Người dân Thổ Nhĩ Kỳ diễu hành tại Istanbul ủng hộ Tổng thống T.Erdogan
Cuộc đảo chính bất thành đã có những tác động sâu sắc đến đời sống kinh tế, chính trị và xã hội của đất nước, tạo nên nhiều thách thức và cả cơ hội.
Thách thức nhiều phía
Giới chức Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố ngày 15-7 là ngày lễ hàng năm để kỷ niệm một chiến thắng lịch sử của nền dân chủ Thổ Nhĩ Kỳ. Nhân dịp này, phát biểu trước hàng trăm ngàn người tuần hành tại thành phố Istanbul, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan kêu gọi ủng hộ việc khôi phục án tử hình và khẳng định tiếp tục duy trì lệnh tình trạng khẩn cấp nhằm đảm bảo an ninh đất nước. Các hoạt động tuần hành tương tự cũng diễn ra tại nhiều thành phố khác trên khắp Thổ Nhĩ Kỳ. Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ cũng tổ chức một phiên họp đặc biệt để kỷ niệm sự kiện. Giới chức nước này đã áp đặt nhiều biện pháp an ninh nghiêm ngặt để bảo đảm an ninh cho sự kiện cùng nhiều máy bay trực thăng cảnh sát tuần tra ở các khu vực.
Trong một năm qua, Tổng thống Erdogan đã làm nhiều việc gây tranh cãi: mở rộng quyền lực sau một cuộc trưng cầu dân ý; tiến hành nhiều cuộc trấn áp trên quy mô lớn nhắm vào những người chống đối sau âm mưu đảo chính bất thành. Tính đến nay, nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt giữ khoảng 50.000 người tình nghi liên quan và sa thải 150.000 người khác trong đó có nhiều viên chức, cảnh sát, giáo viên, binh lính... với cáo buộc liên hệ với các tổ chức khủng bố.
Chính điều này đã làm gia tăng căng thẳng trong mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Liên minh châu Âu (EU). Nghị viện châu Âu (EP) vừa qua đã bỏ phiếu nhất trí đình chỉ các cuộc đàm phán về việc Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập EU nếu nước này nhất quyết sửa đổi Hiến pháp theo hướng gia tăng quyền lực cho Tổng thống Erdogan. Quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Đức cũng luôn trong tình trạng căng thẳng liên quan đến các vấn đề người Kurd. Ngoài ra, với cáo buộc Giáo sĩ Fethullah Gulen đứng sau âm mưu đảo chính, quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ cũng gặp nhiều sóng gió.
Cơ hội mong manh
Dẫu vậy, một năm qua cũng chứng kiến những chuyển biến tích cực tại Thổ Nhĩ Kỳ, đó là vai trò ngày càng tăng trong giải quyết các vấn đề quốc tế, phần nào lấy lại hình ảnh của đất nước. Đó là sự đóng góp của Thổ Nhĩ Kỳ trong tiến trình đàm phán hòa bình Syria hay trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố. Trong khi đó, sau thời gian đầu căng thẳng, quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và các đồng minh cũng đang dần được cải thiện. Các quan chức Mỹ thời gian gần đây đã liên tục có những tuyên bố nhằm xoa dịu đồng minh quan trọng này. Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson trong chuyến thăm Thổ Nhĩ Kỳ mới đây cũng đánh giá cao những nỗ lực của chính phủ và nhân dân nước này.
Còn với Đức, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan hồi tuần trước cũng đã có cuộc gặp với Thủ tướng Đức Merkel bên lề Hội nghị cấp cao nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu (G20). Dù diễn ra trong bối cảnh quan hệ hai nước căng thẳng thời gian vừa qua, song hai nhà lãnh đạo cũng đã có những động thái cho thấy thiện chí hòa giải.
Theo các nhà phân tích, với vị trí địa lý khá đặc biệt, nằm ở cả 2 lục địa Á-Âu và được coi là vùng đệm giữa châu Âu và khu vực Trung Đông nhiều bất ổn, Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia Hồi giáo có mối quan hệ tương đối gần gũi với phương Tây và kể từ sau khi gia nhập NATO năm 1952, Thổ Nhĩ Kỳ đã trở thành “pháo đài phía Đông của nền dân chủ phương Tây”, được xem là một trụ cột của cấu trúc an ninh Trung Đông và châu Âu.
Việt Anh - sggp