Bên cạnh những kết quả đạt được, việc quản lý, phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Long An vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn, vướng mắc, tiến độ triển khai một số nội dung, công việc còn chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn về thu hút đầu tư.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc quản lý, phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Long An vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn, vướng mắc, tiến độ triển khai một số nội dung, công việc còn chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn về thu hút đầu tư.

Để kịp thời khắc phục những tồn tại, hạn chế và triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị định số 32/2024/NĐ-CP ngày 15/3/2024 của Chính phủ về quản lý, phát triển cụm công nghiệp và văn bản số 1817/BCT-CTĐP ngày 22/3/2024 của Bộ Công Thương về quản lý, phát triển cụm công nghiệp. UBND tỉnh đã yêu cầu các sở, ngành tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao tiếp tục chủ động tổ chức thực hiện nghiêm túc công tác quản lý, phát triển cụm công nghiệp theo quy định tại Nghị định số 32/2024/NĐ-CP ngày 15/3/2024 của Chính phủ và Kế hoạch số 2097/KH-UBND ngày 15/7/2024 của UBND tỉnh về quản lý, phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh đến năm 2030.

Trong đó, yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ trì, phối hợp với Sở Công Thương, Sở Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan, đơn vị có liên quan chủ động rà soát phương án phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn quản lý, đảm bảo đầy đủ thông tin theo quy định tại Nghị định số 32/2024/NĐ-CP; phương án phát triển cụm công nghiệp phải khả thi, đồng bộ, thống nhất và không chồng lấn với các quy hoạch khác của địa phương.

Đồng thời, rà soát các quy định pháp luật hiện hành và thực tiễn tại địa phương để có kế hoạch quản lý, chuyển đổi đối với các dự án cụm công nghiệp rút ra khỏi quy hoạch (nếu có) theo quy định, trong đó phải chú trọng đến công tác quản lý chặt chẽ về môi trường, an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Giao Sở Công Thương, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND các huyện, thị xã, thành phố theo chức năng, nhiệm vụ thường xuyên thực hiện rà soát tiến độ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật (trong đó lưu ý cụm công nghiệp phải có hạ tầng bảo vệ môi trường theo quy định), thu hút đầu tư vào các cụm công nghiệp trên địa bàn, để có giải pháp tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ đầu tư, phát huy hiệu quả đầu tư, hoạt động của dự án; xử lý dứt điểm các cụm công nghiệp, dự án trong cụm công nghiệp gây ô nhiễm môi trường, sử dụng đất không hiệu quả, không đúng mục đích, chậm tiến độ.

Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức thực hiện phương án tiếp nhận các dự án đầu tư, kinh doanh hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp/lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án cụm công nghiệp theo đúng chủ trương của UBND tỉnh tại văn bản số 11314/UBND-KTTC ngày 04/11/2024. Trong đó, việc tổ chức thẩm định, đánh giá năng lực, kinh nghiệm của nhà đầu tư phải được chú trọng và thực hiện nghiêm túc để đảm bảo lựa chọn được các chủ đầu tư cụm công nghiệp có chất lượng để đầu tư các cụm công nghiệp có hiệu quả.

Có định hướng, ưu tiên xúc tiến thu hút các dự án đầu tư có ngành nghề, có khả năng liên kết, hỗ trợ nhau vào cùng một cụm công nghiệp; các ngành nghề theo định hướng Quy hoạch tỉnh có công nghệ cao, sạch, tiết kiệm năng lượng, mang lại giá trị gia tăng cao, phát triển bền vững vào các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Ngoài ra, các sở, ngành tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ động tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật tại các cụm công nghiệp trên địa bàn, như: pháp luật về đất đai, đầu tư, xây dựng, bảo vệ môi trường, phòng cháy, chữa cháy và pháp luật khác có liên quan, để chấn chỉnh công tác quản lý, đầu tư phát triển các cụm công nghiệp trên địa bàn theo đúng quy định của pháp luật.

Thuận Yến (t/h)