Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT, Trần Hữu Linh nhấn mạnh: “Lực lượng QLTT huy động toàn bộ lực lượng và sẽ xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển thịt lợn mắc bệnh, không rõ nguồn gốc, xuất phát từ vùng dịch, không có giấy chứng nhận kiểm dịch của cơ quan thú y”.
Theo ông, nguyên nhân khiến dịch tả lợn châu Phi lan nhanh là do đâu?
Mặc dù, các cơ quan chức năng đã tăng cường các biện pháp phòng chống dịch, tuy nhiên thực tế, dịch đang nguy cơ lan rộng. Nguyên nhân do sản phẩm lợn sống đưa vào sâu thị trường nội địa; việc buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ lợn nhập lậu, không rõ nguồn gốc, việc giao lưu buôn bán ở các cư dân vùng biên giới phía bắc diễn ra sôi động..., rất có thể mang theo mầm bệnh dịch tả lợn châu Phi vào Việt Nam.
Bên cạnh đó, trong dịp trước và sau Tết, lượng khách du lịch tới Việt Nam khá đông, nhất là khách châu Á, thường có thói quen mang theo thực phẩm được sản xuất từ thịt lợn nên có thể đưa mầm bệnh dịch tả lợn châu Phi vào Việt Nam. Ngoài ra, tại các nhà hàng, quán ăn, thực phẩm dư thừa, sau khi thu gom được sử dụng làm thức ăn cho gia xúc gia cầm - nguy cơ dẫn tới việc lây lan bệnh dịch.
Thời gian qua, lực lượng QLTT đã đạt được những kết quả ra sao trong công tác phòng chống dịch tả lợn châu Phi?
Ngay từ khi xuất hiện dấu hiệu bệnh dịch tả lợn châu Phi, Bộ Công thương được giao nhiệm vụ: Nghiên cứu, xem xét cung - cầu thị trường đối với sản phẩm thịt lợn để có những biện pháp kịp thời; công tác kiểm tra, kiểm soát về phòng chống, xử lý việc vận chuyển gia súc, gia cầm có dấu hiệu mắc dịch...
Từ đầu năm, Tổng cục QLTT đã tăng cường, huy động toàn lực lượng để phối hợp với các lực lượng địa phương, tham gia phòng chống dịch, trực 24/24 tại các trạm/chốt kiểm dịch động vật, các điểm nóng về kinh doanh, giết mổ động vật trái phép nhằm kiểm soát có hiệu quả việc kinh doanh, vận chuyển thịt lợn, sản phẩm từ thịt lợn không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch ra - vào địa bàn; tham gia thống kê các tổ chức, cá nhân có trang trại chăn nuôi lợn, cơ sở giết mổ để tuyên truyền và kiểm tra, kiểm soát việc vận chuyển kinh doanh trái phép động vật, sản phẩm động vật, cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn.
Đối với cục QLTT các tỉnh có đường biên giới (Lào Cai, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Lai Châu, Điện Biên, Quảng Ninh...), phối hợp với các đơn vị chức năng, tổ chức giám sát chặt chẽ tại khu vực giáp cửa khẩu, đường mòn, lối mở nhằm ngăn chặn việc vận chuyển thịt lợn, các sản phẩm từ lợn không rõ nguồn gốc vào Việt Nam.
Tới thời điểm này, công tác kiểm tra, kiểm soát đã đạt được những thành công nhất định. Tại Hà Nội, lực lượng QLTT tham gia 5/5 chốt kiểm dịch động vật liên ngành tại các đầu mối giao thông. Nam Định, tham gia 11/11 chốt kiểm dịch của tỉnh, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của tỉnh kiểm soát hơn 100 lượt phương tiện, tiêu hủy 80 con lợn và 2.086 kg thịt lợn. Hưng Yên, lực lượng QLTT tham gia 8/8 chốt kiểm dịch của tỉnh và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của tỉnh kiểm soát 185 lượt phương tiện, tiêu hủy 6.258 con lợn.
Tại các địa phương có ổ dịch đã bùng phát, lực lượng QLTT đã cử cán bộ ứng trực 24/24 tại các chốt kiểm dịch của tỉnh, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của tỉnh sẵn sàng nhân lực và phương tiện để tham gia các hoạt động phòng chống dịch.
Thời gian tới, lực lượng QLTT có biện pháp cụ thể nào để ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi?
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công thương, lực lượng QLTT sẽ chủ động thực hiện nhiệm vụ được giao, đồng thời phối hợp với lực lượng các địa phương, nhất là cơ quan thú ý để ngăn chặn dịch.
Bên cạnh đó, triển khai các biện pháp nghiệp vụ, tăng cường công tác thu thập thông tin, nắm tình hình địa bàn, chủ động phối hợp với các ngành, lực lượng chức năng kiểm tra, kiểm soát tại các khu vực gần cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới, chợ đầu mối, chợ trung tâm..., kịp thời phát hiện, bắt giữ và xử lý nghiêm các hành vi buôn bán, vận chuyển lợn, sản phẩm của lợn không rõ nguồn gốc, không bảo đảm các yêu cầu vệ sinh thú y và ATTP.
Đồng thời, xử lý tiêu hủy toàn bộ lợn, sản phẩm lợn vận chuyển, kinh doanh trái phép, không rõ nguồn gốc và nghi vấn đến từ nguồn dịch; trước khi tiêu hủy, lực lượng QLTT cần phối hợp với cơ quan kiểm dịch, thú y để lấy mẫu xét nghiệm bệnh. Tới đây, Tổng cục QLTT sẽ tiến hành thanh kiểm tra đột xuất các chốt kiểm dịch nhằm giám sát việc thực thi công vụ đối với cán bộ QLTT được giao nhiệm vụ ứng trực tại các chốt kiểm dịch.
Trân trọng cảm ơn ông!
Phan Chinh (thực hiện)