Tổ chức ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác phòng, chống tội phạm
Tổ chức ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác phòng, chống tội phạm

Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban ngành đoàn thể tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương khắc phục những tồn tại, hạn chế đã nêu trong Biên bản của Đoàn kiểm tra.

Chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể huyện và Ban Chỉ đạo cấp xã rà soát lại các nhiệm vụ, công tác triển khai, kết quả thực hiện tại các văn bản chỉ đạo của UBND huyện, Ban Chỉ đạo huyện về phòng chống tội phạm; chuẩn bị hồ sơ, tài liệu phục vụ Đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo 138/CP của Chính phủ.

Chủ động nắm chắc tình hình liên quan an ninh trật tự nổi lên và những vấn đề bức xúc trong xã hội mà đối tượng phản động, đối tượng chống đối có thể lợi dụng kích động chống phá, để kịp thời tham mưu đề xuất cấp ủy, chính quyền các cấp lãnh đạo, chỉ đạo; chủ động triển khai các biện pháp công tác để kiểm soát tình hình, không để bị động, bất ngờ.

Đồng thời, tiếp tục tham mưu thực hiện có hiệu quả Chỉ thị của Trung ương, Đảng, Nhà nước về phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật, như: Kết luận số 13-KL/TW, ngày 16/8/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 48-CT/TW, ngày 22/10/2010 của Bộ Chính trị (khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới;

Chỉ thị số 36-CT/TW ngày 16/8/2019 của Bộ Chính trị về “tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy”;

Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 25/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”;

Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 27/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động tổ chức đánh bạc và đánh bạc;

Chỉ thị số 21/CT-TTg ngày 25/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản; các kế hoạch, Công văn chỉ đạo công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2024.

Đồng thời, đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp tuyên truyền; phát huy tốt vai trò của các phương tiện truyền thông tại cơ sở (tiếng loa an ninh trật tự); tập trung tuyên truyền phương thức, thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm, nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm, kỹ năng phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn tội phạm để Nhân dân cảnh giác; chủ động phòng chống và hỗ trợ các lực lượng chức năng đấu tranh, xử lý tội phạm và tệ nạn xã hội.

Tổ chức ứng dụng công nghệ thông tin, các tiện ích của mạng xã hội (Zalo, Facebook...) vào công tác phòng, chống tội phạm.

Củng cố, kiện toàn Ban Chỉ đạo các cấp, các tổ chức, cơ quan, đơn vị trực tiếp thực hiện nhiệm vụ đấu tranh phòng chống tội phạm. Nâng cao hiệu quả hoạt động của Tổ hoà giải ở cơ sở; đồng thời phân cấp, thẩm quyền giải quyết vụ việc mâu thuẫn gắn trách nhiệm của các ban, ngành, đoàn thể theo chức năng nhiệm vụ của từng đơn vị, từ đó chủ động phát hiện sớm, giải quyết kịp thời mâu thuẫn trong nội bộ Nhân dân ngay từ cơ sở để phòng ngừa, ngăn chặn các trọng án do nguyên nhân xã hội, nhất là các vụ án giết người, cố ý gây thương tích.

Duy trì, nhân rộng mô hình, câu lạc bộ phòng, chống tội phạm hoạt động hiệu quả; xây dựng, nhân rộng các mô hình Nhân dân tự phòng, tự quản, tự bảo vệ, tự hòa giải, phát huy vai trò của người có uy tín để chủ động tham gia giải quyết kịp thời, tại chỗ các vấn đề về tội phạm tại địa bàn cơ sở; quản lý, cảm hóa, giáo dục đối tượng tại gia đình và cộng đồng dân cư.

Tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả công tác chuyển hóa địa bàn trọng điểm, phức tạp về trật tự, an toàn xã hội năm 2024; nâng cao vai trò, trách nhiệm của Ban Chỉ đạo trong tham mưu, kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn thực hiện công tác phòng, chống tội phạm trên địa bàn.

Bên cạnh đó, giao Công an tỉnh cần chủ động nhận diện những vấn đề cụ thể có nguy cơ phát sinh tội phạm từ đó tham mưu, đề xuất mở các đợt cao điểm tấn tội phạm nổi lên trên các tuyến, lĩnh vực, địa bàn trọng điểm phức tạp về an ninh trật tự, nhất là tội phạm có tổ chức, tội phạm sử dụng vũ khí nóng, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ gây án; tội phạm giết người, cướp giật tài sản, “tín dụng đen”, tội phạm do người bị bệnh tâm thần hoặc tiền sử bệnh tâm thần, đối tượng loạn thần “ngáo đá”... các đường dây mua bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép chất ma túy; buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả...các vấn đề nổi lên có liên quan đến an ninh trật tự trên địa bàn, không để phức tạp, gây bức xúc trong Nhân dân.

Ngoài ra, đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức thành viên của Mặt trận tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và Nhân dân tham gia phòng ngừa, đấu tranh các loại tội phạm, tệ nạn xã hội.

Phối hợp nhân rộng các mô hình phong trào phòng, chống tội phạm hoạt động có hiệu quả, gương điển hình tiên tiến trong phòng, chống tội phạm; thực hiện tốt vai trò giám sát hoạt động của các lực lượng chức năng trong phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật.

Thuận Yến(t/h)