Một góc biển Vân Đồn
Đánh giá tổng thể, kỹ lưỡng
Theo Ủy ban Pháp luật, các mô hình khu kinh tế (KKT) hiện nay ở nước ta được hưởng nhiều ưu đãi về đầu tư, thuế, đất đai…, tuy nhiên, tính hiệu quả của các chính sách ưu đãi và sự đáp ứng các mục tiêu, kỳ vọng đặt ra còn nhiều hạn chế.
Do đó, đề nghị đánh giá một cách tổng thể, kỹ lưỡng hơn về các chính sách áp dụng tại các mô hình KKT trong những năm qua, từ đó làm rõ hơn cơ sở thực tiễn của việc quy định các cơ chế, chính sách mới, đặc thù, vượt trội cho các đặc khu kinh tế (ĐKKT); đồng thời, đánh giá khả năng cạnh tranh, thu hút đầu tư so với các ĐKKT trong khu vực và trên thế giới.
Việc tổng kết thực tiễn, nghiên cứu kinh nghiệm xây dựng mô hình này ở nhiều nước cho thấy một trong những yếu tố quyết định sự thành công là có sự hỗ trợ ban đầu của Nhà nước để đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng quan trọng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.
Trong điều kiện ngân sách hiện nay, nhiều ý kiến đề nghị Chính phủ cần đánh giá cụ thể hơn về khả năng hỗ trợ của Trung ương đối với ĐKKT. Bên cạnh đó, cần đánh giá về khả năng tham gia của các nhà đầu tư chiến lược, cũng như việc tự huy động tài chính của các ĐKKT trong các giai đoạn tiếp theo để có lộ trình giảm dần mức hỗ trợ của ngân sách trung ương.
Các địa bàn dự kiến thành lập 3 ĐKKT đều là những nơi có vị trí chiến lược. Do đó, đề nghị làm rõ vấn đề bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia và tác động của tình hình an ninh chính trị trong khu vực đến sự phát triển ổn định của các đơn vị này. Việc phát triển ĐKKT dự kiến sẽ gắn với các dự án quy mô lớn, vì vậy cần đánh giá về tác động đối với việc bảo tồn các giá trị tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học, đặc biệt là tài nguyên biển đảo và rừng phòng hộ.
Có ý kiến cho rằng "dự thảo luật chưa hài hòa giữa việc thiết kế chính sách ưu đãi thu hút đầu tư, phát triển kinh tế với giải quyết các vấn đề xã hội có thể phát sinh, đặc biệt là việc bảo vệ quyền lợi của các nhóm xã hội dễ bị tổn thương...". Ủy ban Pháp luật đề nghị cơ quan soạn thảo báo cáo rõ hơn về những tác động xã hội đối với cư dân địa phương, làm rõ lợi ích của những cơ chế, chính sách dự kiến áp dụng đối với việc từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân ở các khu vực này, giải pháp để khắc phục, giảm thiểu các tác động bất lợi (nếu có).
Cần phân định rõ thẩm quyền
Về tổ chức chính quyền địa phương ĐKKT, Chính phủ đề xuất và xin ý kiến Quốc hội về 2 phương án. Phương án 1: Không tổ chức HĐND và UBND tại ĐKKT mà thực hiện thiết chế trưởng đơn vị ĐKKT - do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, được phân quyền, phân cấp mạnh, có thẩm quyền quyết định và tổ chức thực hiện toàn bộ các hoạt động hành chính, kinh tế, xã hội trên địa bàn ĐKKT. Chính phủ đã đề xuất lựa chọn phương án này. Phương án 2: Tổ chức chính quyền địa phương ĐKKT, gồm có HĐND và UBND.
Theo Ủy ban Pháp luật, do còn ý kiến khác nhau nên Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến về vấn đề này. Bên cạnh đó, nhiều ý kiến đề nghị, dù mô hình tổ chức chính quyền địa phương được quyết định theo phương án nào thì cũng cần làm rõ ngay trong luật mối quan hệ theo chiều dọc, chiều ngang cũng như theo phạm vi lãnh thổ giữa chính quyền địa phương ĐKKT với HĐND, UBND cấp tỉnh, các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, với các cơ quan nhà nước ở trung ương và cơ quan của trung ương đóng tại địa phương.
Đồng thời, phân định rõ thẩm quyền giữa chính quyền địa phương ĐKKT với các khu hành chính… Luật cũng cần quy định rõ địa vị pháp lý, thẩm quyền, quy trình xử lý công việc trong từng mối quan hệ.
Chẳng hạn, nếu giao thẩm quyền vượt trội cho ĐKKT trong mọi lĩnh vực, nhưng vẫn xác định là đơn vị trực thuộc cấp tỉnh thì ĐKKT có phải thực hiện các văn bản do HĐND, UBND tỉnh ban hành hay không? Cơ chế về ngân sách, quyết toán ngân sách, quản lý đầu tư, quản lý đất đai là thẩm quyền độc lập hay vẫn phải báo cáo các cơ quan cấp tỉnh... và nhiều vấn đề tương tự, cần phải được làm rõ trong luật này.
Du lịch là một trong những ngành, nghề được ưu tiên phát triển ở 3 ĐKKT: Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc. Trong đó, cả 3 đều xác định ưu tiên đối với dịch vụ, du lịch và vui chơi giải trí tổng hợp có casino có vốn đầu tư tối thiểu 44.000 tỷ đồng. Ủy ban Pháp luật cho rằng, sự trùng lặp ngành, nghề ưu tiên có thể dẫn tới sự cạnh tranh lẫn nhau giữa 3 ĐKKT. Mặt khác, hiện nay nhiều nước trong khu vực có vị trí địa lý gần với nước ta đã khá thành công với loại hình này, việc ưu tiên ngành, nghề này cần phải tạo nên thế mạnh riêng và đủ khả năng cạnh tranh với các nước.
Thái Bình