Festival Lúa gạo Việt Nam lần 3 với chủ đề 'Nông nghiệp, nông dân, nông thôn phát triển bền vững; Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam' sẽ diễn ra từ ngày 18 - 24/12 tại Tp Tân An (Long An).

Theo ông Phạm Minh Hùng, sản xuất lúa gạo là một trong những ngành trọng điểm của nông nghiệp Việt Nam,góp phần quan trọng đảm bảo an ninh lương thực, xóa đói giảm nghèo và thúc đẩy xuất khẩu, nâng cao vị thế của Việt Nam trên thế giới.

Qua đó, Long An được biết đến là một trong những tỉnh có vị trí chiến lược quan trọng về sản xuất lúa gạo của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, là tỉnh có năng suất lúa cao với nhiều vùng chuyên canh, cung cấp lúa gạo hàng hóa phục vụ nhu cầu trong nước và chế biến xuất khẩu.

Lúa gạo Việt Nam được đăng ký bảo hộ quốc tế - Hình 1

Festival lúa gạo Việt Nam lần 3 nâng tầm hạt gạo Việt và vị thế của người nông dân Việt Nam

Ngoài ra, thông qua Fastival Lúa gạo Việt Nam lần 3, Long An mong muốn quảng bá hình ảnh và năng lực cung ứng lúa gạo của tỉnh nhà, khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long và cả nước nói chung, từng bước nâng cao giá trị hạt gạo Việt Nam từ khâu sản xuất, chế biến, phân phối đến tiêu thụ.

Đây cũng là cơ hội để nhà quản lý, doanh nghiệp, nhà khoa học và nhà nông tiếp cận, cập nhật các thông tin thị trường cũng như công nghệ tiên tiến của thế giới trong sản xuất và kinh doanh lúa gạo.

Festival Lúa gạo Việt Nam lần 3 – Long An 2018 với khẩu hiệu “Đồng xanh sinh lúa vàng – Ruộng sạch cho gạo ngon” sẽ bao gồm chuỗi các hoạt động liên hoàn trong một chương trình tổng thể, nổi bật là hội chợ triển lãm và các hội nghị, hội thảo quan trọng như: “Tổng kết chương trình bình ổn thị trường giữa các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và TP. Hồ Chí Minh năm 2018”, “Thực trạng xâm nhập mặn và khô hạn - Giải pháp ứng phó - Bảo vệ cây lúa - Phát triển của hạt gạo Việt Nam”, “Gạo sạch Việt Nam, khẳng định vị trí, vươn tầm quốc tế”.

Đến nay, Fastival Lúa gạo Việt Nam lần 3 đã thu hút hơn 400 đơn vị, doanh nghiệp đến từ nhiều tỉnh, thành trên cả nước đăng ký tham gia với hơn 900 gian hàng.

Qua đó hứa hẹn là điểm gặp gỡ, trao đổi, tăng cường sự kết nối giữa doanh nghiệp, nhà nước, nhà khoa học và nông dân trong chuỗi giá trị lúa gạo.

Ngoài ra, hội thi “Gạo ngon thương hiệu Việt” lần đầu tiên được tổ chức là cơ hội để các địa phương giới thiệu, quảng bá các sản phẩm lúa gạo đặc sản, thế mạnh của mình đến với đông đảo đối tác, người tiêu dùng.

Ngọc Linh