Chuyên gia của MBS đánh giá, năm 2025 sẽ đánh dấu sự chuyển mình của nền kinh tế với mục tiêu phát triển đột phá 7 – 8%. Lợi nhuận thị trường năm 2025 - 2026 dự báo sẽ tăng trưởng lần lượt 18% và 19% so với cùng kỳ, nó chính là hỗ trợ cho đà tăng của chỉ số. Việt Nam đang tiến gần hơn đến cơ hội được tham gia vào nhóm các thị trường chứng khoán mới nổi dẫn đến kỳ vọng kích hoạt dòng vốn đầu tư nước ngoài quay trở lại.
Năm 2024, chỉ số VN-Index đã tăng hơn 12%
VN-Index đã tăng hơn 12% trong năm 2024, bất chấp áp lực bán ròng từ khối ngoại và sự mất giá của đồng VND. Với mức định giá hấp dẫn và tiềm năng tăng trưởng lợi nhuận dự báo đạt 17%, thị trường không cần cú hích quá lớn để tiếp tục tăng trưởng.
Tăng trưởng là sự thật nhưng thị trường cũng đối mặt với các rủi ro khác nhau. Sự phục hồi gần đây của các cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ đã đưa định giá của VNMID lên mức 17.3x P/E 12 tháng, cao hơn khoảng 17% so với VN-Index. Thậm chí, các cổ phiếu vốn hóa vừa hiện tại được giao dịch với mức P/B tương đương với các cổ phiếu vốn hóa lớn. Trong khi đó, định giá của các cổ phiếu vốn hóa lớn (đại diện bởi VN30 và VNX50) thấp hơn khoảng 11% so với mức trung bình của thị trường.
MBS cho rằng, định giá cổ phiếu vốn hóa lớn vẫn hấp dẫn hơn khi xét về tiềm năng tăng trưởng lợi nhuận kinh doanh giai đoạn 2025-2026 so với các nhóm cổ phiếu khác.
Xét theo nhóm ngành, nhiều nhóm ngành đang có định giá P/E thấp hơn so với trung bình 3 năm gần nhất, mở ra nhiều cơ hội đầu tư tích lũy các cổ phiếu của các doanh nghiệp đầu ngành.
Tính đến ngày 5/12, VN-Index đang giao dịch ở mức P/E TTM là 13,5, thấp hơn mức trung bình 3 năm (13,8x) và giảm 20% so với đỉnh 3 năm (16,7x hồi quý IV/2021). Trong kịch bản cơ sở, với mức tăng trưởng 18% lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết, và định giá 12,5 – 13 lần P/E, MBS kỳ vọng VN-Index sẽ đạt 1.400 – 1.420 điểm trong năm 2025.
Các chủ đề hấp dẫn, lý giải kỳ vọng chỉ số VN-Index vượt 1.400 điểm trong năm 2025
Chuyên gia của MBS xác định 8 chủ đề đầu tư hấp dẫn cho năm 2025, bao gồm: Bất động sản khởi động chu kỳ phát triển mới; Cơ hội từ tăng cường giải ngân đầu tư công; Câu chuyện riêng ngành ngân hàng;Hiệu ứng kích thích kinh tế từ Trung Quốc; Thiếu hụt nguồn cung điện; Ảnh hưởng từ Trump 2.0; Sự xuất hiện các ngành công nghiệp mới và Nâng hạng thị trường chứng khoán.
Nhận định về thị trường chứng khoán năm 2025 và triển vọng các nhóm ngành, ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc Khối Nghiên cứu và Phát triển khách hàng cá nhân của Chứng khoán Yuanta Việt Nam, cho biết, bước sang năm 2025, các yếu tố cơ bản hỗ trợ thị trường quay lại. Lợi nhuận doanh nghiệp hồi phục và tăng trưởng, giữa các nhóm ngành, doanh nghiệp sẽ có sự phân hóa nhưng không lớn như năm 2024.
Tăng trưởng được dự báo tập trung ở lĩnh vực tài chính với hai nhóm chính là ngân hàng và chứng khoán. Với ngân hàng, năm sau áp lực của ngân hàng là lãi suất huy động có khả năng cao nhưng phần bù sẽ đến từ thanh khoản bất động sản, tín dụng chảy vào lĩnh vực này, điều này hỗ trợ cải thiện NIM của các ngân hàng.
Với nhóm chứng khoán, năm 2025 sẽ có nhiều câu chuyện kích thích thanh khoản thị trường gia tăng, dự báo khớp lệnh mỗi phiên ước tính lên tới 25.000 tỉ đồng. Có những động lực để kỳ vọng thị trường tăng trưởng tốt, thu hút dòng tiền như định giá của VN-Index đang ở mức hấp dẫn.
Bất động sản và câu chuyện nâng hạng thị trường chứng khoán
Câu chuyện nâng hạng thị trường cũng mở ra nhiều kỳ vọng. Với dòng vốn ngoại dự kiến đổ về khoảng 1 tỷ USD, các quỹ đầu cơ theo câu chuyện nâng hạng sẽ gia tăng tiền vào, nhờ đó thị trường được dự báo sôi động.
Nhóm tiếp theo được dự báo tăng trưởng là bất động sản. Theo ông Minh, nhiều cổ phiếu bất động sản hiện đang giao dịch với giá tương đối thấp.
“Dự báo năm 2025, thanh khoản thị trường bất động sản sẽ khả quan vào 6 tháng cuối năm và mở ra triển vọng tích cực đối với cổ phiếu nhóm này”, ông Minh nhận định.
Ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc chiến lược thị trường của Công ty chứng khoán VPBankS đánh giá “Bức tranh lợi nhuận của năm 2025 vẫn tiếp tục được dự bảo khả quan. Với tốc độ tăng trưởng lợi nhuận có thể trong khoảng 25-30%, xu hướng phục hồi của kinh tế sẽ là động lực giúp các nhóm ngành tăng trưởng.
PV (t/h)