Thị trường bất động sản (BĐS) Việt Nam đang ngày càng chứng tỏ vai trò to lớn và vô cùng quan trọng với nền kinh tế. Đóng vai trò quan trọng trong ngành BĐS là lực lượng môi giới BĐS. Theo đó, đội ngũ này giữ vai trò trung gian kết nối thực hiện hàng trăm nghìn giao dịch mỗi năm với giá trị hàng triệu tỷ đồng, mang lại hiệu quả kinh tế tối ưu cho tài sản BĐS và lợi nhuận bền vững cho mỗi cá nhân, doanh nghiệp.

Do đó, việc tăng cường kiểm soát hoạt động môi giới BĐS, yêu cầu tất cả cá nhân kinh doanh dịch vụ môi giới BĐS phải có chứng chỉ hành nghề môi giới và hành nghề trong một doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ sàn giao dịch hoặc dịch vụ môi giới BĐS là một bước vô cùng quan trọng, nhằm nâng cao tính chuyên nghiệp, minh bạch của thị trường và phòng ngừa, giảm thiểu rủi ro thị trường do hoạt động môi giới.

Tuy nhiên, việc tổ chức đào tạo và thi sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề hiện còn nhiều bất cập về chất lượng đào tạo và công tác tổ chức thi, khiến quá trình này trở nên phức tạp và chưa thực sự hiệu quả.

Việc cấp chứng chỉ hành nghề cho môi giới bất động sản vẫn còn nhiều bất cập.
Việc cấp chứng chỉ hành nghề cho môi giới bất động sản vẫn còn nhiều bất cập.

Tràn lan khoá học không đáp ứng yêu cầu

Trước hết, về chất lượng khóa đào tạo, bồi dưỡng kiến thức hành nghề môi giới BĐS. Theo quy định pháp luật mới về kinh doanh BĐS, giấy chứng nhận hoàn thành khóa học quản lý đào tạo, bồi dưỡng kiến thức hành nghề môi giới BĐS là một trong những điều kiện cần để dự thi kỳ thi sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề môi giới BĐS. Trước yêu cầu đó, thời gian gần đây, hàng loạt các khóa học đào tạo đã được tổ chức, chủ yếu dưới dạng trực tuyến, nhưng chất lượng các chương trình không đồng đều.

Theo ghi nhận của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) và phản ánh của Hội viên, các khóa học đào tạo được quảng cáo “nhanh chóng, chăm sóc từ học tới thi”. Tại buổi học, rất nhiều học viên tham gia không nghiêm túc, làm việc riêng trong giờ, thậm chí không tham gia học. Giáo trình chưa bám sát yêu cầu thực tế của nghề nghiệp, hoặc nội dung giảng dạy chưa được cập nhật theo các quy định pháp luật mới nhất. Nhiều cơ sở đào tạo thiếu giảng viên có kinh nghiệm thực tế trong lĩnh vực môi giới hoặc không có kiến thức chuyên sâu về luật và quy định hiện hành. Bài kiểm tra đánh giá để cấp giấy chứng nhận cũng chỉ mang tính hình thức.

Đáng chú ý, các khóa học như trên lại rất “hút khách". Còn các khóa học được tổ chức bởi các đơn vị chuyên nghiệp, uy tín với nội dung giảng dạy chất lượng và sát với thực tế, lại kém thu hút, thậm chị bị học viên “ngó lơ" do yêu cầu khắt khe trong việc học và thi.

Theo ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch VARS, các khóa học chất lượng không đảm bảo được tổ chức “ngang nhiên" bởi công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật, giải quyết khiếu nại, tổ cáo và xử lý vi phạm pháp luật liên quan đến đào tạo, bồi dưỡng kiến thức hành nghề môi giới BĐS, điều hành sàn giao dịch BĐS còn lỏng lẻo, dù đã được quy định tại điều khoản thi hành của Thông tư hướng dẫn về chương trình khung đào tạo, bồi dưỡng kiến thức hành nghề môi giới BĐS, điều hành sàn giao dịch BĐS.

Việc tổ chức sát hạch cấp chứng chỉ chưa đồng bộ

Bên cạnh đó là các vấn đề liên quan đến tổ chức thi sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề môi giới BĐS.

Dữ liệu nghiên cứu của VARS cho thấy, tới thời điểm hiện tại, cả nước mới chỉ có khoảng 40.000 môi giới BĐS được cấp chứng chỉ hành nghề, rất ít so với số lượng môi giới đang hành nghề trên cả nước. Do cả nguyên nhân khách quan và chủ quan.

Cụ thể, rất nhiều môi giới BĐS không tham gia các khóa học đào tạo, bồi dưỡng kiến thức hành nghề và kỳ thi sát hạch cấp chứng chứng chỉ hành nghề do không “sợ” phạt.

Một lớp học chứng chỉ bất động sản được quảng cáo trên mạng xã hội
Một lớp học chứng chỉ bất động sản được quảng cáo trên mạng xã hội.

Theo đó, Nghị định 16/2022/NĐ-CP về “Quy định xử phạt hành chính về xây dựng”, có hiệu lực từ đầu năm 2022, đã có quy định xử phạt hành chính đối với cá nhân kinh doanh dịch vụ môi giới BĐS độc lập mà không có chứng chỉ hành nghề.

Tuy nhiên, tới thời điểm hiện tại, vẫn chưa có thông tin về bất cứ trường hợp xử phạt nào. Thậm chí, tại một số địa phương có thị trường BĐS sơ khai, nhiều “cò đất" còn không biết tới các quy định mới này.

Còn nguyên nhân khách quan, do việc tổ chức các kỳ thi sát hạch cấp chứng chỉ môi giới BĐS chưa được triển khai đồng bộ và rộng khắp trên cả nước. Theo đó, rất nhiều môi giới có ý định gắn bó lâu dài với nghề, đã trải qua quá trình đào tạo chuyên môn nghiệp vụ một cách bài bản, đã tham gia các khóa học bồi dưỡng kiến thức hành nghề môi giới BĐS, sẵn sàng tham gia các kỳ thi sát hạch nhưng phải chờ đợi lâu để có cơ hội dự thi. Điều này gây khó khăn cho những người đang hành nghề hoặc muốn nhanh chóng được cấp chứng chỉ.

Đến thời điểm hiện tại, Luật mới đã có hiệu lực được 2 tháng, nhưng vẫn chưa có bất kỳ tỉnh/thành nào công bố kế hoạch tổ chức kỳ thi sát hạch. Bởi theo quy định pháp luật mới, trách nhiệm tổ chức kỳ thi sát hạch và cấp chứng chỉ được chuyển sang Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương - đơn vị không có kinh nghiệm, không có cơ quan chuyên trách thực hiện nhiệm vụ này. Do đó, nhiều khả năng môi giới vẫn tiếp tục khó tiếp cận chứng chỉ bởi các địa phương vẫn “e ngại", chưa sẵn sàng thực thi.

VARS cho rằng, để các kỳ thi sớm được tổ chức với chất lượng đảm bảo, đáp ứng nhu cầu thực tế của thị trường, Sở Xây dựng hoặc các cơ quan, đơn vị có chức năng tổ chức thi chứng chỉ hành nghề môi giới BĐS theo quy định trước đó, có thể tham mưu cho địa phương về chính sách, quy định liên quan đến tổ chức thi và cấp chứng chỉ. UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương sẽ đảm bảo quá trình tổ chức thi diễn ra theo đúng quy định của pháp luật, đồng thời giám sát chất lượng và tính minh bạch của các kỳ thi này.

Nâng cao công tác hậu kiểm sau khi cấp chứng chỉ

Theo Chủ tịch VARS, hiện nay, việc giám sát hoạt động môi giới chưa được thực hiện chặt chẽ, dẫn đến tình trạng nhiều môi giới không quan trọng việc học và thi lấy chứng chỉ. Thậm chí dù có chứng chỉ nhưng vẫn thiếu kinh nghiệm thực tế, hoặc hành nghề không đúng tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp.

Do đó, ngoài việc thi hành quy định cơ quan tiếp nhận và xử lý thông tin vi phạm. Nhà nước cần nâng cao công tác hậu kiểm sau khi cấp chứng chỉ. Đồng thời có các cơ chế giám sát hoạt động của môi giới nhằm đảm bảo họ tuân thủ đầy đủ các quy định pháp luật và chuẩn mực nghề nghiệp.

Ngoài ra, để nâng cao tính chuyên nghiệp, minh bạch của thị trường và phòng ngừa, giảm thiểu rủi ro thị trường do hoạt động môi giới, cơ quan quản lý Nhà nước cần tăng cường công tác thanh tra, giám sát của cả điều kiện cần - hoạt động đào tạo, bồi dưỡng kiến thức ngành nghề.

Cơ quan quản lý Nhà nước cần xây dựng và công khai danh sách các cơ sở đào tạo đủ điều kiện, đảm bảo các cơ sở đào tạo phải được kiểm định chất lượng nghiêm ngặt và có quy trình đào tạo giảng viên đạt chuẩn. Bên cạnh đó, cần có các chế tài đủ mạnh để xử lý nghiêm những cá nhân hoặc đơn vị tổ chức đào tạo không đảm bảo chất lượng, không tuân thủ quy định.

Thuỳ An