Từ trước đến nay, việc kiểm soát kinh doanh xăng dầu được thể chế hóa bằng Nghị định 84/2009/CP của Chính phủ. Song trên thực tế, tại Nghị định này, nhiều điểm còn bất cập, cần được thay đổi bằng một quy định khác để phù hợp với tình hình hiện nay.
Bài 1: Cần thiết đấu thầu quốc tế
Xăng dầu là loại hàng hóa đặc biệt, có tác động rất lớn đến nền kinh tế đất nước. Do vậy, Chính phủ đã đưa mặt hàng này vào diện kiểm soát và có sự điều tiết của Nhà nước.
Những chiêu trò lách luật
Đối với việc nhập khẩu thông thường, để trục lợi, doanh nghiệp nhập khẩu sử dụng một số chiêu bài rất khó kiểm tra, giám sát. Có thể kể ra đây hàng loạt mánh khóe của doanh nghiệp.
Doanh nghiệp dùng công ty vệ tinh ở nước ngoài có quan hệ để gửi giá. Đây là hành động “bắt tay” với người cung cấp nâng giá ký hợp đồng lên cao hơn giá thị trường, rồi người bán ở nước ngoài “lại quả” cho doanh nghiệp nhập khẩu trong nước phần trăm hoa hồng đã thỏa thuận để trục lợi.
Doanh nghiệp trong nước bí mật lập ra công ty ở nước ngoài, sử dụng người nước ngoài làm giám đốc, sau đó ký hợp đồng với công ty này bằng một hợp đồng có giá thành cao theo công ty nhập khẩu chỉ đạo nhằm chuyển lợi nhuận ra nước ngoài một cách hợp pháp.
Doanh nghiệp ký hợp đồng mua bán theo một giá ổn định và cố định trong một khoảng thời gian dài với đối tác nước ngoài khi thời điểm giá thế giới thấp, sau đó hạch toán giá cơ sở trong nước bằng giá thế giới tại thời điểm tăng cao hiện tại và thu lời từ chênh lệch này.
Doanh nghiệp mua xăng dầu ở nước ngoài tại thời điểm giá thấp, rồi gửi lại nước ngoài, sau đó, khi thời điểm giá thế giới lên cao thì chuyển về nước và hạch toán giá tại thời điểm nhập khẩu…
Minh bạch hóa
Trong kinh doanh xăng dầu, việc minh bạch hóa là vấn đề vô cùng quan trọng, vì mặt hàng này, chúng ta phải nhập khẩu rất lớn (năm 2013 lên tới 7 tỷ USD).
Vì vậy, nếu chúng ta không kiểm soát chặt chẽ từ khâu nhập khẩu đến lưu thông trong nước sẽ là nguy cơ thất thoát khủng.
Trong điều hành kinh doanh xăng dầu như thời gian vừa qua, do việc không minh bạch dẫn đến tình trạng mập mờ từ khâu nhập khẩu, hạch toán kinh doanh, lỗ lãi, tình hình sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu, điều hành quỹ dự trữ xăng dầu, chi trả hoa hồng cho đại lý và hàng loạt vấn đề khác làm đau đầu các cơ quan quản lý, gây thiệt hại cho người dân và nền kinh tế đất nước, tạo kẽ hở để một số cá nhân, doanh nghiệp lách luật hòng trục lợi.
Trong hàng loạt bất cập cần sửa đổi, thì việc minh bạch hóa trong khâu nhập khẩu xăng dầu là vấn đề quan trọng đầu tiên mà chúng ta cần sửa đổi.
Nhà nước không kiểm soát được hoạt động nhập khẩu xăng dầu, chủ yếu giao cho doanh nghiệp kinh doanh tự tìm đối tác, tự đàm phán giá, ký kết hợp đồng nhập khẩu… là một kẽ hở rất lớn để doanh nghiệp dễ dàng lách luật.
Bịt chặt kẽ hở…
Để bịt chặt kẽ hở và kiểm soát được toàn bộ quá trình nhập khẩu xăng dầu, Chính phủ cần quy định việc nhập khẩu xăng dầu, theo đó phải đấu thầu quốc tế về cung cấp, giao cho liên bộ Tài chính và Công thương chủ trì.
Làm được như vậy, sẽ có nhiều cái lợi. Trước hết, chúng ta tìm được những nhà cung cấp có giá bán hợp lý nhất, điều kiện bán hàng ưu đãi nhất để cung cấp xăng dầu ra thị trường. Nhà nước sẽ quản lý chặt chẽ và minh bạch được hoạt động xuất nhập khẩu xăng dầu; ngăn chặn được hành động “bắt tay đi đêm” của các đơn vị nhập khẩu với đối tác nước ngoài để trục lợi; phòng và chống được hành động tham ô, tham nhũng của các tổ chức và cá nhân trong bộ máy nhà nước được giao nhiệm vụ nhập khẩu và kinh doanh…
Những biện pháp đó chính là nhằm mang lại sự công bằng cho các doanh nghiệp và lòng tin của nhân dân vào sự điều hành minh bạch của Chính phủ.
Mong rằng, trong quy định sửa đổi Nghị định 84/2009/CP tới đây Chính phủ, sẽ đưa điều kiện đấu thầu nhập khẩu xăng quốc tế là điều kiện bắt buộc vào quy định, để khâu nhập khẩu xăng dầu sẽ được minh bạch, mang lại lợi ích cho đất nước.
Thái Bình