quả các quy hoạch, tạo nhiều quỹ đất sạch làm cơ sở để xúc tiến, thu hút đầu tư;

Tăng cường công tác kiểm tra, thường xuyên rà soát các KCN chậm triển khai theo giấy chứng nhận đầu tư, tránh lãng phí nguồn lực đất đai.

Cải thiện môi trường đầu tư

Trong tháng 2/2024, tỉnh Long An cấp mới 4 dự án đầu tư trong nước (tăng 2 dự án) với tổng vốn đầu tư 2.112,9 tỷ đồng (tăng 1.760,9 tỷ đồng so cùng kỳ 2023). Lũy kế từ đầu năm, cấp mới 5 dự án với tổng vốn đầu tư 2.117,9 tỷ đồng. Đến nay, tỉnh Long An có 2.210 dự án với số vốn đăng ký 300.377,9 tỷ đồng.

Tỉnh cấp mới 11 dự án đầu tư nước ngoài (tăng 7 dự án) với tổng vốn đăng ký 103,4 triệu USD (tăng 49,6 triệu USD so cùng kỳ 2023). Lũy kế từ đầu năm, cấp mới 15 dự án (tăng 8 dự án), với vốn đầu tư cấp mới 109,86 triệu USD (tăng 54,7 triệu USD). Đến nay, có 1.276 dự án, vốn 11.113,2 triệu USD; trong đó có 635 dự án đi vào hoạt động, tổng vốn đầu tư 4.213 triệu USD.

Trong năm nay, công tác xúc tiến, thu hút, hỗ trợ đầu tư tiếp tục được tỉnh Long An quan tâm tổ chức thực hiện; theo đó, đã tiếp và làm việc với nhiều cơ quan, tổ chức, tập đoàn nước ngoài đến tìm hiểu, khảo sát địa điểm thực hiện dự án đầu tư.

Địa phương tiếp tục tập trung cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; thực hiện tốt các giải pháp nâng cao PCI, phấn đấu trong tốp đầu của cả nước; vận hành tốt Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh và các trung tâm hành chính công cấp huyện; nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính, hạn chế tối đa việc doanh nghiệp, người dân phải đi lại nhiều lần, khắc phục tình trạng quá hạn trong giải quyết thủ tục hành chính; tiếp tục đánh giá chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành và địa phương (DDCI).

Bên cạnh đó, Long An tập trung đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thu hút đầu tư bảo đảm hiệu quả; tổ chức tiếp xúc với các tập đoàn kinh tế mạnh trong và ngoài nước, các tổ chức quốc tế để tranh thủ cơ hội thu hút đầu tư, quan tâm thu hút các dự án đầu tư nước ngoài có quy mô lớn, công nghệ hiện đại, sử dụng đất hiệu quả.

Lãnh đạo tỉnh duy trì tổ chức đối thoại với doanh nghiệp theo định kỳ hằng tháng; có sự liên hệ chặt chẽ với hội, hiệp hội doanh nghiệp các nước và vùng lãnh thổ, để kịp thời nắm bắt và tập trung lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp; công bố, công khai các quy hoạch, các dự án đầu tư lớn để doanh nghiệp, nhà đầu tư, người dân nắm thông tin…

Thuận Yến