Lực lượng QLTT thu giữ lô hàng giả mạo nhãn hiệu
Theo đó, ngày 4/9, Đội QLTT số 1 phối hợp Đội QLTT số 26 (Cục QLTT Hà Nội) và tổ công tác 368 (Tổng cục QLTT) tiến hành kiểm tra cơ sở kinh doanh Quỳnh Hoan (địa chỉ, tổ 17, Bắc Lãm, Phú Lương, Hà Đông, Hà Nội).
Qua kiểm tra thực tế, lực lượng chức năng phát hiện cơ sở này đang thực hiện việc sao chụp hình ảnh thông tin trên bao bì của Công ty TNHH Tân Hợp Thành (địa chỉ, số 1A đường Hồ Văn Thắng, xã Tân Thạch Tây, huyện Củ Chi, TP. Hồ Chí Minh), sau đó chỉnh sửa lại thông tin nhãn THCook, thương nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa là Công ty TNHH Tân Hợp Thành chuyển thành KAGAWA (địa chỉ 301/28, Phan Xích Long, phường 1, quận Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh).
Đồng thời, cơ sở này làm giả mạo mã số, mã vạch 8938504329... và dấu hợp quy Vietcret 15.600-HQ-15 QCVN 12-3:2011/BYT của Công ty TNHH Tân Hợp Thành theo các giấy chứng nhận số 15.600-HQ5 và chứng nhận sử dụng mã vạch số NO 12417, sau đó đặt in bao bì với các nội dung giả mạo trên tại Công ty Tín Phát (địa chỉ, KCN La Phù, Hoài Đức, Hà Nội).
Tiếp đó, cơ sở này sử dụng các bao bì có thông tin giả mạo nhãn hiệu để đóng gói các loại nồi kim loại không có hóa đơn chứng từ, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không bảo đảm chất lượng (theo quy định thì mặt hàng này phải phù hợp với quy chuẩn Việt Nam).
Cụ thể, qua kiểm tra tại cửa hàng, lực lượng chức năng phát hiện 527 chiếc nồi, kích thước 18cm x 14 cm, 28cm x 24 cm và 1.770 chiếc vỏ thùng có in các thông tin giả mạo.
Trước đó, cơ sở này đã sử dụng mạng xã hội ZALO có tên Quỳnh Hoan, tổ 17 Phú Lãm để thực hiện việc giao dịch giới thiệu và bán hàng.
Hiện, vụ việc đã được lực lượng QLTT lập biên bản thu giữ toàn bộ số hàng hóa vi phạm trên, tiếp tục xác minh, làm rõ, xử lý theo quy định của pháp luật.
Nguyễn Kiên