Cụ thể, Cục QLTT Thanh Hóa đã xử lý 29 vụ vi phạm về hàng cấm, hàng nhập lậu; 28 vụ vi phạm hàng giả và quyền sở hữu trí tuệ; 201 vụ vi phạm về giá; 266 vụ vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm và 480 vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh khác. Số tiền phạt vi phạm hành chính hơn 2 tỷ đồng, tiền bán hàng tịch thu 6,9 tỷ đồng, giá trị hàng tiêu hủy 105,2 triệu và giá trị hàng chờ bán, chờ tiêu hủy khoảng 51,8 triệu đồng
Trong quý I, hoạt động buôn bán hàng nhập lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa tuy không nổi cộm nhưng vẫn còn tiềm ẩn những yếu tố phức tạp, khó lường; hoạt động gian lận thương mại vẫn còn diễn ra trên nhiều lĩnh vực như lợi dụng chương trình “Đưa hàng Việt về nông thôn” để tiêu thụ hàng tồn kho, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ; gian lận về đo lường, chất lượng hàng hóa; hàng vi phạm quy định về nhãn hàng hóa, niêm yết giá, bán hàng không xuất hóa đơn,…Tình hình buôn bán hàng kém chất lượng, hàng giả vẫn xảy ra với quy mô nhỏ, lẻ.
Tình trạng vận chuyển, tàng trữ, buôn bán trái phép hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (thực phẩm đông lạnh, bánh mứt kẹo...) có chiều hướng gia tăng đặc biệt là thời điểm trước, trong tết Nguyên đán Kỷ Hợi.
Cục QLTT Thanh Hóa tiếp tục tăng cường kiểm tra, xử lý các hoạt động gian lận thương mại, hàng giả diễn ra trên địa bàn
Cũng trong quý I, Cục QLTT Thanh Hóa đã triển khai thực hiện nhiều kế hoạch kiểm tra, kiểm soát thị trường, ngăn chặn đẩy lùi có hiệu quả tình trạng buôn bán, tàng trữ hàng cấm, hàng nhập lậu, hoạt động sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo đảm cân đối cung - cầu, hàng hóa, dịch vụ, bình ổn giá cả, thị trường đảm bảo.
Thuấn Nguyễn