1. Lương gross là gì?
Khái niệm lương gross hiện không được quy định trong các văn bản pháp luật. Đây là thuật ngữ dùng trong lĩnh vực kinh tế, được các doanh nghiệp sử dụng khi thỏa thuận về lương với người lao động.
“Gross” trong tiếng Anh có nghĩa là tổng. Do vậy, có thể hiểu đơn giản, lương gross là tổng thu nhập mỗi tháng của người lao động, gồm cả lương cơ bản và các khoản trợ cấp, phụ cấp, hoa hồng… mà chưa trừ các khoản đóng bảo hiểm bắt buộc và nộp thuế thu nhập cá nhân (nếu có).
Lương gross thường được ghi trong hợp đồng lao động và là cơ sở để tính các khoản trích nộp cho các quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và thuế thu nhập cá nhân. Sau khi trừ các khoản này, số tiền thực tế mà người lao động nhận được gọi là lương net (lương thực nhận).
Bộ luật Lao động và văn bản còn hiệu lực (Áp dụng năm 2024) |
Giải đáp câu hỏi: Lương gross là gì? Công ty có bắt buộc phải trả lương bằng tiền mặt cho người lao động (Ảnh minh họa – Nguồn từ Internet)
2. Công ty có bắt buộc phải trả lương bằng tiền mặt cho NLĐ?
Căn cứ Điều 96 Bộ luật Lao động 2019, hình thức trả lương cho người lao động được quy định như sau:
(i) Người sử dụng lao động và người lao động thỏa thuận về hình thức trả lương theo thời gian, sản phẩm hoặc khoán.
(ii) Lương được trả bằng tiền mặt hoặc trả qua tài khoản cá nhân của người lao động được mở tại ngân hàng.
Trường hợp trả lương qua tài khoản cá nhân của người lao động được mở tại ngân hàng thì người sử dụng lao động phải trả các loại phí liên quan đến việc mở tài khoản và chuyển tiền lương.
Như vậy, người công ty có thể thỏa thuận với người lao động về hình thức trả lương. Theo đó, lương được trả bằng tiền mặt hoặc trả qua tài khoản cá nhân của người lao động được mở tại ngân hàng. Do đó, công ty không bắt buộc phải trả lương bằng tiền mặt cho người lao động mà có thể linh động về các hình thứu trả lương sau khi có sự thảo thuận với người lao động.
3. Người lao động được nhận lương theo kỳ hạn như thế nào?
Căn cứ Điều 97 Bộ luật Lao động 2019, kỳ hạn trả lương cho người lao động được quy định như sau:
(i) Người lao động hưởng lương theo giờ, ngày, tuần thì được trả lương sau giờ, ngày, tuần làm việc hoặc được trả gộp do hai bên thỏa thuận nhưng không quá 15 ngày phải được trả gộp một lần.
(ii) Người lao động hưởng lương theo tháng được trả một tháng một lần hoặc nửa tháng một lần. Thời điểm trả lương do hai bên thỏa thuận và phải được ấn định vào một thời điểm có tính chu kỳ.
(iii) Người lao động hưởng lương theo sản phẩm, theo khoán được trả lương theo thỏa thuận của hai bên; nếu công việc phải làm trong nhiều tháng thì hằng tháng được tạm ứng tiền lương theo khối lượng công việc đã làm trong tháng.
(iv) Trường hợp vì lý do bất khả kháng mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng không thể trả lương đúng hạn thì không được chậm quá 30 ngày; nếu trả lương chậm từ 15 ngày trở lên thì người sử dụng lao động phải đền bù cho người lao động một khoản tiền ít nhất bằng số tiền lãi của số tiền trả chậm tính theo lãi suất huy động tiền gửi có kỳ hạn 01 tháng do ngân hàng nơi người sử dụng lao động mở tài khoản trả lương cho người lao động công bố tại thời điểm trả lương.
Như vậy, tùy thuộc vào tính chất công việc cũng như theo thỏa thuận giữa hai bên thì người lao động được nhận lương theo kỳ hạn nêu trên.
Lưu ý: Đối với trường hợp trả lương chậm từ 15 ngày trở lên không phải vì lý do bất khả kháng thì người sử dụng lao động phải đền bù cho người lao động một khoản tiền ít nhất bằng số tiền lãi của số tiền trả chậm theo quy định.
T. Hương (Nguồn: https://thuvienphapluat.vn/)