Hội nghị Khuyến công (KC) các tỉnh, thành phố miền Trung – Tây Nguyên (MT-TN) lần thứ XII năm 2022 do Cục Công Thương địa phương (CTĐP) tổ chức, với sự tham dự của trên 200 đại biểu là lãnh đạo Sở Công Thương, Trung tâm KC và Xúc tiến Thương mại 15 tỉnh, thành phối khu vực MT-TN và một số tỉnh khu vực phía Nam. Ông Ngô Quang Trung, Cục trưởng Cục CTĐP - Bộ Công Thương đã đến dự.
Theo Ban Tổ chức, mục đích của Hội nghị là nhằm đánh giá kết quả thực hiện hoạt động KC của 15 tỉnh, thành phố khu vực MT-TN năm 2021 và 07 tháng đầu năm 2022; đồng thời đề ra nhiệm vụ và giải pháp để hoàn thành kế hoạch KC năm 2022.
Theo báo cáo của Cục CTĐP trình bày tại Hội nghị: Từ đầu năm 2021 đến nay, tình hình thế giới và khu vực tiếp tục bị ảnh hưởng nặng nề do các đợt dịch Covid-19 bùng phát; tăng trưởng kinh tế toàn cầu thấp hơn so với dự báo và không đồng đều giữa các quốc gia; nợ công toàn cầu tăng mạnh, sức ép lạm phát và rủi ro tài chính, tiền tệ gia tăng. Bên cạnh đó, sự gia tăng cạnh tranh giữa các nước lớn, chủ nghĩa dân tộc, các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống… đã tác động mạnh mẽ đến kinh tế, thương mại, đầu tư và hoạt động KC nói riêng. Đáng lưu ý, năm 2021, kinh phí thực hiện chương trình KC bị cắt giảm 50% để phục vụ chống dịch Covid-19…
Trong bối cảnh khó khăn trên, thực hiện chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương, Cục CTĐP đã phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố khu vực MT-TN thực hiện nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ các địa phương triển khai có hiệu quả các chương trình KC.
Theo đó, trong năm 2021 và 07 tháng đầu năm 2022, Cục CTĐP – Bộ Công Thương đã hỗ trợ các tỉnh MT-TN triển khai khá nhiều chương trình KC. Cụ thể, tổng kinh phí KC thực của 15 tỉnh, thành phố khu vực MT-TN là gần 49 tỷ đồng, đạt 95,24% so với kế hoạch năm. Trong đó, kinh phí thực hiện KC quốc là trên 11 tỷ đồng, đạt 99,37% so với kế hoạch; kinh phí thực hiện KC địa phương là gần 8 tỷ đồng, đạt 94,11% so với kế hoạch. Tiếp đó, 07 tháng đầu năm 2022, kinh phí KC được duyệt của 15 tỉnh, thành phố khu vực MT-TN là gần 73 tỷ đồng, cao hơn 42,11% so với kế hoạch năm 2021.
Kết quả, các tỉnh, thành phố khu vực MT-TN đã triển khai có hiệu quả nhiều chương trình KC, như: Hỗ trợ phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn; Hỗ trợ phát triển các cụm công nghiệp; Hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực có chất lượng, nâng cao năng lực quản lý, tư vấn, trợ giúp các cơ sở công nghiệp nông thôn; Hỗ trợ tư vấn thông tin phát triển công nghiệp nông thôn, công tác truyền thông; Nâng cao năng lực tổ chức thực hiện các hoạt động KC…
Cụ thể, đó là các chương trình: Hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc tiên tiến, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp; Xây dựng các mô hình thí điểm về áp dụng sản xuất sạch hơn, xây dựng hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường cho cơ sở công nghiệp nông thôn; Hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật để phổ biến công nghệ mới, sản xuất sản phẩm mới và xây dựng mô hình thí điểm về áp dụng sản xuất sạch hơn…
Về phương hướng, nhiệm vụ những tháng còn lại của năm 2022, Hội nghị xác định:Phấn đấu thực hiện 7 mục tiêu, gồm: Hoàn thành 100% các đề án KC quốc gia và KC địa phương được giao năm 2022; Đảm bảo xây dựng, đăng ký các đề án, nhiệm vụ KC quốc gia năm 2023 đúng thời hạn, có chất lượng; tập trung xây dựng các đề án nhóm, phấn đấu xây dựng được đề án điểm; Hoàn thành các chỉ tiêu về số dự án và doanh thu tư vấn phát triển công nghiệp; 100% các địa phương cử cán bộ chuyên trách về hoạt động KC tham gia các chương trình đào tạo, bồi dưỡng kiến thức KC; Tiếp tục thực hiện tốt các mục tiêu của hoạt động KC đã được quy định tại Nghị định số 45/2012/NĐ-CP và Chương trình KCQG giai đoạn 2021 – 2025; Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đánh giá thực hiện các hoạt động KC trên địa bàn; Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về chính sách KC.
Đồng thời, nhằm thực hiện có hiệu quả các mục tiêu trên, Cục CTĐP đã đề ra 6 nhiệm vụ giải pháp, trong đó có những giải pháp chủ yếu, như: Đẩy mạnh triển khai có hiệu quả các Nghị quyết, Chương trình hành động của Chính phủ, Bộ Công Thương; Chỉ thị số 04/CT-BCT của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc đẩy mạnh các hoạt động KC, tạo động lực mới cho phát triển công nghiệp nông thôn giai đoạn 2021-2025; Đẩy mạnh công tác bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, phổ biến văn bản, quy định về công tác KC để nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác KC; Kiện toàn tổ chức, xây dựng đội ngũ lãnh đạo, cán bộ đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Công Thương thực hiện nhiệm vụ về KC theo hướng ngày càng chuyên nghiệp, hiệu quả; Đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện làm việc cho đơn vị thực hiện; Xây dựng hệ thống cộng tác viên KC cấp huyện, cấp xã nhằm giúp các cơ sở công nghiệp nông thôn thuận lợi hơn trong tiếp cận chính sách KC; Thực hiện các đề án KC đúng tiến độ làm cơ sở để xem xét đánh giá năng lực thực hiện và khen thưởng về công tác KC năm 2023; Sử dụng kinh phí KC đúng mục đích, đúng yêu cầu và đảm bảo các quy định hiện hành; Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện các đề án KC quốc gia trên địa bàn, đảm bảo hoàn thành đúng tiến độ và nội dung hợp đồng đã ký…
Viết Hiền